Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nam sinh bắt muỗi

Vào tháng 7/2014, Trần Quốc Gia Cát sẽ là một trong 4 thí sinh đại diện Đà Nẵng tham dự cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học toàn quốc tại TP Cần Thơ.

Với đề tài “Diệt ruồi muỗi bằng phương pháp sinh học”, chàng trai này đoạt giải nhất cuộc thi cấp thành phố. Tuy nhiên Cát cho biết mục tiêu quan trọng nhất không phải để giành giải thưởng mà là khả năng ứng dụng của đề tài ra cộng đồng.

Chàng “bốn mắt” Trần Quốc Gia Cát với chậu cây gọng vó bắt ruồi, muỗi.

Có mẹ là bác sĩ, hằng ngày thường nghe đến những ca bệnh sốt xuất huyết nên Gia Cát luôn bị loại dịch này ám ảnh trong đầu. “Ngày còn nhỏ khi em về quê, bạn bè thường hay rủ ra đồng chơi rồi tìm côn trùng nhỏ bỏ vào thân cây gọng vó để chơi. Chính vì thế khi nghe nhà trường thông báo về cuộc thi, em liên tưởng đến căn bệnh sốt xuất huyết và trò chơi ngày nhỏ”- Cát nhớ lại lúc hình thành ý tưởng.

Mang ý tưởng này trình bày với giáo viên hướng dẫn, Cát nhận được sự đồng ý, nhưng để thực hiện được dự án Cát phải lân la các thư viện để tìm hiểu thêm về loài cây gọng vó (tên khoa học là Drosera - loài cây ăn thịt phổ biến trên thế giới có hơn 170 loài và được tìm thấy ở hầu hết châu lục). Những chuyến đi thực địa ở vùng Quảng Nam, Đà Nẵng và qua quá trình đối chiếu trên sách, Cát xác định được loài cây gọng vó mọc chủ yếu ở miền Trung có tên khoa học là Drosera indica. Nhưng đặc tính của loại cây này so với loài Drosera ở các nơi khác là khả năng thu hút côn trùng chưa cao, cây thụ động và bắt ruồi tốt hơn bắt muỗi.

Đề tài tập trung chủ yếu vào diệt muỗi nên Cát phải giải thêm bài toán dẫn dụ muỗi tập trung đến nơi có cây gọng vó. Cát đặt bốn chậu cây gọng vó ở bốn góc phòng rồi lần lượt dùng bùn ao hồ, bùn ao hồ kết hợp với ruột cá tươi, nước vo gạo lên men, vỏ trái thơm lên men để kiểm nghiệm khả năng thu hút ruồi, muỗi đến gần cây. Sau hơn một tuần ghi chép số lượng muỗi dính bẫy, Cát kết luận dùng nước vo gạo lên men để bẫy muỗi là hợp lý nhất vì ít gây mùi hôi, nước vo gạo nhà ai cũng có.

Gọng vó là loại cây mọc tự nhiên. Thế là Cát còn phải tìm cách gieo, ươm trồng và chăm sóc. Cát cũng tìm cách bắt cây tiết chất keo dính ra nhiều hơn để bắt mồi.

Sau ba tháng thực nghiệm tại nhà và trường, giờ đây Cát đã làm chủ quy trình gieo hạt cũng như nắm vững điều kiện sống của cây sao cho khả năng bắt ruồi, muỗi mỗi khi vào “tầm ngắm” là bách phát bách trúng.

Cát nói việc ứng dụng cây gọng vó diệt ruồi, muỗi góp phần bảo vệ môi trường vì không dùng hóa chất. “Những khoảnh đất trống nơi công cộng hay khuôn viên trong nhà đều trồng cây gọng vó được. Vừa tăng vẻ đẹp cảnh quan, đồng thời làm giảm lượng ruồi, muỗi trên một diện tích lớn hơn”- Cát nói.

Học sinh lớp 9 chế tạo kính thiên văn

Ba học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Du, một trường quê ở xã Diên Lạc (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) đã chế tạo thành công chiếc kính thiên văn phản xạ.

http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/596994/bon-mat-bat-muoi.html

Theo Tuổi trẻ

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm