Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải pháp gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp

Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giúp học viên tốt nghiệp nhanh chóng hòa nhập với thị trường lao động.

Số lượng nhân lực đào tạo từ giáo dục nghề nghiệp chiếm tới 70% tổng nhân lực của Việt Nam. Để trình độ của sinh viên, học viên học nghề đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp, nhiều giải pháp đã được triển khai.

Nhà trường - doanh nghiệp tăng cường hợp tác

Để học viên, sinh viên ra trường có thể làm tốt công việc đã được đào tạo, chương trình đào tạo của nhà trường phải đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Do vậy, nhiều trường đã phối hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo sát thực tiễn.

Đồng thời, để học viên làm tốt công việc sau khi được tuyển dụng, các em phải được thực hành, thực tập trong thời gian học. Muốn thực hành, thực tập tốt thì nhà trường phải có trang thiết bị hiện đại, đi kịp bước phát triển của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, do vấn đề kinh phí, không phải trường nào cũng đủ sức mua sắm các thiết bị hiện đại tương ứng trên thị trường lao động.

Để giải bài toán này, các trường nghề đang có hướng đi tích cực là đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề, đặc biệt là khâu thực hành.

Tong cuc Giao duc nghe nghiep anh 1
Gắn kết đào tạo với doanh nghiệp giúp học viên thành thạo nghề, mau chóng hòa nhập vào thị trường lao động.

Đơn cử tại trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc (Nghệ An), trong một năm học, học viên có 6 tháng học và thực hành tại doanh nghiệp. Giảng viên của trường cũng phải có 3-6 tháng tới doanh nghiệp để hướng dẫn học viên thực hành. Phát triển mối quan hệ này với doanh nghiệp, trường vừa nâng cao được chất lượng đào tạo, đồng thời giải quyết vấn đề đầu ra cho học viên.

Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp cũng chủ động đặt hàng và đồng hành với nhà trường ngay trong chương trình đào tạo từ lý thuyết tới thực hành sao cho sát với yêu cầu thực tế. Theo Thông tư 29/2017/TT-BLĐTBXH, doanh nghiệp có thể đảm nhận đến 40% chương trình đào tạo. Đây là nền tảng để các doanh nghiệp tiến tới tiếp nhận sinh viên vào làm việc ngay sau tốt nghiệp mà không tốn thời gian đào tạo lại.

Tong cuc Giao duc nghe nghiep anh 2
Doanh nghiệp có thể đảm nhận tới 40% chương trình đào tạo.

Hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp đã được thực hiện khá thành công ở các trường Cao đẳng Công nghệ Hà Nội, Cao đẳng Du lịch, Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất, Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức...

Các cơ quan nhà nước tích cực vào cuộc

Để công tác gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp đạt kết quả tốt hơn, Bộ LĐ-TB&XH hội đã đề nghị UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các cơ sở GDNN khai thác thông tin về nhu cầu sử dụng lao động theo ngành nghề và nhu cầu tuyển dụng lao động hàng năm trong giai đoạn 2018 - 2021 của các doanh nghiệp (theo quy định tại khoản 1 điều 52 của Luật GDNN); hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện quy định về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

Song song đó, đơn vị trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng ra Quyết định số 125/QĐ-TCGDNN ngày 8/3/2019 về việc ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động gắn kết GDNN với thị trường lao động, việc làm bền vững năm 2019.

Tong cuc Giao duc nghe nghiep anh 3
Nhiều giải pháp gắn kết đào tạo với doanh nghiệp đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp triển khai trong năm qua.

Các giải pháp gắn kết GDNN với doanh nghiệp đã và đang được triển khai là: Phối hợp với VCCI tổ chức tọa đàm về gắn kết GDNN với doanh nghiệp; kết nối hợp tác với một số doanh nghiệp Daikin, LG, Tổng hội nhà thầu, Tổng Công ty xây dựng Hòa Bình...; Hướng dẫn việc thành lập tổ công tác gắn kết GDNN với doanh nghiệp tại một số địa phương như Đà Nẵng, Vĩnh Phúc...; Các cơ sở GDNN, đặc biệt các trường cao đẳng trên cả nước cũng tăng cường tổ chức ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp.

Mới đây nhất vào cuối tháng 9, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cùng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã phối hợp tổ chức Hội thảo giáo dục 2019 (VEC 2019) với chủ đề “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế”.

Thông qua diễn đàn, tổng cục mong sớm có cơ chế rõ nét hơn để thu hút doanh nghiệp cùng tham gia việc đào tạo, từ lập kế hoạch, xây dựng chương trình đào tạo, nhận sinh viên thực tập… để nâng cao được kỹ năng nghề cho sinh viên, học viên.

Giang Minh Nguyệt

Bình luận

Bạn có thể quan tâm