Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, đang củng cố hồ sơ vụ việc Vàng Thị Thắm (19 tuổi, quê huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) do vứt bỏ con mới đẻ.
Theo cơ quan chức năng, cuối tháng 1, Thắm sinh một bé trai nhưng sau đó vứt bỏ tại công ty khiến đứa bé tử vong. Làm việc với công an, Thắm khai không biết bố của con là ai. Sợ bị gièm pha, người phụ nữ này vứt bỏ con.
Với hành vi vứt bỏ con mới đẻ, Thắm có khả năng bị xử lý như thế nào?
Theo dõi vụ việc, tiến sĩ Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, nhận định hành vi vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến đứa bé tử vong là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền trẻ em, quyền sống của con người.
"Trong trường hợp này, người mẹ có thể sẽ bị xử lý về tội Giết người hoặc Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ. Xử tội danh nào thì tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, nhận thức cụ thể của người mẹ", luật sư Cường nói.
Luật sư cho biết một người bình thường sẽ nhận thức được đứa trẻ mới sinh cần sự chăm sóc, bảo vệ, rất dễ bị tổn thương, thậm chí thiệt mạng. Vì vậy, pháp luật quy định trách nhiệm của người mẹ là phải chăm sóc, trực tiếp nuôi con đến khi con đủ 36 tháng tuổi.
"Với trường hợp đủ khả năng nhận thức nhưng vẫn vứt bỏ khiến đứa trẻ tử vong, cơ quan tố tụng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự người mẹ tội Giết người, lỗi cố ý gián tiếp, theo Điều 123 Bộ luật Hình sự, tình tiết định khung là giết người dưới 16 tuổi", tiến sĩ Cường nói và cho biết khung hình phạt với tình tiết này là phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Trong trường hợp người phụ nữ sau sinh bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu, hoặc do hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con trong 7 ngày tuổi khiến trẻ tử vong, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm tội Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ.
Điều 124 Bộ luật Hình sự tội Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ quy định chế tài xử phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Cũng theo ông Cường, nếu cơ quan điều tra có căn cứ xác định người phụ nữ đã mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác dẫn đến mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi khi vứt bỏ con, thì người mẹ sẽ bị bắt buộc chữa bệnh theo quy định, và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cùng theo dõi vụ việc, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, nhận định nếu lời khai của Thắm là trung thực, tức bị ảnh hưởng tâm lý sau khi sinh, người phụ nữ này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ, theo Điều 124 Bộ luật Hình sự.
"Tuy nhiên, quá trình lấy lời khai và tài liệu hồ sơ phải thể hiện đúng bản chất là Thắm do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu, không được giáo dục đầy đủ, sợ bị gièm pha đánh giá mà vứt bỏ con mới đẻ", luật sư Tiền nói.
Theo luật sư, trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ trình độ hiểu biết, hoàn cảnh gia đình, cảm xúc, nhận thức của Thắm để xác định cô này có đang trong "hoàn cảnh khách quan đặc biệt" hay "bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu" hay không.
Kết quả điều tra sẽ là căn cứ xác định hành vi của Thắm có thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ hay không.
Còn nếu trường hợp người phụ nữ vứt bỏ con mới đẻ vì những lý do cá nhân như: Nóng giận, hận cha của cháu bé, ích kỷ... thì nghi phạm sẽ bị xử lý về tội Giết người.