Giải đua Go-Kart diễn ra từ 31/5 được tổ chức dành cho vận động viên chuyên nghiệp và người chơi nghiệp dư. Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam có thể thức đua xe Go-Kart thi đấu sức bền bên cạnh nội dung đua đối kháng.
Cụ thể, phân hạng Endurance Race dành cho các tay đua chuyên nghiệp thi đấu theo thể thức sức bền. Mỗi đội đua gồm có 2 thành viên sẽ đua tiếp sức trong vòng 60 phút.
Trong khi đó, người chơi nghiệp dư và bán chuyên có thể đăng ký thi đấu tại hạng đua Sprint Race. Mỗi nhóm đua gồm 12 người tham dự và thi đấu tranh hạng qua 3 lượt, mỗi lượt kéo dài khoảng 10 phút.
Đối với 2 hạng đua này, phí đăng ký lần lượt là 4,85 triệu đồng/đội cho hạng Endurance Race và 1,85 triệu đồng/người cho hạng Sprint Race. Nếu đăng ký sớm người chơi có thể được ưu đãi 10-25% tùy theo mốc thời gian quy định của ban tổ chức.
Ngoài ra, người hâm mộ thể thao đua xe tốc độ có thể đến sự kiện để theo dõi miễn phí 2 hạng đua trên và hạng đua Head 2 head. Đây là màn đối đầu mang tính biểu diễn của 2 tay đua người Việt có nhiều năm kinh nghiệm thi đấu Go-Kart.
Nội dung thi đấu Go-Kart tại trường đua Đại Nam có chiều dài 1,8 km. Ảnh: FRV. |
Anh Phan Hồng Sơn, đại diện đơn vị tổ chức giải đua (Formula Racing Vietnam - FRV) cho biết loại xe cung cấp để vận động viên và người chơi tham gia giải đua sắp tới sử dụng động cơ 4 thì dung tích 125 cc. Mẫu xe này có thể đạt tốc độ tối đa khoảng 100 km/h.
Khác với các mẫu xe Go-Kart thường được dùng thi đấu chuyên nghiệp trang bị động cơ 2 thì, loại xe đua này tuy thông số kỹ thuật kém hơn nhưng có ưu điểm là dễ điều khiển hơn và ít gặp hư hỏng hơn. Nhờ vậy, cả người chơi mới lẫn người chơi lâu năm đều có thể làm quen để điều khiển xe đua và tham gia thi đấu thuận lợi.
Go-Kart là loại xe 4 bánh với cấu tạo tối giản gồm động cơ, khung sườn, hệ thống lái và phanh. Xe có trọng tâm thấp và không có các công nghệ hỗ trợ để người lái tập luyện các kỹ năng lái xe ở tốc độ cao.
Ở các nước có nền đua xe thể thao phát triển, Go-Kart là bộ môn để vận động viên nhí có thể rèn luyện và đi theo con đường đua xe chuyên nghiệp ở các hạng đua cao hơn như F3, F2 hay F1.
Trong khi đó, tại Việt Nam đua xe Go-Kart chỉ mới bắt đầu được chú ý khoảng 5 năm trở lại đây. Lượng người tham gia chưa nhiều và chủ yếu còn mang tính phong trào chứ chưa có nhiều giải thi đấu cọ xát cho nhóm người chơi chuyên nghiệp.
Go-Kart là môn thể thao giải trí tốn kém và mạo hiểm kén người chơi tại Việt Nam. Ảnh: FRV. |
Lý do khiến Go-Kart chưa phổ biến tại Việt Nam vì đây được xem là môn chơi "đắt tiền". Giá bán trung bình cho các mẫu xe Go-Kart tại Việt Nam trên dưới 100 triệu đồng và có thể đắt hơn tùy theo thương hiệu, dung tích động cơ cùng các trang bị đi kèm.
Chưa kể, người chơi Go-Kart còn phải đầu tư thêm trang phục bảo hộ và chi trả nhiều loại chi phí khác. Đó là tiền thuê sân đua để tập luyện, thuê huấn luyện viên hay tiền bảo dưỡng, nâng cấp, sửa chữa xe bị hư hỏng do va chạm hay tai nạn.
Trong khi đó, người chơi nghiệp dư hiện nay có thể thuê xe theo lượt hoặc theo ngày để trải nghiệm, tuy nhiên chi phí cũng không mấy dễ chịu. Chẳng hạn, giá thuê Go-Kart loại động cơ 4 thì tại trường đua Đại Nam tính theo lượt 10 phút có giá gần 700.000 đồng cho một người. Giá tiền này bao gồm trang phục bảo hộ và một vài dịch vụ liên quan khác.