Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Giải pháp cho việc không thích sếp

Nhiều người không may mắn phải làm việc dưới một người sếp lợi dụng. Trong trường hợp này, nếu không thể nghỉ việc, hãy thử nói chuyện lịch sự với sếp hoặc đồng nghiệp.

Những ông chủ hay ngược đãi sẽ làm suy yếu sự gắn bó, năng suất của nhân viên và tiêu tốn hàng USD doanh thu của công ty. Ảnh: Pexels.

10/10 là Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới và 16/10 là Ngày của Sếp tại Mỹ. Tuần lễ này thật là dịp bạn có thể thực sự tôn vinh người sếp tốt bụng, người luôn giúp đỡ, tôn trọng sức khỏe tinh thần của nhân viên cũng như đánh giá, công nhận và khen thưởng công tâm, theo ám chỉ của Forbes.

Thật không may, nhiều người lao động đang phải làm việc cho người sếp không tốt.

Về mặt kinh tế, nghiên cứu của SHRM cho thấy những người sếp tồi đã khiến các công ty tốn 223 tỷ USD doanh thu trong giai đoạn 2014-2019.

Mệt mỏi "nắm đấm sắt"

Người chủ bóc lột sẽ điều hành tổ chức với "nắm đấm sắt", sử dụng sự đe dọa để che giấu nỗi mặc cảm và chèn ép cấp dưới để củng cố vị trí quyền lực của bản thân. Họ ép buộc nhân viên đáp ứng với tiêu chuẩn vô nhân đạo về thời gian làm việc quá dài và tốc độ điên cuồng.

Dưới đây là danh sách một số dấu hiệu hành vi ở một người sếp lạm dụng nhân viên, theo Forbes:

  • Quản lý vi mô và giám sát quá kỹ công việc nhưng lại từ chối ủy quyền cho bạn.
  • Gây áp lực cho bạn đến mức bạn cảm thấy căng thẳng quá mức và kiệt sức.
  • Đưa ra những yêu cầu bất hợp lý về giờ làm việc, khối lượng công việc và thời hạn.
  • Thể hiện tâm trạng thất thường, khó đoán nên bạn không bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra.
  • Tạo ra bầu không khí sợ hãi và căng thẳng.
  • Quản lý thời gian không hiệu quả, lên lịch công việc quá kín và giao phó quá nhiều cho bạn.
  • Xúc phạm và đe dọa nhân viên. Làm nhục và bắt nạt.
  • Vô cảm với các vấn đề cá nhân và sức khỏe tâm thần của bạn.
  • Cướp ý tưởng và thành công của bạn.

Trong quá khứ, cách chèn ép này quả thực rất hiệu quả. Nếu bạn không gây rắc rối và hòa nhập với văn hóa doanh nghiệp, bạn có thể nghỉ hưu và sống hạnh phúc mãi mãi. Nếu nơi làm việc của bạn độc hại, công việc mang tính đòi hỏi cao, quản lý tham nhũng thì bạn vẫn sẽ phải nở nụ cười và chịu đựng kể cả khi bị căng thẳng, kiệt sức hoặc mắc vấn đề sức khỏe tâm thần. Nhưng điều này không còn tiếp diễn nữa. Họ đã thay đổi cách điều hành lỗi thời với các xu hướng như "nghỉ việc", “nghỉ việc trong im lặng”...

Năm 2021, hơn 38 triệu người lao động bỏ việc gây ra tình trạng thiếu lao động. Theo Cục Thống kê Lao động, 4,4 triệu nhân viên đã nghỉ việc chỉ trong tháng 2 năm nay.

Theo Donald Sull, giảng viên cấp cao tại Trường Quản lý MIT Sloan, đồng sáng lập CultureX, chia sẻ: “Cứ 10 người lao động thì có khoảng một người coi văn hóa công sở của họ là độc hại. Nhân viên sẽ không còn chấp nhận sự thiếu tôn trọng, hành vi lạm dụng và các hành vi độc hại khác. Các nhà lãnh đạo phải đối mặt với 2 sự lựa chọn: tổ chức lại văn hóa doanh nghiệp hoặc mất đi nhân tài và thua cuộc trong cuộc cạnh tranh với đối thủ".

