Dù là nhu cầu cơ bản, nhà vệ sinh học đường không đạt chuẩn vẫn là vấn đề còn tồn đọng qua nhiều năm.
Bài toán nan giải tại Việt Nam
Theo số liệu của Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT), tính đến năm 2020, cả nước có khoảng 103.000 nhà vệ sinh trường học không đạt chuẩn. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng ước tính hơn 7,7 triệu học sinh Việt Nam không đủ nước và xà phòng sử dụng.
Đây là những con số “biết nói” được đưa ra tại tọa đàm “Giải pháp an toàn vệ sinh trường học” với sự tham gia của khách mời đến từ Cục Quản lý Môi trường Y tế, UNICEF và Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội).
Các bên cùng bàn luận về hậu quả, nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề vệ sinh trường học. |
Nhằm nhấn mạnh tình trạng đáng báo động của nhà vệ sinh học đường hiện nay, bà Lê Thị Hồng Nhi - Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại, Unilever Việt Nam - chia sẻ khảo sát diện rộng về “Tình trạng vệ sinh học đường” tại Việt Nam năm 2022.
Khảo sát thực hiện bởi Quỹ Unilever Việt Nam và đơn vị BrandScape WorldWide chỉ ra 41% trẻ bị ảnh hưởng về thể chất và con số bị ảnh hưởng về tâm lý còn lớn hơn, lên đến 46%. Song, chỉ 29% em chia sẻ vấn đề này với bố mẹ. Sàn ướt, mùi hôi thối, dùng chung xà phòng, hỏng khay giữ và thiếu giấy vệ sinh là hiện trạng thường thấy tại các trường học và trở thành nỗi “ám ảnh” của bao thế hệ trẻ Việt.
Bà Lê Thị Hồng Nhi cho biết có 7% trẻ nghỉ học vì nhà vệ sinh không đảm bảo. |
Đáp án cho một tương lai tươi sáng
Tọa đàm chỉ ra việc thiếu kinh phí, nguồn lực để duy trì cũng như chưa ý thức đúng đắn về mức độ quan trọng của nhà vệ sinh trường học là những nguyên nhân dẫn đến chất lượng nhà vệ sinh kém kéo dài nhiều năm. Chính vì thế, để giải quyết triệt để vấn đề này, không thể bỏ qua việc đầu tư cho công trình nhà vệ sinh học đường một cách nghiêm túc.
Bên cạnh đó, đại diện trường Marie Curie Hà Nội cũng đề xuất phương pháp vận hành “4 thường xuyên” gồm kiểm tra giám sát; lực lượng làm vệ sinh thường xuyên; phương tiện và vật tư; đầu tư kinh phí thường xuyên. Phương pháp này đã được trường áp dụng và mang lại kết quả.
Đại diện UNICEF đề xuất lập bản đồ tổng thể hiện trạng các công trình trường học để đầu tư phù hợp và hiệu quả. |
Khách mời trong tọa đàm có cùng quan điểm với UNICEF và Unilever Việt Nam rằng chỉ xây sửa nhà vệ sinh thôi chưa đủ, mà cần đẩy mạnh chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và giáo dục cho trẻ. Những người trực tiếp sử dụng khu vực này cần có ý thức bảo quản, giữ vệ sinh chung thật tốt.
Không chỉ nêu ra giải pháp, các bên còn chia sẻ về những chương trình, hoạt động đã thực hiện với kết quả khả quan, cho thấy tương lai của nhà vệ sinh hoàn toàn có thể cải thiện, chỉ cần tất cả cùng đồng lòng.
Unilever triển khai mô hình “Trường học xanh - sạch - khỏe” tại 1.200 trường học, với hoạt động cải tạo xen lẫn thi đua và giáo dục cho trẻ nhỏ. Mô hình bao gồm xây, sửa các trang thiết bị, cung cấp sản phẩm vệ sinh, tổ chức ngày hội giáo trí cho học sinh, áp dụng chương trình giáo án điện tử, khuyến khích phong trào thi đua giữ gìn trường lớp sạch đẹp… Đây là một ví dụ để mở rộng, áp dụng cho nhiều trường học khác trên khắp cả nước.
Nhiều giải pháp đã được đưa ra, hướng tới tương lai nhà vệ sinh sạch khuẩn cho mọi trẻ em Việt. |
Không chỉ các bên liên quan cùng chung tay, sự ủng hộ của cộng đồng, lan tỏa thông điệp và nâng cao ý thức về nhà vệ sinh trường học cũng quan trọng không kém. Những vấn đề được thảo luận trong chương trình hy vọng mang đến giải pháp giúp tình hình vệ sinh học đường tại Việt Nam tiến bộ thời gian tới.
Bên cạnh tọa đàm, nhãn hàng Vim - Unilever Việt Nam cũng giúp cộng đồng tiếp cận thông tin về thực trạng vệ sinh học đường một cách gần gũi qua MV Nhà vệ “xinh”.
Ngoài ra, độc giả có thể trực tiếp chọn 100 trường học tiếp theo để Vim giúp đỡ, cải tạo thành Trường học xanh - sạch - khỏe trong năm 2022 tại đây.