Ngày 25/11, phiên tòa xét xử 2 cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào cùng 34 bị cáo vụ sai phạm tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sang ngày làm việc thứ 3.
Đại diện Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) được nhóm luật sư đặt nhiều câu hỏi về kết quả giám định các gói thầu thi công đường ở giai đoạn một của dự án.
Cáo trạng cho thấy tuyến cao tốc là công trình trọng điểm quốc gia nhưng khi thi công, chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu cùng đơn vị tư vấn không tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế.
Đặc biệt, dù Bộ GTVT có văn bản cảnh báo về chất lượng kém đối với nguồn vật liệu đá nhưng VEC và các nhà thầu, tư vấn giám sát không có phương án rà soát, kiểm tra để loại bỏ vật liệu không đảm bảo chất lượng. Hậu quả, đoạn có chiều dài 65 km thuộc giai đoạn 1 của dự án khi vừa sử dụng đã xuất hiện 380 điểm hư hỏng trên tuyến chính.
HĐXX dành nhiều ngày để hơn 60 luật sư thẩm vấn 36 bị cáo. Ảnh: N.H. |
Trả lời các câu hỏi của luật sư tại tòa, đại diện cơ quan giám định cam kết quy trình đánh giá, giám định đều dựa trên các cơ sở khoa học, khách quan, độc lập, đảm bảo đúng pháp luật và không chịu ảnh hưởng của bên nào.
“Chúng tôi chưa biết đoạn đường được giám định nằm ở đâu, thấy chỗ nào hư thì né ra, lấy mẫu những vị trí khác để làm sáng tỏ các nội dung cần thiết”, giám định viên trình bày.
Theo vị này, một trong những nguyên nhân khiến cao tốc 34.500 tỷ "vừa đi đã hỏng" là do chất lượng đá dăm kém. Cơ quan giám định cho rằng trong đá dăm có trộn lẫn các phụ gia, tạp chất. Kết quả kiểm tra khiến "cơ quan giám định giật mình" vì xảy ra ở một công trình trọng điểm quốc gia.
“Vật liệu rất rời rạc như vậy thì chịu lực làm sao được”, đại diện cơ quan giám định nói. Ngoài ra, tại một số gói thầu có hiện tượng vật liệu bị đứt, vỡ, không có lưới chống nước. Theo ông, quy trình thi công không cho phép trộn vật liệu tự nhiên vào vật liệu thi công, phải trộn bằng bột đá nguyên khai tại mỏ.
Quá trình thẩm vấn, một số luật sư đặt giả thiết nguyên nhân mặt đường đoạn cao tốc từ TP Đà Nẵng đến TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) xuống cấp có thể do xe quá tải. Tuy nhiên, HĐXX cho biết nội dung này đã có trong kết quả giám định.
Bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng bị truy tố ở mức 10-20 năm tù. Ảnh: N.H. |
Cùng tham gia xét hỏi, bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng khai các mỏ đá cấp đá dăm cho cao tốc đã được hình thành từ khi có chủ trương đầu tư. Hợp đồng ký kết giữa các bên, trong đó có nguồn vật liệu đá được cho là kém chất lượng, cũng đã được chủ đầu tư và các đơn vị liên quan thẩm định.
Ông Hùng cho rằng trách nhiệm để vật liệu kém là do chủ đầu tư và đơn vị liên quan. Bị cáo còn khai sau khi cơ quan báo chí phản ánh tuyến cao tốc thuộc giai đoạn một xuất hiện nhiều điểm hư hỏng, các đơn vị liên quan đã chỉ đạo, phối hợp xử lý.
Ngày mai (26/11), HĐXX dành thời gian để đại diện VKSND và nhóm luật sư tiếp tục thẩm vấn.