Đối với nhiều người, cái tên North Face gợi lên ý niệm về một thương hiệu thời trang thoải mái và tiện dụng dành cho dân phượt. Tuy nhiên, hơn cả một nhãn hàng đồ thể thao, North Face đã chính thức bước vào lãnh địa thời trang cao cấp với diện mạo và công năng hoàn toàn mới mẻ.
Dễ mua, dễ mặc
North Face là cái tên dễ gợi liên tưởng đến những vùng núi băng giá và khắc nghiệt, nơi con người khao khát chinh phục thế giới tự nhiên. Vì lẽ đó, North Face ra đời với xuất phát điểm là một cửa hàng nhỏ bán đồ phục vụ nhu cầu đi bộ đường dài. Sau một thời gian liên tục cải tiến và mở rộng, North Face trở thành cái tên quen thuộc của những người đam mê các hoạt động ngoài trời như trượt tuyết, leo núi hay thể thao mạo hiểm.
Đặc thù là thế, nhưng North Face vẫn được cho là “ông trùm” của tính đại chúng. Thương hiệu này có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi, dành cho mọi lứa tuổi và thành phần xã hội. Điểm đặc trưng trong thiết kế sản phẩm của North Face là tính khiêm tốn, đơn giản, nhiều khi đến mức tầm thường, nhưng lại hữu dụng cho nhiều mục đích khác nhau.
North Face đề cao yếu tố đơn giản và tiện dụng hơn hẳn các tiêu chí khác của các mặt hàng thông thường. Ảnh: DazedDigital
|
Với nhiều chi tiết được may thừa thãi bên ngoài để đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng, cùng với chất vải dày, bền nhưng nhẹ nhàng, thiết kế to cồng kềnh nhưng ôm dáng, North Face luôn là cái tên được ưa chuộng đối với những con người phóng khoáng yêu du lịch.
Cũng chính vì thế, các chiến dịch quảng cáo của North Face luôn tập trung vào những hoạt động thể chất ngoài trời, đặt nặng công năng và độ bền sản phẩm lên trên thiết kế, mà không có ý định trở thành cái tên xa xỉ hay cao cấp. Cũng chính nhờ đó, North Face đã tự đặt mình vào một vị trí đặc biệt so với các nhãn hàng thời trang khác.
Sự kết hợp hoàn hảo
Trở lại thời điểm năm 1986, khái niệm liên kết giữa các nhãn hàng thời trang vẫn là điều rất xa lạ. Càng xa lạ hơn nữa khi Apple lúc đó không phải là ông trùm công nghệ với những sản phẩm đặc trưng như iPhone và MacBook, mà lại là chủ sở hữu một dòng thời trang.
Vào thời điểm đó, cả 2 đã cùng nhau cho ra mắt những sản phẩm lấy từ cấu trúc đa sắc đặc trưng của North Face, và bộ quần áo thể thao có hoa văn của Apple. Tuy nhiên, hơi hướng hiện đại của bộ sưu tập không phù hợp với thời điểm đó, khiến cho dòng sản phẩm này nhanh chóng lụi tàn.
Bộ sưu tập được kết hợp giữa North Face và Apple. Ảnh: DazedDigital
|
Mãi đến năm 2015, một trong những mẫu áo khoác từ bộ sưu tập này mới được mọi người chú ý đến, và được bày bán với giá 850 USD. Hình ảnh rapper Drake mặc chiếc áo vài tuần sau đó lập tức đã gây nên cơn sốt mới, khiến hàng loạt mẫu trang phục cũ từ những năm 1980 đều trở thành xu hướng và được giới mộ điệu trên toàn thế giới chào đón nhiệt liệt.
Năm 2007, North Face lại tiếp tục hợp tác với 2 nhãn hàng Supreme và Junya Watanabe để tạo nên dòng sản phẩm xứng đáng được hiện diện trong tủ quần áo của các tín đồ thời trang. Với hoạ tiết da báo, đa sắc, bản đồ và khăn rằng chủ đạo, North Face đã cho ra đời loạt sản phẩm được đánh giá cao cả về chất lượng và mẫu mã, vượt xa những đối thủ khác trong dòng thời trang thể thao hiện tại.
Chiếc áo khoác với hoạ tiết bản đồ đặc trưng là sản phẩm của sự kết hợp giữa North Face và Supreme. Ảnh: DazedDigital
|
North Face – cái tên “cool ngầu” đích thực
Vào cuối thập niên 1980, North Face lại có bước chuyển mình mạnh mẽ trong thế giới thời trang, khi quyết định cho ra mắt dòng quần áo đặc trưng cho phong cách đường phố bụi bặm. Video Method Man của Wu-Tang năm 1993 với đặc trưng là hình ảnh chiếc áo khoác Tech Steep của North Face đã gây ấn tượng mạnh mẽ lên giới trẻ lúc bấy giờ, tạo tiền đề cho cơn sốt đồ North Face trong các nhóm băng đảng và giới trẻ đường phố một thời gian dài sau đó.
Hình ảnh trong tạp chí New York tháng 12/1996 về các băng nhóm đường phố, với hình ảnh đặc trưng là chiếc áo khoác North Face. Ảnh: DazedDigital
|
Trong suốt những năm 1990, biểu tượng North Face xuất hiện tràn lan trong các bức ảnh và video âm nhạc của các rapper, đã phản ánh xu hướng thời trang đường phố chủ đạo khắp New York và bờ Đông nước Mỹ. North Face cũng trở thành cái tên quen thuộc trong lòng thế giới âm nhạc không chính thống, nơi những tượng đài như Carhartt, Helly Hansen và Timberland vẫn còn sừng sững trong mắt công chúng.
Giờ đây, mặc dù xu thế này đã dần phai nhạt, biểu tượng 3 đường cong của North Face vẫn là thứ có thể dễ dàng nhìn thấy ở các nghệ sĩ đường phố London, giới trẻ nổi loạn nước Mỹ, và cả dân thể thao chuyên nghiệp. Với việc diện đồ North Face, những nhóm người này như muốn nói lên tuyên ngôn về nền “văn hoá nhóm” (subcultural) của mình.
Không cần xuất hiện lộng lẫy trên sàn catwalk, không cần xuất hiện với tần suất dày đặc trên người các ngôi sao hàng đầu thế giới, có vẻ như đây chính là cách thức mà North Face chọn để trở nên “cool ngầu” đích thực. Và họ đã thành công.