Giải mã nguyên nhân Usain Bolt chạy nhanh nhất hành tinh
Cấu tạo cơ thể siêu việt của Usain Bolt chính là lý do giải thích tại sao anh là ông vua trên đường chạy nước rút.
Usain Bolt sinh ra vốn có cơ thể không hoàn hảo khi anh bị chứng vẹo cột sống từ nhỏ, hai chân không bằng nhau cũng như có vấn đề về gân kheo. Tuy nhiên, anh lại có những lợi thế khác về sức mạnh cơ bắp, độ dài tương đối của chân, gót chân và các ngón chân cũng như hệ thần kinh hoạt động tốt nhất. Đây là những tố chất sinh học để làm nên một vận động viên đua nước rút đẳng cấp thế giới.
Lợi thế về hình thể dễ thấy nhất của Usain Bolt so với các VĐV chạy nước rút khác là anh cao hơn (1m95) và sải chân dài hơn. Giáo sư Alan Neville, nhà thống kê sinh học của Đại học Wolverhampton (Anh) cho biết các vận động viên cao và gầy giành được lợi thế vì có thể nhanh chóng thải nhiệt khỏi cơ thể nhờ vào kích thước lớn của lớp da bề mặt, cho phép cơ bắp hoạt động căng thẳng trong thời gian lâu hơn. Trên tờ Telegraph của Anh, ông này còn cho biết: “Hiện có chứng cứ rất rõ ràng cho thấy những người cao và gầy hơn ngày càng thành công trên đường chạy. Thực tế hiện nay hoàn toàn đối lập với những năm trước, khi các vận động viên có khuynh hướng sở hữu thân hình to lớn và cơ bắp cuồn cuộn”.
Usain Bolt dường như được sinh ra là để chạy tốc độ |
Bên cạnh đó, trọng lực mà Bolt áp dụng lên bàn chân khi tiếp xúc đất cũng lớn hơn so với các VĐV khác. Hiểu một cách đơn giản, người nhanh chóng tiếp đất một cách mạnh mẽ (liên quan đến trọng lượng cơ thể) sẽ chạy nhanh hơn. Ở Usain Bolt anh thường tiếp đất với một lực khoảng 2,5 lần trọng lượng cơ thể (ở người bình thường khoảng 2 lần). Theo thống kê của các nhà khoa học Mỹ thì với chiều cao vượt trội và sải chân dài, Usain Bolt thường hoàn thành đường chạy của mình trong khoảng 41 sải chân trong khi các VĐV khác phải mất đến 44 sải chân.
Ở góc độ di truyền Usain Bolt là người Jamaica có tổ tiên xa xôi là người da đen ở Tây Phi. So với người ở khu vực khác, người gốc Tây Phi thường có trọng tâm cơ thể (chính là vị trí của rốn) cao, thường là 3cm so với người châu Âu và châu Á. Điều này giải thích tại sao họ có lợi thế trong các cuộc thi điền kinh nhờ sải chân dài hơn. Trong hơn 50 năm qua những kỷ lục gia ở đường chạy 100m đều là những VĐV gốc Tây Phi.
Một yếu tố không kém phần quan trọng khác ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích của Bolt chính là gene. Các yếu tố liên quan đến sức mạnh, tốc độ, sức chịu đựng trong một số bộ môn thể thao như chạy, bơi lội, cử tạ… không hề phụ thuộc vào quá trình huấn luyện, đào tạo mà được quyết định bởi gene. Trong cơ thể con người phân chia thành 2 nhóm sợi cơ chính là: co nhanh và co chậm. Với những VĐV chạy marathon hay cự ly đường dài, sợi cơ co chậm chiếm từ 80-90%, còn các VĐV chạy nước rút chiếm ưu thế là sợi cơ co nhanh. Trong cơ thể của các VĐV chạy nước rút Jamaica trong đó có Usain Bolt có một số biến thể R của gene ACTN3 tạo ra nhiều sợi cơ co nhanh đặc biệt phù hợp với các môn đòi hỏi tốc độ và sức mạnh.
Những yếu tố đó cộng với việc tập luyện thường xuyên với những HLV giỏi đã giúp Usain Bolt hoàn thiện được mình để trở thành ông vua tốc độ của thế giới.
HOÀNG TÂM
Theo Infonet.vn