Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Giải mã chứng sợ hãi khi bị giục kết hôn

Cảm giác sợ hãi khi ai đó hỏi hay giục bạn kết hôn nhiều khả năng chính là Gamophobia. Nhận biết nó, bạn có thể điều chỉnh góc nhìn và tập mở lòng hơn.

gamophobia la gi anh 1gamophobia la gi anh 2

Đồ họa: Anny Nhi.

Điểm chính:

  • Khác với stress trước đám cưới, Gamophobia là kiểu ám ảnh sợ hãi khiến một người ngại xây dựng mối quan hệ sâu sắc.
  • Tổn thương trong quá khứ là một trong những lý do phổ biến.
  • Gamophobia dễ ảnh hưởng tiêu cực đến chuyện tình cảm, vì vậy sự thấu hiểu và giao tiếp giữa hai người yêu nhau rất cần thiết.

Gamophobia là từ dùng để chỉ hội chứng sợ kết hôn và những tình huống đòi hỏi sự cam kết. Nhiều người trẻ vẫn thường khẳng định họ "chưa sẵn sàng bước vào hôn nhân" hoặc "không bao giờ nghĩ đến chuyện cưới xin", nhưng Gamophobia thì có phần nghiêm trọng hơn một chút.

Cụ thể, nó được xem như cảm giác hoảng sợ trên mức bình thường và dai dẳng khi ai đó nghĩ về một mối quan hệ gắn bó. Theo các nhà tâm lý học, Gamophobia khiến một người gặp khó khăn trong việc xây dựng mối liên hệ xã hội và giảm niềm vui sống hàng ngày.

Nỗi lo trước thềm hôn nhân xảy ra với mọi người, nhưng sợ hãi đến mức toát mồ hôi, tim đập nhanh và đôi khi lên cơn hoảng loạn (panic attack) thì chính là Gamophobia.

Bên dưới là một số biểu hiện, nguyên nhân cũng như cách đối phó với kiểu lo âu này.


Khi hôn nhân trở thành nỗi ám ảnh

Giống với nhiều chứng sợ hãi, hội chứng trên được nhận diện bởi nỗi sợ không hợp lý với thực tế. Thay vì dừng lại ở mức cẩn trọng xem xét, người mắc Gamophobia căng thẳng khi phải đối diện với thực tại, hoặc tưởng tượng, rằng họ sẽ phải ở trong một mối quan hệ dài hạn, vĩnh viễn.

Thi thoảng, nó bị nhầm lẫn với nỗi sợ bị bỏ rơi, nỗi sợ thân mật, sợ tin tưởng vào người khác.

Các triệu chứng thường xuất hiện và tồn tại trong 6 tháng hay lâu hơn. Ở hầu hết trường hợp, Gamophobia khiến người ta né tránh cam kết, giữ khoảng cách với người khác, ngại hẹn hò và thậm chí chia tay người mình từng quen.

Ngoài ra, nó còn đem đến một số biểu hiện vật lý như:

  • Đau ngực
  • Cảm giác nghẹt thở, chóng mặt
  • Nhịp thở nhanh, đổ mồ hôi
  • Run rẩy

Người sợ kết hôn vẫn có khả năng tìm hiểu, yêu đương như bao người, nhưng khi mọi thứ bắt đầu trở nên nghiêm túc, họ sẽ cảm nhận ngay sự hồi hộp và có những hành vi thoái thác.

Kết quả là mối quan hệ không đi đến đâu, hoặc chính họ loay hoay với hàng nghìn suy nghĩ bất an, bối rối.

Một điều bạn có thể lưu ý là Gamophia không thuộc DSM-5 - Sổ tay chẩn đoán và thống kê các loại rối loạn tâm thần của Hiệp hội Tâm thần học Mỹ. Điều đó có nghĩa là khi tìm đến sự tư vấn chuyên nghiệp, thân chủ sẽ được chẩn đoán với một trong năm chứng ám ảnh chuyên biệt hay rối loạn lo âu, tùy vào bản chất của mỗi triệu chứng.


Điều gì gây ra nỗi sợ kết hôn?

Gamophobia đến từ nhiều yếu tố khác nhau. Đã có nghiên cứu cho rằng, áp lực về nghĩa vụ tài chính và các nhu cầu xã hội góp phần đẩy mạnh cảm giác này. Một số nguyên nhân khác bao gồm:

  • Trải nghiệm tồi tệ trong quá khứ. Không ít người sợ lấy chồng, lấy vợ vì họ đã trải qua tuổi thơ thiếu hạnh phúc. Quan sát bố mẹ cãi nhau thường xuyên, họ có xu hướng không muốn rơi vào cảnh đó một lần nữa. Tương tự với việc họ từng tan vỡ, mất lòng tin với chuyện tình cảm.
  • Kiểu gắn bó né tránh - một trong bốn kiểu gắn bó liên quan đến hành vi và liên kết giữa các đôi. Người thuộc kiểu gắn bó né tránh thường e ngại việc ràng buộc, không muốn mất tự do và khó chia sẻ với nửa kia của mình.
  • Di truyền. Nghiên cứu cũng cho thấy di truyền đóng vai trò khá quan trọng trong quá trình khởi phát của các chứng lo âu, song song với giáo dục ở gia đình, trường lớp.


Can đảm để mở lòng

Gamophobia có thể được kiểm soát dần dần thông qua các phương pháp trị liệu tâm lý. Vì vậy, nó không quá đáng sợ và bạn hoàn toàn có thể chủ động hạn chế nó.

Bên cạnh tham vấn tâm lý, người lo sợ cam kết có thể thực hiện một số bước sau trong sinh hoạt hàng ngày, gợi ý bởi Verywellmind:

  • Đối diện với quá khứ. Hãy dành thời gian tìm hiểu xem điều gì khiến bạn bất an. Liệu đó có phải là một tổn thương chưa được chữa lành hay không? Nếu phải, bạn có thể làm gì để lòng thanh thản hơn?
  • Nghĩ về mong muốn cá nhân. Không phải ai cũng phù hợp với mối quan hệ lâu dài. Bạn có thể thuộc nhóm thích ở một mình, nhưng vấn đề là bạn thực sự muốn như vậy hay nỗi sợ đang giữ chân bạn?
  • Viết nhật ký. Ghi lại mọi suy nghĩ buồn vui là cách hữu ích để khám phá và gọi tên cảm xúc chân thật của bản thân.
  • Thử thư giãn đều đặn bằng cách hít thở sâu, tập yoga, thiền định.

Nếu bạn đang hẹn hò, hãy chân thành nói với đối phương khúc mắc của mình và cùng nhau tìm giải pháp. Sự cảm thông và trò chuyện cởi mở đồng thời là chìa khóa để đôi bên hiểu nhau hơn khi một trong hai gặp Gamophobia.

Thiên Hân

Đồ họa: Anny Nhi

Bạn có thể quan tâm