Cụ thể, tỷ lệ phụ nữ dưới 24 tuổi tại Australia nhiễm virus HPV (nguyên nhân gây ra 99,9% trường hợp ung thư cổ tử cung) đã giảm từ 22,7% xuống còn 1,1% trong 10 năm (2005 - 2015). Cùng giai đoạn, tỷ lệ tử vong do căn bệnh này ở Nhật Bản lại tăng từ 3,4% đến 5,9% sau khi nước này dừng khuyến cáo tiêm vaccine HPV.
Vaccine HPV có tác dụng tích cực trong việc giảm tỷ lệ người mắc mới, tổn thương UTCTC. |
Kể từ khi được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia tháng 4/2009, đến nay đã có trên 270 triệu liều vắc xin được sử dụng ở hơn 140 quốc gia.
Tại Việt Nam, trong báo cáo năm 2008 của Tổ chức Ghi nhận Ung thư toàn cầu, mỗi ngày có 9 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung và 17 trường hợp mắc mới. Năm 2016, con số này giảm xuống còn khoảng 7 người tử vong và 14 ca mắc mới mỗi ngày.
Chia sẻ về tính an toàn và hiệu quả của vắc xin HPV, GS. TS. BS Nguyễn Trần Hiển - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam khẳng định: “Vắc xin HPV có hiệu quả gần 100% trong phòng ngừa các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung (UTCTC) và UTCTC gây ra bởi 2 chủng HPV 16, 18, cũng như mụn cóc sinh dục, tổn thương ung thư hoặc tiền ung thư cơ quan sinh dục khác (ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật và hậu môn…)”.
Trước những thông tin trái chiều về tính an toàn và tác dụng phụ của vắc xin, GS. TS. BS. Nguyễn Trần Hiển cho biết: “Bất kỳ loại vắc xin nào cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn. Tiêm vắc xin thực chất là đưa một chất lạ vào trong cơ thể. Mỗi cá thể sẽ có phản ứng với vắc xin ngừa HPV ở mức độ khác nhau. Hầu hết người tiêm phòng chỉ có phản ứng nhẹ như: sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi sau 24 giờ”.
Cơ thể thường phản ứng nhẹ sau khi tiêm vaccine. |
“Tuy nhiên, một số ít cơ thể lại có phản ứng mạnh như sốt cao, co giật… thậm chí sốc phản vệ và tử vong. Đó là phản ứng do cơ địa của từng người với vaccine chứ không phải do chất lượng vắc xin”, ông Hiển giải thích.
Đồng quan điểm, PGS. TS. BS Cao Hữu Nghĩa - Trưởng khoa xét nghiệm lâm sàng Viện Pasteur TP.HCM nhấn mạnh: “Tại Việt Nam, kể từ khi được cấp phép vào năm 2008 đến nay, đã có hơn 1,4 triệu liều vắc xin HPV được nhập khẩu và lưu hành. Chúng ta cũng không ghi nhận các phản ứng nào nghiêm trọng có liên quan đến vắc xin này”.
Vắc xin HPV nhập khẩu vào Việt Nam đều phải thực hiện các thủ tục đăng ký lưu hành để đảm bảo đạt được các tiêu chuẩn theo quy định của Việt Nam và WHO. Từng lô vắc xin khi nhập vào Việt Nam đều phải được Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm y tế kiểm định, đảm bảo đạt tiêu chuẩn an toàn trước khi đưa vào sử dụng.
Trước tình hình nhiều thông tin sai lệch liên quan đến vắc xin HPV, GS. TS. BS. Nguyễn Trần Hiển khuyến cáo: “Mỗi người nên là một người tiêu dùng thông thái, chọn lọc và tìm hiểu thông tin từ những nguồn báo đài chính thống trước khi quyết định tiêm ngừa cho bản thân và người thân. Trong trường hợp còn băn khoăn cần tham vấn ý kiến của những người làm công tác chuyên môn để có lời khuyên chính xác nhất”.
Thông tin chính xác và trung lập về vắc xin tứ giá ngừa HPV được cập nhật, đăng tải trên các website của WHO, Cơ quan phòng ngừa và kiểu soát bệnh tật của Mỹ (CDC), của châu Âu (ECDC). Tại Việt Nam, người dân có thể tham khảo thông tin trên các trang của Bộ Y tế (MoH), Cục Y tế dự phòng (VNCDC), Hiệp hội sản phụ khoa, Hội Y học Dự phòng Việt Nam hoặc xem thêm tại đây, các viện và bệnh viện khu vực.