Dù đã bị loại ở vòng tứ kết sau khi để thua tuyển Pháp, đội tuyển Anh nhiều khả năng sẽ giành giải Fair Play của World Cup 2022, theo The Guardian.
Thẻ vàng Harry Maguire phải nhận trong trận đấu trước Pháp là thẻ phạt duy nhất của "Tam sư" tại giải đấu năm nay. Trong khi đó, trận tứ kết giữa Hà Lan và Argentina diễn ra trước đó một ngày đã tạo ra kỷ lục World Cup với 18 thẻ vàng dành cho các cầu thủ và ban huấn luyện hai đội bóng.
Ngoài Anh, Nhật Bản, đội tuyển đã rời giải đấu từ vòng 16 đội, cũng là ứng cử viên nặng ký cho giải Fair Play. Nhật Bản được đánh giá cao nhờ tinh thần thi đấu ở World Cup năm nay.
Tuy vậy, chủ nhân của giải Fair Play đôi lúc còn trở nên khó đoán hơn cả nhà vô địch World Cup. Trong nhiều năm, giải thưởng này đã được trao dựa trên những tiêu chí gây tranh cãi.
Nguồn gốc
Giải Fair Play bắt nguồn từ World Cup 1970 ở Mexico, khi thẻ vàng và thẻ đỏ được đưa vào sử dụng.
Những chiếc thẻ này là phát minh của trọng tài người Anh Ken Aston. Vị trọng tài này đã điều khiển trận đấu khét tiếng giữa Italy và Chile tại World Cup 1962 ở Chile.
Trong trận đấu được mô tả là "xấu xí, tàn bạo và đáng hổ thẹn nhất trong lịch sử bóng đá" này, hai cầu thủ Italy đã bị đuổi khỏi sân sau những màn ẩu đả của hai đội.
Trọng tài Aston gặp khó khăn trong việc giải thích các quyết định của mình, một phần vì bất đồng ngôn ngữ khi ông không nói được tiếng Italy, tiếng Tây Ban Nha và một phần vì sự giận dữ của các cầu thủ Italy bị đuổi khỏi sân.
Ông Aston đã nghĩ ra hệ thống thẻ phạt khi đang lái xe về nhà sau một trận đấu tại World Cup 1966.
18 thẻ vàng đã được rút ra trong trận tứ kết giữa Hà Lan và Argentina. |
Khi đèn giao thông đổi màu, ông nhận ra rằng việc sử dụng thẻ đỏ và vàng có thể đưa ra cảnh báo rõ ràng cho người chơi, khán giả, giới truyền thông về những gì đang xảy ra trên sân.
Tuy nhiên, World Cup 1970 là một trong hai giải đấu mà không một cầu thủ nào bị đuổi khỏi sân. Đến World Cup 1974, chiếc thẻ đỏ đầu tiên mới được rút ra, khi tiền đạo Carlos Caszely của Chile bị tước quyền thi đấu trong trận đấu với Tây Đức sau khi nhận hai thẻ vàng.
Peru đã giành được giải Fair Play đầu tiên vào năm 1970 khi không phải nhận bất kỳ thẻ phạt nào trong suốt giải đấu.
Dù vậy, giải thưởng này không chỉ được trao dựa trên số thẻ mỗi đội nhận được, mà còn kết hợp với việc thể hiện tinh thần thể thao. Điều kiện tối thiểu là đội bóng phải lọt qua vòng bảng.
Việc đánh giá và quyết định được thực hiện bởi một hội đồng gồm các quan chức FIFA và các chuyên gia bóng đá.
Tranh cãi
Bất chấp điều kiện về số thẻ phạt hay tinh thần thể thao, giải Fair Play thường được trao cho đội chủ nhà.
Năm 1974, Tây Đức vừa là chủ nhà, đội vô địch và cũng giành luôn giải Fair Play của World Cup. Năm 1978, đội tuyển Argentina cũng làm được điều tương tự.
20 năm sau, tại World Cup 1998, đội chủ nhà và vô địch Pháp cũng giành giải Fair Play cùng với đội tuyển Anh.
Quyết định trao giải cho Pháp bị chỉ trích vì đây là đội bóng nhận nhiều thẻ đỏ nhất trong giải đấu. Zinedine Zidane bị đuổi khỏi sân trong trận đấu với Saudi Arabia ở vòng bảng; Laurent Blanc nhận thẻ trong trận bán kết; và Marcel Desailly bị truất quyền thi đấu trong trận chung kết.
Nhật Bản vượt qua vòng bảng World Cup 2018 nhờ chỉ số điểm Fair Play. |
Ngoài ra, tuyển Pháp cũng nhận 10 thẻ vàng sau 7 trận đấu. Các trọng tài bị cáo buộc đã làm ngơ trước hàng loạt pha phạm lỗi.
Brazil là đội giành được nhiều danh hiệu Fair Play nhất, vào các năm 1982, 1986, 1994 và 2006, mặc dù "Selecao" phải nhận nhiều thẻ đỏ nhất trong lịch sử World Cup (11 thẻ đỏ).
Một trong những thẻ đỏ bị lên án nhiều nhất thuộc về Leonardo, tuyển thủ Brazil đã giật cùi chỏ vào đầu Tab Ramos, khiến cầu thủ Mỹ bị nứt hộp sọ và nằm viện trong 3 tháng sau World Cup 1994. Bất chấp hành vi phạm lỗi thô bạo này cũng với 8 thẻ vàng khác, Brazil vẫn giành được giải Fair Play vào năm 1994.
Cách chỉ số điểm Fair Play giúp Nhật Bản lọt qua vòng bảng World Cup 2018 cũng gây nhiều tranh cãi.
Trong lượt trận cuối của vòng bảng, khi biết mình có thể đi tiếp nhờ chỉ số điểm Fair Play (cùng điểm, cùng hiệu số bàn thắng thua nhưng ít thẻ vàng hơn Senegal), Nhật Bản gần như từ chối tấn công, chỉ chuyền qua chuyền lại ở phần sân nhà, trong 10 phút cuối trận thua Ba Lan 0-1.
Nhà giáo dục và hùng biện người La Mã Quintilian từng nói rằng: "Chúng ta phải xây dựng tâm trí của mình thông qua đọc sâu hơn là đọc rộng". Thực hành đọc sâu là một quá trình rèn luyện có chủ đích. Mục Đời Sống giới thiệu với độc giả 6 nguyên tắc phát triển thói quen đọc sâu để không chỉ khám phá thế giới và kiến thức mà còn khám phá về chính bản thân mình.