Ngày 18/5, Trúc Nhân đã cho phát hành ca khúc mới nhất của mình mang tên Bốn chữ lắm sau loạt 2 single gây được nhiều sự chú ý trước đó là Đông (2013) và Tìm (2014). Lần này, nam ca sĩ The Voice chọn song ca cùng Thảo Nhi - một giọng ca trẻ tuổi đến từ đội HLV Hồng Nhung trong cuộc thi mùa thứ hai. Sự cá tính, tinh quái của Trúc Nhân kết hợp cùng tiếng hát trong sáng, bay bổng của Thảo Nhi trong bản phối tỉ mỉ, tinh tế nhưng đầy biến hóa đã đem đến cho khán giả một sản phẩm âm nhạc chất lượng, ấn tượng và khác biệt.
Ngay khi ra mắt vào chiều 18/5, bài hát đã được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Cư dân mạng liên tục chia sẻ về bài hát, hầu như mọi người đều trích dẫn câu hát chủ đề của bài hát là "Yêu lắm, thương lắm mà xa lắm, đau lắm" như một lời bình luận thích thú về bài hát.
Bốn chữ lắm giúp Phạm Toàn Thắng tiếp tục khẳng định tài năng trong lĩnh vực sáng tác. |
Vì sao dân mạng lại sớm "nghiện" ca khúc này? Có thể thấy, chất dân gian là mạch nguồn xuyên suốt hầu hết các ca khúc của Phạm Toàn Thắng và rõ nét hơn trong Bốn chữ lắm. Điều đó vừa thể hiện ở chủ đề (được lấy cảm hứng từ câu chuyện Hòn vọng phu), vừa thể hiện trong chất nhạc. Hòa âm của Bốn chữ lắm được thực hiện thống nhất: mở đầu nhẹ nhàng với phần intro guitar mộc mạc, tiếng huýt sáo nhí nhảnh, kế đến là trống R&B dồn dập và giai điệu dance/electro gấp gáp, cuốn hút. Nhưng cuối cùng, tất cả cũng chỉ là cái nền cho lời hát "Thương lắm, xa lắm, đau lắm..." vang lên như câu hò, điệu lý buồn thương.
Đúng như Phạm Toàn Thắng chia sẻ, bài hát nói về sự chia lìa, xa cách của lứa đôi mà “vẫn rất trong lành, đáng yêu như một khúc đồng dao dịu ngọt”. Đó là niềm tin rằng dẫu có cách trở nhưng cuối cùng người yêu nhau sẽ tìm về với nhau, sau cơn mưa rồi trời sẽ sáng. Bốn chữ lắm đồng thời là triết lý của Phạm Toàn Thắng, rằng có trải qua thương nhớ, xa cách, đớn đau, buồn khổ... người ta mới có thể chạm đến một tình yêu đích thực.
Dân mạng dành nhiều lời khen ngợi cho ca khúc mới của Phạm Toàn Thắng do Trúc Nhân - Thảo Nhi thể hiện. |
Khi mới nghe tên Bốn chữ lắm, nhiều người sẽ có chút liên tưởng với Tám chữ có của Lê Cát Trọng Lý. Tuy nhiên, ngoài sự đồng điệu trong cách đặt tên, hai bài hát đều có những nét riêng khó lẫn. Nếu Tám chữ có là lời tự sự về cuộc đời, về thân phận con người thì Bốn chữ lắm lại là câu chuyện về tình yêu đầy tính triết lý. Lối hát đối đáp dân gian được Trúc Nhân và Thảo Nhi vận dụng nhuần nhuyễn và hiệu quả, hòa quyện và tung hứng, đem lại cảm giác thú vị cho người nghe.
Với Bốn chữ lắm, Trúc Nhân cũng được ghi nhận ở khả năng làm mới bản thân. Những sản phẩm trước đó, anh tỏ ra cầu toàn, chú trọng đến kỹ thuật nhưng ở bài này, Trúc Nhân hoàn toàn thả mình theo cảm xúc. Anh hát một cách tự nhiên, như đang ngồi trên cái chõng tre đón gió mùa hè, ngắm hòn Vọng Phu và ngẫu hứng một ca khúc. Bản thân Trúc Nhân cũng chia sẻ "Đây là một trong những lần hiếm hoi mà tôi thấy buông thả bản thân nó thú vị đến vậy”. Trong khi đó, Thảo Nhi với giọng hát trong veo, cao vút lại đem đến những khoảng sáng thú vị trong tổng thể bài hát này.
Với Bốn chữ lắm, Phạm Toàn Thắng tiếp tục khẳng định mình trong vai trò của một nhạc sĩ. |
Phạm Toàn Thắng đã vận dụng tốt tư liệu âm nhạc và văn học dân gian trong Bốn chữ lắm. Ngoài ra, một số người nghe tinh ý có thể nhận ra đoạn intro guitar khá giống với Pummed up kicks (Foster The People) hoặc một đoạn giai điệu na ná hit Sorry Sorry của Super Junior.
Sản phẩm có sự đa dạng và chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố khác nhau một cách vô thức nhưng vẫn ghi đậm dấu ấn sáng tạo cá nhân của Phạm Toàn Thắng. Đây sẽ là một thử thách với những tai nghe thông thường nhưng có thể gây nghiện chỉ sau vài lần replay. Bài hát đang lan truyền nhanh trên mạng xã hội và được đánh giá là điểm sáng của nhạc Việt thời điểm giữa năm 2014.