Giám đốc PR của Baidu gây phẫn nộ vì phát ngôn ủng hộ văn hóa làm việc đến kiệt sức. Ảnh minh họa: Aly Song/Reuters. |
Trong loạt video đăng trên Douyin, Qu Jing, người đứng đầu bộ phận PR của Baidu, tập đoàn được mệnh danh "Google Trung Quốc", khẳng định mình không có trách nhiệm đối với sức khỏe của nhân viên bởi bà "không phải mẹ của họ", BBC đưa tin.
"Nếu bạn làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng, đừng mong được nghỉ cuối tuần. Hãy giữ điện thoại của bạn 24 giờ một ngày, luôn sẵn sàng phản hồi", trích phát ngôn của bà.
Trong một video trước đó, Qu cho biết bà quá mải mê với công việc đến nỗi không biết con trai mình đang học lớp mấy. Lãnh đạo cấp cao cũng từng đe dọa sẽ trả thù những cấp dưới phàn nàn về cách quản lý của mình.
"Tôi có thể khiến bạn không thể tìm được việc làm trong ngành này chỉ bằng một bài viết", bà nói.
Baidu vướng vào một cuộc khủng hoảng truyền thông do chính Giám đốc PR gây ra. Ảnh: Weibo. |
Ngày 8/5, bà Qu thừa nhận những video đó là của mình, đồng thời thông báo đã gỡ bỏ toàn bộ chúng. Trong lời xin lỗi, giám đốc PR khẳng định các video không thể hiện quan điểm của tập đoàn Baidu, và bà đã không xin phép công ty trước khi đăng chúng.
"Tôi xin lỗi vì những video không phù hợp, khiến công chúng hiểu lầm về giá trị và văn hóa doanh nghiệp của công ty. Tôi sẽ học hỏi từ sai lầm này, cải thiện cách giao tiếp cũng như quan tâm đến đồng nghiệp của mình nhiều hơn”, bà viết trên trang cá nhân.
Cách người đứng đầu bộ phận PR của Baidu thể hiện sự ủng hộ tới văn hóa "làm việc tới chết" đã tạo một làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội Trung Quốc. Trên Weibo, cuộc thảo luận sôi nổi liên quan đến vụ việc diễn ra vài ngày qua.
Nhiều người cho rằng bà Qu phải biết rõ những bình luận, thái độ và hành động của mình sẽ khiến cấp dưới tổn thương, khó chịu, nhưng bà vẫn tiếp tục công khai chúng. Điều này cho thấy việc giám đốc PR của Baidu hành xử kém ra sao.
"Là một giám đốc PR nhưng giờ đây bà ta lại vướng phải một cuộc khủng hoảng truyền thông. Thật kém chuyên nghiệp", một người dùng bình luận.
Bên cạnh đó, vụ việc khiến mọi người một lần nữa quan tâm tới thực trạng làm việc quá sức tại những công ty công nghệ ở xứ tỷ dân.
Jack Ma, người sáng lập Alibaba, từng gọi việc được trở thành một phần của "văn hóa làm việc 996" (làm việc 9-21h/ngày, 6 ngày/tuần) là "may mắn". Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực cải thiện tình trạng này.
Hiện Baidu chưa lên tiếng về vấn đề trên.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.