Cristiano Ronaldo đã rời World Cup 2022 trong nước mắt. Hình ảnh Ronaldo khóc nức trong đường hầm được lan truyền khắp các nền tảng mạng xã hội vào ngày Bồ Đào Nha thua Morocco ở trận tứ kết.
Harry Kane đổ gục xuống sân khi tiếng còi kết thúc trận đấu giữa Anh và Pháp vang lên. Đồng đội che chắn trước máy quay trong lúc tiền đạo của "Tam sư" ôm mặt khóc.
Neymar cũng không thể giấu được sự đau buồn khi tiếp tục cùng Brazil bỏ lỡ giấc mơ vô địch World Cup. Anh khóc nức nở sau khi đồng đội đá hỏng quả penalty quyết định trong trận tứ kết.
World Cup 2022 đầy bất ngờ đã mang đến vô vàn cảm xúc. Sau mỗi trận đấu, sân vận động lại trở thành hai nửa đối lập, nơi cả cầu thủ lẫn cổ động viên, bất kể giới tính, thể hiện những xúc cảm chân thật nhất trên từng cử chỉ, nét mặt.
Xã hội nói chung không thích những giọt nước mắt hay việc biểu hiện cảm xúc, tình cảm quá mức ở đàn ông. Nhưng trong bóng đá nói riêng và thể thao nói chung, nam giới được cho phép thể hiện khía cạnh nhẹ nhàng, mềm yếu hơn của bản thân.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bóng đá dường như là không gian hiếm hoi những người đàn ông có thể khóc trên vai người khác, thoải mái nắm tay, khoác vai, ôm hôn nhau mà không sợ bị đánh giá, kỳ thị.
Bóng đá giúp đàn ông thể hiện cảm xúc thật
2/3 nam giới được Quỹ Sức khỏe Tâm thần của Anh (MHF) phỏng vấn vào năm 2006 cho biết bóng đá giúp họ chia sẻ cảm xúc với những người đàn ông khác dễ dàng hơn.
76% trong số 500 nam giới tham gia cuộc khảo sát trực tuyến cho biết họ sẽ không cảm thấy xấu hổ khi ôm bạn bè lúc xem một trận đấu.
Tiến sĩ Andrew McCulloch, Giám đốc MHF, nhận định: "Thật đáng khích lệ khi bóng đá giúp đàn ông nói về xúc cảm của mình vì trong cuộc sống thường ngày họ thường không được khuyến khích làm như vậy. Điều quan trọng là nam giới cảm thấy có thể thể hiện cảm xúc của mình theo bất cứ cách nào họ thấy thoải mái nhất".
Harry Kane ngồi gục trên sân sau trận thua 1-2 của Anh trước tuyển Pháp ở tứ kết World Cup 2022. Ảnh: AP. |
Một cuộc khảo sát vào năm 2012 tại Anh đã tiết lộ rằng một số người đàn ông có thể không khóc khi đứa con đầu lòng chào đời, nhưng lại rơi nước mắt vào ngày đội bóng yêu thích của họ giành chiến thắng.
Cứ 10 người thì có 1 người thừa nhận việc tuyển Anh giành chức vô địch các giải đấu lớn như Euro, World Cup còn có ý nghĩa hơn cả ngày cưới của mình.
Nhà tâm lý học thể thao Martin Perry cho biết: "Đối với nhiều người, cảm xúc mà họ trải qua khi xem một trận đấu quan trọng thậm chí có thể làm lu mờ một số dịp trọng đại nhất trong đời".
Còn theo một nghiên cứu được công bố trên Fatherly vào năm 2021, phần lớn người Mỹ chỉ chấp nhận nước mắt của đàn ông trong 3 dịp: trận đấu thể thao, lúc người thân qua đời và khoảnh khắc vợ sinh con.
Tommy Derossett thuộc Đại học Bang Murray, và là thành viên của nhóm nghiên cứu, nói: "Nhìn chung, đàn ông không được phép khóc trừ khi vì một điều gì đó nghiêm trọng xảy đến. Và thật kỳ lạ, thể thao được coi là 'nghiêm trọng' đến như vậy".
Nước mắt trong thể thao
Một nghiên cứu về cảm xúc của đàn ông có tên "Take it Like a Man" chỉ ra rằng nam giới "được xã hội hóa để không thể hiện cảm xúc cá nhân và vì vậy thường ít khóc hơn phụ nữ".
