Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Giải oan cho hãng đồng hồ bị tố 'đạo nhái' Audemars Piguet

Sau gần 5 thập kỷ, Bulova "Royal Oak" vẫn gây tranh cãi vì mang thiết kế tương đồng với dòng đồng hồ trứ danh của thương hiệu xa xỉ Thụy Sĩ.

Bulova Royal Oak được cho là bản sao của Audemars Piguet Royal Oak. Ảnh: Wound For Life.

Gérald Genta là một trong những bậc thầy thiết kế đồng hồ vĩ đại nhất mọi thời đại. Ông từng thiết kế cho những thương hiệu hàng đầu như dòng Nautilus của nhà Patek Philippe, dòng Pasha de Cartier cho Cartier.

Bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của ông có thể kể đến thời điểm ông làm việc tại Audemars Piguet (AP) và ra mắt AP Royal Oak, một trong những mẫu đồng hồ phổ biến nhất thế giới, aBlogtoWatch đưa tin.

AP Royal Oak được Gérald Genta thiết kế chỉ trong một đêm. Đồng hồ chính thức được giới thiệu năm 1972, thiết lập một kỷ nguyên mới cho thế giới đồng hồ thể thao xa xỉ.

Bulova Royal Oak,  Audemars Piguet,  dong ho anh 1

Mẫu AP Royal Oak ra mắt năm 1972. Ảnh: AP Chronicles.

Tại thời điểm đó, đây là chiếc đồng hồ làm bằng thép không gì đắt nhất từng được sản xuất. Mẫu đồng hồ bát giác cùng 8 con ốc lục giác trên vòng bezel này đã trở thành biểu tượng của địa vị và giàu có.

Không lâu sau đó, năm 1976, hãng đồng hồ Mỹ Bulova cũng cho ra mắt dòng đồng hồ mới mang thiết kế "hao hao" AP Royal Oak. Đặc biệt, phiên bản Ref. 4420101 sản xuất năm 1979, đã khiến cộng đồng yêu đồng hồ dậy sóng vì quá giống “đàn anh” bên Thụy Sĩ.

Nhiều người đặt giả thuyết Gérald Genta có thể đã tiết lộ bản thiết kế Royal Oak khi còn làm việc ở Bulova. Nghi vấn đặt ra vì Gérald Genta từng làm việc cho Bulova những năm 1960, trước khi đến AP, nơi ông tạo ra bản thiết kế Royal Oak nguyên thuỷ nổi tiếng.

Tuy nhiên, câu chuyện này nhanh chóng bị gạt bỏ vì không có đủ bằng chứng rõ ràng, và những bản thiết kế đầu tiên của Royal Oak đều có chữ ký của hãng AP.

Các chi tiết trên Bulova Royal Oak là chứng minh thực tế nhất cho thấy đồng hồ không phải bản sao của AP Royal Oak.

Phiên bản sản xuất năm 1979 có vỏ bằng thép không gỉ, đường kính 36 mm. Thoạt nhìn, chiếc vỏ này có vẻ giống với các mẫu Royal Oak của AP. Hình dáng quen thuộc với viền bát giác được vát nhẹ, trên viền có 8 con ốc.

Nhưng nhìn kỹ hơn sẽ thấy viền của Bulova mỏng hơn so với AP, mang lại cảm giác mặt số rộng và thoáng hơn. Hơn nữa, 8 con ốc trên viền thực chất có hình tròn chứ không phải lục giác như thiết kế của Gérald Genta.

Dây đeo là bộ phận có sự khác biệt rõ ràng nhất. Các mắt nối hình oval của Bulova không được chế tác chi tiết và tỉ mỉ như AP. Mặt xích của dây thép cũng được xếp sát, khiến phần dây đeo trông thon gọn hơn.

Mặt số đồng hồ không sử dụng họa tiết Guilloché phức tạp. Thay vào đó, Bulova dùng kỹ thuật khắc Clous de Paris cho ra hiệu ứng lấp lánh nhẹ nhàng khi ánh sáng thay đổi. Đặt ở vị trí 12 giờ là biểu tượng âm thoa, logo của Bulova.

Có thể nói Bulova giống với các bản phác thảo tiền sản xuất không được công khai của AP hơn là các mẫu đồng hồ Royal Oak được đưa ra thị trường.

Bulova Royal Oak,  Audemars Piguet,  dong ho anh 4

Bulova Ref. 4420101 được xem là “đồng hồ homage" của AP Royal Oak. Ảnh: aBlogtoWatch.

Câu chuyện Gérald Genta thiết kế cho Bulova đã được xác nhận là hư cấu, nhưng không thể phủ nhận giai thoại đó đã giúp dòng Royal Oak của Bulova được biết đến rộng rãi hơn, theo aBlogtoWatch.

Bất chấp nguồn gốc thiết kế gây ra nhiều tranh cãi, Bulova Royal Oak vẫn là một trong những đồng hồ được ưa chuộng.

Trước khi ngừng sản xuất dòng đồng hồ này vào năm 1982, Bulova phát hành các biến thể khác nhau của Royal Oak với mặt số tuỳ chọn 3 màu đen, bạc, vàng. Chuyển động bên trong có cả phiên bản chuyển động thạch anh và chuyển động cơ. Ngoài ra, còn có phiên bản mạ vàng toàn thân.

Bulova Royal Oak,  Audemars Piguet,  dong ho anh 5

Bulova Ref. 4430301, một biến thể của dòng Royal Oak. Ảnh: Fratello Watches.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự khác biệt thế hệ, bởi thị trường đồng hồ thời kỳ Bulova Royal Oak có nhiều khác biệt so với hiện nay.

Khái niệm “đồng hồ homage", dùng để chỉ những đồng hồ tôn vinh hoặc kế thừa thiết kế của các mẫu nổi tiếng trước đó, giờ đây dễ dàng được chấp nhận hơn.

Một số thương hiệu lớn như Seiko, Rado và Bulova từng sản xuất nhiều đồng hồ có mẫu mã gần như giống hệt Rolex Datejust, nhưng không gặp phải sự phản đối nào từ cộng đồng yêu đồng hồ.

Hiện Bulova Royal Oak có mức giá 1.500-4.000 USD tùy mẫu, có thể được tìm mua trên thị trường thứ cấp. Trong khi đó, Royal Oak của Audemars Piguet tiếp tục nằm trong phân khúc xa xỉ. Các đồng hồ thuộc dòng này, đặc biệt là những phiên bản sản xuất những năm 1970, vẫn nằm ngoài khả năng tài chính của đa số người hâm mộ cỗ máy thời gian.

Sự thật về cú bắt tay giữa Rolex và hãng công nghệ Trung Quốc

Thông tin về màn kết hợp của thương hiệu đồng hồ cao cấp Rolex và nhãn hàng công nghệ Realme được xác nhận là giả mạo.

Con người bắt đầu uống cà phê từ khi nào

Có một số bằng chứng cho thấy rằng từ xa xưa ở Ethiopia người ta ăn quả của cây cà phê, cuốn với mỡ động vật như một món ăn vặt tăng sự hưng phấn. Có chứng cứ về việc người ta uống cà phê vào cuối thế kỷ 15, nhưng không đủ để khẳng định quán cà phê đầu tiên là Kiva Han, được mở năm 1475 ở Constantinople. Trước những năm 1600 thói quen uống cà phê chưa lan đến châu Âu và việc sử dụng cà phê chủ yếu là cho mục đích y tế chứ không phải để thưởng thức.

Như Phương

Bạn có thể quan tâm