Ngay sau khi nhận giải nhì (không có giải nhất) vào trung tuần tháng 1/2014, ba em Võ Thành Đạt, Lê Hoài Bảo và Đỗ Hữu Ngọc Tấn (cùng học lớp 9/1 Trường THCS Nguyễn Du) đã lên phương án nâng cấp cho sản phẩm kính thiên văn phản xạ do các em chế tạo để tham gia cuộc thi toàn quốc tại TP Cần Thơ sắp tới.
Chiếc kính thiên văn phản xạ của 3 em được Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Khánh Hòa chọn để tham dự hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học toàn quốc. |
Võ Thành Đạt là người nảy ra sáng kiến chế tạo chiếc kính thiên văn trên và rủ rê hai bạn cùng lớp tham gia thực hiện. “Vài năm trước, để thỏa mãn trí tò mò, em tự chế một kính thiên văn hội tụ bằng... ống nhựa và mắt kính viễn thị nhưng thất bại vì nhìn không rõ. Tháng 7/2013, khi nghe trường phổ biến Sở Giáo dục - đào tạo tổ chức cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, em nghĩ ngay đến việc làm chiếc kính thiên văn này và bàn với hai bạn Bảo, Tấn cùng làm”, Đạt kể.
Khánh Hòa không có trạm thiên văn, không có câu lạc bộ những người yêu thiên văn như các thành phố lớn, trong khi kiến thức về thiên văn học và vật lý của ba cậu trò nhỏ lại có hạn, nên nhóm gặp rất nhiều khó khăn trong chế tạo sản phẩm. Đạt, Bảo, Tấn cùng nhau lên mạng, vừa tìm các kiến thức về kính thiên văn, vừa kết bạn với thành viên các CLB những người yêu thiên văn học ở TP.HCM, Hà Nội để trao đổi kinh nghiệm.
“Mất hơn hai tháng, chúng em cũng làm nên hình nên vóc một chiếc kính thiên văn. Thân kính được làm bằng ống nhựa PVC có đường kính 140mm, dài 900mm.
Chúng em nhờ người mua giúp gương cầu lõm và thấu kính từ TP.HCM, mua một miếng gương soi mặt về mài giũa để làm gương chéo. Mượn chân máy đo giác kế của phòng thực nghiệm nhà trường làm chân kính thiên văn và nhờ thợ mộc đóng cho một hộp đế làm giá đỡ. Khó khăn đáng kể là khi tạo bộ phận điều chỉnh độ gần xa hình ảnh (focus) của kính thiên văn: dùng dây dù làm sợi kéo chỉnh bộ phận nhòm chỉ một lúc thì dây đứt vì độ ma sát quá lớn mà cũng rất khó điều chỉnh để thu - phóng hình ảnh như ý được. Cuối cùng, chúng em cũng hóa giải được bằng cách sử dụng bánh răng cưa lấy từ ổ đĩa CD và hai bánh xe đồ chơi để làm bộ điều khiển focus của kính thiên văn” - Bảo nhớ lại.
Nhưng khó khăn lớn nhất khiến cả ba cậu học trò tưởng bỏ cuộc là khi lắp hệ thống kính vào thì nhìn... không thấy gì! Phải mất rất nhiều thời gian tính toán chi li và lắp vào, tháo ra hàng chục lần hệ thống kính, ba cậu trò nhỏ mới hoàn thiện được chiếc kính thiên văn này.
“Kính thiên văn của chúng em có độ phóng đại mục tiêu gấp 72 lần. Bây giờ chúng em có thể nhìn thấy rõ nét bề mặt Mặt trăng, thấy rõ một ngôi sao xa, đứng từ trường nhìn thấy đến từng cọng cỏ trên đỉnh núi xa đối diện... Thật hạnh phúc khi sản phẩm của mình làm ra được nhiều bạn bè thích thú, xin được “dòm” ké. Hơn hết, trường đã chọn sản phẩm này để dự thi cấp tỉnh và chúng em được trao giải cao” - Võ Thành Đạt hồ hởi.
Sáng tạo vượt cấp học
Ông Nguyễn Chánh, một trong ba giám khảo chấm các sản phẩm dự thi lĩnh vực vật lý và thiên văn học hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Khánh Hòa, cho biết ông và các đồng nghiệp rất bất ngờ về sản phẩm kính thiên văn phản xạ của ba học sinh lớp 9 trường quê. “Khi chúng tôi hỏi khá lắt léo những kiến thức cũng như cơ chế hoạt động của kính thiên văn, cả ba tác giả nhỏ tuổi đều trả lời và giải thích trôi chảy, thấu đáo. Sáng tạo của ba học sinh lớp 9 này vượt cấp học của các em, bởi phải trình độ của sinh viên đại học mới có thể chế tạo được sản phẩm như thế này” - ông Chánh nói.