Không phải ngẫu nhiên khi sang đến tuần công chiếu thứ hai, The Wolverine có doanh thu đáng thất vọng. Từ đây, câu hỏi được nhiều nhà làm phim quan tâm là liệu trong một cuộc chiến dài hơi với việc lôi kéo fan của X-Men, Avengers, thậm chí là cả Marvel đến rạp, The Wolverine có còn thu hút được sự chú ý?
13 năm đã trôi qua kể từ khi bộ phim về X-Men xuất hiện, đến nay, Wolverine vẫn còn bên cạnh chúng ta. Nhiều nhà phê bình cho rằng, Wolverine vẫn còn nhiều tiềm năng, bởi nhân vật này rất riêng, độc đáo. Tuy nhiên, nếu nhìn vào phiên bản The Wolverine 2013 hay X-Mens Origins: The Wolverine cách đây 3 năm, các nhà làm phim hay đạo diễn James Mangold có thể phải ngồi lại để xem xét rõ con đường đã băng qua của mình.
The Wolverine thực chất không phải là phần kế tiếp của phiên bản 3 năm trước đó vì những sự kiện trong phim hầu như không liên quan đến nhau. Lần này, bối cảnh phim được diễn ra chủ yếu tại xứ sở hoa anh đào. Trong thế chiến thứ hai, Logan (Hugh Jackman) đã cứu một người tên là Yashida khỏi vụ thả bom nguyên tử 1945 tại Nagasaki. Sau sự kiện của X-Men: The Last Stand, anh luôn bị ám ảnh bởi quá khứ, giờ đây không còn là một thành viên của X-Men cũng không còn là một siêu anh hùng, anh dành cả cuộc đời bằng việc chạy trốn và sống ẩn dật.
Thế nhưng, mọi thứ bắt đầu thay đổi khi một ngày Logan nhận được lời đề nghị qua Nhật của một nữ samurai tóc đỏ bí ẩn. Cô đưa anh đến đất nước của mình để kịp nghe những lời trăn trối cuối cùng của người bạn được cứu thoát năm xưa. Những rắc rối bắt đầu nảy sinh, liệu Wolverine có giải được lời nguyền của sự bất tử để bắt đầu một cuộc sống mới tại xứ sở yên bình này hay tiếp tục bị cuốn vào cuộc chiến quyền lực giữa các băng đảng?
The Wolverine đã có một sự thay đổi đáng kể về mặt nội dung so với phiên bản 3 năm trước. Không còn là câu chuyện về những dị nhân chưa hoàn thiện, thay vào đó là câu chuyện liền mạch, được dẫn dắt hợp lý hơn. Nhịp phim nhanh, hình ảnh đẹp về vùng phương Đông huyền bí cũng được khai thác khiến người xem phấn khích, ấn tượng nhất là ở khoảng 30-40 phút đầu tiên. Đó là hình ảnh về nền văn hóa Nhật Bản, tuyết trắng rơi trong đêm đọng lại trên mái nhà, hay trận chiến tang lễ bi tráng, cảnh đuổi bắt gay cấn trên những gờ mái nhà, các ninja cùng lao vào thề quyết tử với một Logan đơn thương độc mã...
Tuy nhiên, việc xây dựng quá nhiều tuyến nhân vật với tham vọng khác nhau khiến mạch phim bị dài dòng. Người xem mong chờ các cảnh hành động lại rất ít ỏi và chưa thực sự mãn nhãn. Đồng thời, việc phim xuất hiện quá nhiều cảnh rơi và bay lượn, chất Nhật Bản dũng mãnh qua tiếng hô, lưỡi kiếm không được thể hiện nhiều.
Về phần diễn xuất, điểm sáng của bộ phim nằm ở khả năng thể hiện tài tình của Hugh Jackman. Những câu nói châm biếm, hài hước được phát triển ở mức khác khi đạo diễn cố tình tạo ra những chi tiết đòn bẩy, gây khó chịu cho Logan hòng có được nụ cười hiếm hoi của khán giả. Trong khi đó, các nhân vật còn lại chỉ được đánh giá ở mức tròn vai, không quá nổi bật hoặc thậm chí bị chê là diễn cứng. Trong đó, Viper (Svetlana Khodchenkova) là một trong những kẻ khiến lũ ninja nổi dậy lại thể hiện quá cứng nhắc, những hiệu ứng khác trong phim cũng vô tình khiến cô có phần giả tạo.
Bên cạnh yếu tố hình ảnh, kỹ xảo, trong phần này, Wolverine đã biết chảy máu, một dấu hiệu khi lời nguyền kết thúc. Điều này làm bộ phim trở nên thật hơn khi giờ đây Logan cũng chỉ là một người trần mắt thịt, có khát khao được sống cuộc đời bình yên bên vợ, con, được chết đúng thời điểm như tạo hóa an bài.
Đối với những ai là fan của Mavel hoặc tìm một sản phẩm để giải trí, The Wolverine vẫn là một tác phẩm xem được, còn với khán giả khó tính hơn, bộ phim không phải là lựa chọn thú vị nhất trong những ngày cuối mùa hè năm nay.