Cách chăm sóc bản thân và giải quyết vấn đề với sếp

Bạn có thể thử nói chuyện với sếp một cách bình tĩnh và chuyên nghiệp. Nếu tình huống vẫn không tiến triển, hãy lưu giữ hồ sơ chi tiết phòng trường hợp bạn được yêu cầu xác thực khiếu nại.

Bạn nên liên hệ với đồng nghiệp để xem liệu họ có đang gặp vấn đề tương tự không và họ giải quyết chúng như thế nào. Một việc nên làm nữa là thảo luận với bộ phận nhân sự để giải thích vấn đề một cách chuyên nghiệp và nhấn mạnh vào ưu và nhược điểm của sự việc.

Nếu bạn thử tất cả cách trên và thất bại thì có lẽ đã đến lúc bạn nên từ bỏ công việc. Bạn không yếu đuối hay ích kỷ chỉ vì không chịu đựng thái độ đối xử tệ bạc từ người khác. Đó là phản ứng bình thường với môi trường làm việc độc hại, một người sếp bóc lột và việc chăm sóc bản thân vẫn nên là ưu tiên hàng đầu.

Nhưng nếu công việc hiện tại là tất cả những gì bạn có, và công việc đó giúp bạn trả hóa đơn, thì quyết định nghỉ việc không phải điều dễ dàng gì. Bạn phải cân nhắc các lợi thế tài chính, đặc biệt là khi bạn phải nuôi gia đình hoặc đang mắc nợ.

Vì vậy, nếu bạn đang tự đấu tranh về việc nên bỏ hay giữ việc, hãy đảm bảo rằng cảm xúc của bạn không lấn át quyết định lý trí của bạn.

Bạn có thể thực hiện hành động dưới đây để giải quyết hoặc giảm nhẹ sự nghiêm trọng của vấn đề.

  • Tránh tức giận, thất vọng và thiếu kiên nhẫn. Tránh sử dụng ngôn ngữ không phù hợp, xúc phạm, kích động, hoặc tung tin đồn. Hãy giữ sự tế nhị và chuyên nghiệp ngay cả khi bạn đang bực tức. Nói chuyện với sếp và cố gắng hiểu tâm lý họ. Cố gắng tìm ra ý tưởng, thú tiêu khiển hoặc quan điểm giúp bạn có điểm chung kết nối với sếp để bạn có thể khách quan và nhìn nhận vấn đề toàn cảnh.
  • Sắp xếp cuộc gặp với sếp. Tìm hiểu kỳ vọng của bạn và kỳ vọng của cấp trên. Hỏi sếp về hiệu suất mà người đó mong đợi. Đảm bảo rằng sếp hiểu rõ quan điểm của bạn, tầm quan trọng của cuộc sống cá nhân và những kỳ vọng của bạn liên quan đến công việc.
  • Tiếp cận với đồng nghiệp. Các đồng nghiệp khác thường gặp vấn đề tương tự với sếp. Bằng cách gặp gỡ thường xuyên và nói về các vấn đề một cách tích cực, mang tính xây dựng, bạn có thể tạo ra một nhóm hỗ trợ mỗi khi bạn gặp vấn đề trong công việc. Bạn cũng nên thử lên lịch họp giữa nhóm của bạn với sếp để trình bày tường tận về mong muốn công việc.
sep anh 1

Ở khắp nơi, văn hóa công sở đang thay đổi và các nhân viên có xu hướng cởi mở hơn về sự độc hại (nếu có). Ảnh: Pexels.

Dấu hiệu của người lãnh đạo lý tưởng

Tất nhiên, không phải người sếp nào cũng tệ. Trên thực tế, bạn vẫn có thể gặp được người sếp tốt nhất thế giới. Danh sách các đặc điểm dưới đây sẽ giúp bạn phân biệt được ai là "Người sếp tuyệt vời".

  • Đưa ra định hướng rõ ràng.
  • Sở hữu trí thông minh cảm xúc cao và đồng cảm với nhân viên.
  • Công nhận những người lao động có thành tích xuất sắc.
  • Cung cấp phản hồi thường xuyên.
  • Xây dựng lòng tin, quan hệ đối tác và môi trường tâm lý an toàn và ổn định.
  • Ủy quyền và khuyến khích sự độc lập.
  • Khuyến khích làm việc theo nhóm hướng tới các mục tiêu rõ ràng, có thể dự đoán được.
  • Cho nhân viên nhiều thời gian nghỉ để tự chăm sóc bản thân.

Phương Hà

Bạn có thể quan tâm