Nhưng vào ngày diễn ra trận đấu quan trọng, cảm xúc dâng trào không chỉ được chấp nhận mà thậm chí còn được mong đợi. Lý do liên quan đến các yếu tố sinh lý, tâm lý và xã hội phức tạp, nhưng rõ ràng đã diễn ra trong một thời gian dài.
Thể thao từ lâu đã tạo thành một xã hội thay thế, an toàn cho những giọt nước mắt của đàn ông. Trong bản trường ca cổ Iliad, người hùng Hy Lạp Diomedes không ngại ngùng khóc vì thua cuộc đua xe ngựa.
Trong cuốn sách Weeping Britannia: Portrait of a Nation in Tears, tác giả Thomas Dixon thuộc Trung tâm Lịch sử Cảm xúc tại Đại học Queen Mary viết về những nam vận động viên rơi nước mắt khi đoạt huy chương Olympic năm 1956.
Trong thể thao hiện đại, hình ảnh cầu thủ bóng rổ Michael Jordan rơi nước mắt đã trở thành meme, Glen Davis đã khóc khi bị Kevin Garnett mắng mỏ và cầu thủ Tim Tebow thừa nhận anh muốn bộc lộ cảm xúc mỗi khi thua cuộc.
Các nghiên cứu khoa học xác nhận rằng đàn ông khóc vì thể thao được chấp nhận rộng rãi. Một nghiên cứu năm 2004 trên British Journal of Social Psychology cho thấy nam giới cảm thấy thoải mái nhất khi thể hiện những cảm xúc như tức giận và đau buồn, trong bối cảnh cụ thể, có quy tắc, chẳng hạn như các trận đấu.
Luis Suarez bật khóc nức nở khi Uruguay bị loại ở World Cup 2022. Ảnh: Reuters. |
Một nghiên cứu lớn hơn vào năm 2011 trên tạp chí Psychology of Men & Masculinity đã yêu cầu 150 cầu thủ đánh giá cảnh quay các vận động viên khác khóc.
Các cầu thủ dày dạn kinh nghiệm đều đồng ý rằng việc khóc sau khi thua cuộc hay chiến thắng là điều bình thường. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các vận động viên tán thành việc khóc nhiều hơn có kết quả thi đấu tốt hơn.
Tuy nhiên, sự chấp nhận nước mắt trong thể thao cũng có nhiều cấp độ. Vận động viên thường được khuyến khích khóc trong những trường hợp không liên quan đến thành tích như huấn luyện viên của họ nghỉ hưu, đồng nghiệp dính chấn thương.
Khi đội bóng thua cuộc, nước mắt được chấp nhận nhưng không được mong đợi nhiều. Đặc biệt, nếu có liên quan trực tiếp đến thất bại của đội nhà, vận động viên khóc quá nhiều có thể bị chỉ trích.
Lauren Vinopal, cây viết của Fatherly, nhận định: "Đó là điều nam giới được dạy từ nhỏ. Những cậu bé được huấn luyện viên khuyến khích khóc khi giành chiến thắng nhưng lại được bảo 'Hãy đứng dậy' nếu chúng sụt sịt sau trận thua. Cũng giống như các cầu thủ chuyên nghiệp, bạn có thể khóc 'không phải lúc để bóng lăn qua chân, mà là nếu bạn giành chức vô địch'".
Thể thao, kể từ thời Hy Lạp cổ đại, vẫn là một trong những không gian hiếm hoi chấp nhận giọt nước mắt của đàn ông. Và đó thực sự là biểu hiện của một vấn đề lớn hơn trong xã hội.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ ước tính rằng gần 77% những người tự tử là nam giới. Việc xã hội hạn chế cách thức và thời điểm đàn ông được tự do thể hiện cảm xúc có thể là một phần của vấn đề này.
Nhà có nhiều cột
Bình đẳng giới không phải là đưa phụ nữ ra khỏi nhà và đẩy đàn ông quay trở lại căn bếp. Xã hội nên là nơi mọi cá nhân được tôn trọng, tự do phát triển và đối xử bình đẳng bất kể thuộc giới tính nào. Mục Đời Sống giới thiệu tới độc giả cuốn Nghĩ bình đẳng, sống bình đẳng. Tác phẩm được hy vọng mang đến cho người đọc những nhận thức cơ bản về vấn đề bình đẳng giới và chất liệu cho các thảo luận về giới và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.