Gần đây, quán cà phê Fringe and Ginge (Canterbury, Anh) gây chú ý khi cấm khách mang laptop đến làm việc. Lý do được chủ quán Alfie Edwards đưa ra là những khách hàng này có khả năng làm hỏng không gian chung.
“Họ thường yêu cầu chúng tôi tắt nhạc và nói nhỏ để họp online. Tôi nhận ra rằng đây không còn là quán cà phê theo ý mình”, Edwards chia sẻ.
Ngoài ra, chủ quán này cũng không hài lòng với tình trạng nhiều khách chỉ mua một ly cà phê rồi “cắm rễ” hàng tiếng đồng hồ. Tình trạng này khiến quán anh luôn hết chỗ nhưng doanh thu không tăng, Metro.co.uk đưa tin.
Khách làm việc ngồi lâu không còn là nỗi ám ảnh của nhiều quán cà phê. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Bức tranh những “công dân laptop” ngồi gõ máy tính hàng giờ đồng hồ trong quán cà phê không chỉ diễn ra ở Fringe and Ginge. Đây là tình trạng chung của các đơn vị kinh doanh đồ uống tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam.
Năm 2021, một cơ sở Highlands Coffee từng gây xôn xao khi “đuổi khéo” khách ngồi làm việc 1 tiếng nhưng chỉ gọi một chai nước lọc. Sự việc này tạo ra nhiều cuộc tranh cãi trên mạng xã hội ở thời điểm đó.
Song, nhiều chủ sở hữu, quản lý các quán cà phê không cho rằng đây là tình trạng tiêu cực. Hiểu rằng khách làm việc dễ trở thành người tiêu dùng trung thành, một số đơn vị kinh doanh đồ uống tìm cách tận dụng nguồn khách này, khéo léo gia tăng doanh thu.
Khách hàng trung thành
Theo Báo cáo Thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam 2023 được iPOS.vn thực hiện, tần suất đi cà phê của người Việt tăng nhẹ so với năm 2022. 30,4% người được hỏi cho biết đến quán cà phê 1-2 lần/tuần. Tỷ lệ này chỉ đạt 22,6% trong năm 2022.
Cũng theo khảo sát trên, có tới 6% người Việt thừa nhận đi cà phê mỗi ngày. Họ là nhóm khách hàng thường xuyên đến cà phê nhằm mục đích gặp gỡ công việc, hoặc sinh viên và người làm việc tự do (freelancer). Mức chi tiêu phổ biến cho một lần sử dụng đồ uống là 41.000-70.000 đồng.
Sở hữu một tiệm cà phê nằm ở khu vực tập trung nhiều văn phòng tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), Phương Linh (32 tuổi) hướng đến nhóm khách làm việc từ khi mở quán. Dân công sở, freelancer từ 22-35 tuổi là người tiêu dùng mục tiêu của chủ quán này.
Xác định trước tệp khách hàng tiềm năng, Phương Linh trang bị nội thất, tiện ích cho cơ sở kinh doanh phù hợp với mục đích sử dụng của các “công dân laptop”. Cụ thể, 15 bàn trong không gian 2 tầng đều tương đối cao, thuận tiện để kê laptop.
Bên cạnh số lượng lớn ổ điện gắn trực tiếp trên tường, cô cũng bổ sung những chiếc ổ di động với dây nối dài, đáp ứng nhu cầu sạc pin điện thoại, laptop cho khách hàng.
Đúng như dự đoán, 80% khách đến quán của Phương Linh là dân văn phòng hoặc freelancer. Trong khi dân công sở thường ghé quán vào sáng sớm, giờ nghỉ, freelancer hoặc nhân sự hybrid lại có xu hướng “cắm chốt” tại đây 4-5 tiếng/ngày.
Sau 3 năm kinh doanh, chủ quán này nhận thấy khách làm việc có khả năng chuyển đổi thành người tiêu dùng trung thành cao. 50% khách hàng từng ghé quán ngồi làm việc có xu hướng quay lại.
“Nhiều khách quen ôm laptop đến quán tôi 7 ngày/tuần, góp phần tạo ra doanh thu ổn định. Tiệm cà phê của tôi vì thế cũng chưa bao giờ rơi vào tình trạng ‘không một bóng người’”, Phương Linh nói với Tri thức - ZNews.
