Nhiều phụ nữ ốm nghén khi bắt đầu mang thai và hết tháng thứ 3 của thai kỳ. Ảnh: Pexels. |
Buồn nôn là hiện tượng rất phổ biến trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Theo Science News, 80% phụ nữ mang thai bị buồn nôn trong giai đoạn đầu của thai kỳ. 3% trong nhóm này còn gặp tình trạng nôn mửa nghiêm trọng và thường xuyên, dẫn đến sụt cân, mất nước, thậm chí phải nhập viện.
Mặc dù ốm nghén có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày, các triệu chứng thường xuất hiện ngay sau khi thức dậy. Đó là lý do trong tiếng Anh, ốm nghén được gọi là "morning sickness".
Tại sao mang thai gây buồn nôn?
Theo một công bố hồi tháng 12/2023 trên tạp chí Nature, phụ nữ mang thai đặc biệt nhạy cảm với một loại hormone có tên GDF15.
Hormone này có rất ít trong cơ thể người bình thường nhưng nhiều trong giai đoạn thai nhi đang phát triển. Điều này có thể gây buồn nôn và ói mửa.
Trước đó, các nghiên cứu được thực hiện với bệnh nhân ung thư đã phát hiện ra cơ thể khi sản xuất quá nhiều GDF15 có thể dẫn đến buồn nôn và giảm cân.
Năm 2018, các nhà khoa học đã tìm thấy mối liên hệ giữa GDF15 và tình trạng buồn nôn trong thai kỳ ở 53.000 phụ nữ.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra GDF15 tăng lên trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ. Nồng độ hormone của thai nhi càng cao thì bà bầu càng nhạy cảm. Họ cũng phát hiện ra khi chuột tiếp xúc với lượng GDF15 cao, chúng sẽ mất cảm giác ngon miệng và cũng bị buồn nôn.
Chia sẻ với Live Science, giáo sư Clara Paik, Phó khoa Sản phụ khoa tại UC Davis Health, mức độ hormone sinh sản tăng cao, đặc biệt là human chorionic gonadotropin (hCG) trong 3 tháng đầu tiên. Tuy nhiên, cơ chế chính xác để hCG gây buồn nôn ở phụ nữ mang thai vẫn chưa rõ ràng.
Theo đánh giá năm 2016, một số nhà nghiên cứu suy đoán hCG có thể gây buồn nôn bằng cách kích thích tiết dịch trong đường tiêu hóa. Hormone góp phần làm tăng thyroxine - hormone do tuyến giáp, liên quan đến việc điều hòa tiêu hóa và giúp kiểm soát thức ăn.
Ốm nghén gây ra do sự thay đổi hormone và các yếu tố di truyền. Ảnh: Unsplash. |
Theo giáo sư Adiele Hoffman, bác sĩ đa khoa và cố vấn y tế tại ứng dụng theo dõi kinh nguyệt Flo Health, các hormone estrogen và progesterone cũng có thể gây ra triệu chứng ốm nghén.
"Những hormone này khiến các cơ trong dạ dày và ruột giãn ra, làm chậm quá trình tiêu hóa. Điều này có nghĩa bữa ăn cuối cùng trong ngày của bạn có thể chưa được tiêu hóa hết và có thể trào ra trong sáng hôm sau", bà giải thích.
Hormone cũng có thể giải thích tại sao một số người bị ốm nghén nặng trong khi những người khác thì không bị gì.
"Mức độ hormone của mỗi người khác nhau. Cách cơ thể phản ứng với những thay đổi nội tiết tố vì thế cũng khác nhau", giáo sư Hoffman lưu ý.
Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu công bố hồi 2019 trên tạp chí Nature Reviews Disease Primers, yếu tố di truyền cũng quyết định mức độ ốm nghén.
Ngoài hormone và di truyền, tình trạng hạ đường huyết hoặc lượng đường trong máu thấp cũng có thể khiến việc ốm nghén trầm trọng hơn.
Theo đánh giá năm 2016, mang thai có thể dẫn đến lượng đường trong máu giảm, thậm chí giảm nặng hơn trong đêm, do nhu cầu năng lượng của thai nhi đang phát triển. Đó cũng là lý do phụ nữ mang thai buồn nôn nhiều hơn vào mỗi sáng.
Ngoài ra, theo giáo sư Paik, các triệu chứng ốm nghén có thể rõ rệt hơn vào buổi sáng do chưa kịp ăn sáng và tụt huyết áp sau khi rời khỏi giường.
Chuyên gia này lưu ý các triệu chứng ốm nghén cũng có thể gia tăng khi căng thẳng, lo lắng và mệt mỏi. Không chỉ người đang mang thai, những người không mang thai cũng thường có cảm giác buồn nôn khi căng thẳng do cảm xúc tiêu cực có thể gây khó chịu ở hệ tiêu hóa.
Tuy nhiên, điều may mắn là tình trạng ốm nghén có xu hướng chấm dứt vào tam cá nguyệt thứ 2, tức khoảng tháng thứ 4 thai kỳ.
Làm sao để đỡ ốm nghén?
Stanford Health khuyên phụ nữ mang thai không cần thiết phải ăn nhiều trong những tháng đầu tiên nếu ốm nghén. Các bữa ăn có thể chia nhỏ thành nhiều lần trong ngày để đảm bảo bạn không bị đói và thai nhi được khỏe mạnh.
Bà bầu nên tránh ăn các loại thực phẩm nặng mùi và không nằm xuống sau khi ăn. Thay vào đó, thai phụ nên ăn thực phẩm có nhiều protein hoặc carbohydrate và ít chất béo.
Ngoài ra, để hạn chế tình trạng buồn nôn mỗi sáng, các chuyên gia gợi ý bạn nên ăn nhẹ bằng bánh quy rồi nằm nghỉ trước khi ra khỏi giường. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai nên uống nhiều nước trong ngày, ăn nhiều gừng, bạc hà hoặc ngậm kẹo để tiết chế cơn buồn nôn.
Không chỉ tập trung vào chế độ ăn uống, bà bầu cũng nên chú trọng vào chế độ nghỉ ngơi. Nếu cảm thấy quá mệt, các bà mẹ tương lai có thể ngủ ngắn nhiều giấc mỗi ngày và đảm bảo ngủ 8-9 giờ mỗi đêm.
Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe của Zing giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.