Khách quen đóng góp vào nguồn doanh thu ổn định hàng tháng của các cơ sở kinh doanh đồ uống. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Đồng tình với Phương Linh, Thanh Tùng (28 tuổi), quản lý một quán cà phê có 3 cơ sở ở TP.HCM, khẳng định khách hàng thân thiết đóng góp hơn 1/2 doanh thu hàng tháng của thương hiệu này.
Khách làm việc của quán Tùng không chỉ đi một mình. Thỉnh thoảng, họ dẫn theo bạn bè, đối tác và đồng nghiệp.
“Nếu đã coi đây là ‘quán tủ’, người tiêu dùng sẽ nhiệt tình giới thiệu. Đó là phương pháp marketing truyền miệng mà chúng tôi đặc biệt yêu thích, góp phần xây dựng uy tín lâu dài cho thương hiệu”, quản lý 28 tuổi chia sẻ.
Thanh Tùng nhận định rằng bạn bè của các “công dân laptop” cũng là những người có thói quen làm việc ở quán cà phê tương tự. Vì thế, quán chỉ cần tiếp cận một người, từ đó dễ dàng thu hút thêm cả nhóm khách hàng.
Muôn vàn kiểu tăng doanh thu
Định vị là quán cà phê chuyên phục vụ khách làm việc, cơ sở của Phương Linh không chỉ kinh doanh đồ uống. Chủ quán này phát triển cả menu bánh và brunch (đồ ăn trưa) phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Để hấp dẫn khách hàng, Phương Linh cũng giới thiệu hàng loạt combo, bao gồm 1 đồ uống và 1 đồ ăn, với mức giá rẻ hơn 10% so với gọi lẻ.
Combo bữa sáng (gồm 1 ly cà phê và 1 bánh sừng bò) có giá 89.000 đồng. Trong khi đó, combo bữa trưa (gồm 1 thức uống và 1 đĩa salad/spaghetti) được bán với giá thành 179.000 đồng.
Theo ghi nhận của Phương Linh, trong mùa nắng nóng, dân công sở chuộng tích hợp hoạt động ăn trưa và uống cà phê tại một địa điểm, ngại di chuyển. Cơ sở kinh doanh của Linh lại cung cấp không gian điều hoà mát lạnh, là sự lựa chọn tốt hơn so với hàng quán vỉa hè.
Đối với khách freelancer hoặc nhân sự hybrid “cắm chốt” từ sáng đến chiều, những combo này giúp họ tiết kiệm thời gian đặt đồ ăn về hoặc tìm hàng quán dùng bữa khi tới giờ nghỉ trưa.
“Với những phương án gia tăng doanh thu này, tôi không ngại khách ngồi làm việc lâu. Nhiều người thường xuyên gọi cả nước, bánh, đồ ăn trưa ở quán tôi. Họ chi tiêu hơn 200.000 đồng/ngày tại tiệm, tương đương với 3 khách vãng lai”, Linh nói.
Các quán cà phê áp dụng nhiều hình thức tăng doanh thu từ nguồn khách làm việc. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Giống với Phương Linh, Khôi Nguyễn (34 tuổi), chủ sở hữu một quán cà phê tại quận Ba Đình (Hà Nội), cũng tìm cách tăng doanh số, tận dụng nguồn khách làm việc chủ lực của quán.
Cụ thể, cơ sở kinh doanh của Khôi dành một khoảng không gian để bày bán một số món đồ liên quan đến các “công dân laptop” như bọc máy tính hay túi tote in logo thương hiệu. Khi ngồi làm việc trong thời gian dài, nhiều khách hàng chú ý đến những item này, sẵn sàng chi trả để sở hữu.
Ngoài ra, Khôi Nguyễn cũng thực hiện các chương trình ưu đãi dành riêng cho khách làm việc như tặng thẻ thành viên (đổi 1 đồ uống miễn phí sau 15 hoá đơn), tích điểm, ưu đãi 10-20% khi gọi đồ uống thứ 2 trong ngày.
Những chương trình này góp phần kích cầu, đồng thời tạo ra một tệp khách hàng trung thành, thường xuyên đến quán làm việc, đem đến doanh số ổn định cho đơn vị kinh doanh của Khôi trong 2 năm qua.
Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới
Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.