Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giám đốc bỏ phố về ngoại ô, làm khu vườn 3.500 m2 'trong mơ'

Những ngày cuối cùng của tháng 3, khi nắng chiều vừa lên, chị Phương Mai (34 tuổi) cùng 2 con bận rộn thu hoạch những chùm dâu tằm chín rộ trong khu vườn xanh mát ở ngoại ô Hà Nội.

Vợ chồng anh Thanh Sơn, chị Phương Mai bỏ phố về quê từ 6 năm trước.

Cuộc sống mơ ước

Ở một góc khác, cây nho thân gỗ cũng sai trĩu quả, nổi bật giữa khu vườn rộng hàng nghìn m2, trái nào trái nấy tròn căng, mọng nước. “Cây nho này gần 20 năm tuổi, rất sai quả và ngọt. Mỗi vụ có thể cho thu hoạch 5-15kg”, chị Mai kể.

Ngoài những cây ăn quả được trồng từ khi bé xíu và giờ đã to cao, cho hoa thơm trái ngọt như dâu tằm, thanh long, mít, na…, trong vườn nhà chị Mai còn có những cây được mua về trồng khi đã là cây cổ thụ như chay, ổi, nho thân gỗ, mãng cầu, hồng…

Vườn cây ăn trái này chỉ là một trong số các hạng mục công trình trên mảnh đất rộng hàng nghìn m2 mà vợ chồng chị Mai kiên trì vun vén sau nhiều năm mới có được, kể từ khi bỏ phố về quê.

“Ban đầu vườn chỉ có bưởi, táo và một vài loại rau ngắn ngày. Nhưng giờ đây, vườn có đủ các giống rau và trái cây mà cả gia đình tôi yêu thích”, chị Mai tâm sự.

Cách đây 6 năm, cảm thấy công việc ở Hà Nội quá quay cuồng, bận rộn và không có thời gian nghỉ ngơi, chị Mai cùng chồng là anh Thanh Sơn (38 tuổi) bàn tính đến chuyện rời phố.

Thời điểm đó, anh Sơn là giám đốc công ty thiết kế nội thất, còn chị Mai hoạt động trong lĩnh vực thiết kế thời trang.

“Nếu bỏ phố, hai vợ chồng phải tìm công việc mới, có thể rơi vào cảnh thất nghiệp một thời gian. Nhưng nghĩ đến cảnh sống ngột ngạt, không có thời gian cho con cái và bản thân, cộng thêm vấn đề về kinh tế, chúng tôi quyết định gác lại mọi thứ, chuyển về quê chồng ở ngoại ô, bắt đầu một cuộc sống mới đúng như mong muốn”, chị Mai nói.

Sau đúng một tuần suy nghĩ, vợ chồng chị cùng các con chính thức “khăn gói” về quê, dừng chân trên mảnh đất của bố mẹ anh Sơn tại xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây, cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 40 km.

Mảnh đất rộng 3.500 m2, bao gồm nhà ở (khoảng 100 m2) được xây sẵn từ trước và vườn cây bao quanh.

Thỏa sức sáng tạo

Chị Mai cho biết khi chuyển về quê sinh sống, việc đầu tiên họ cần làm là tìm một công việc mới phù hợp, vừa tạo thu nhập, vừa không cảm thấy bồn chồn tay chân hay nhớ nghề.

“Xung quanh nhà tôi, nhiều gia đình khác cũng có vườn rộng, thoáng. Sẵn có kinh nghiệm nên chồng tôi chuyển sang làm thiết kế hồ cá và sân vườn, lúc rảnh thì nhận cả vẽ tranh, làm chậu cây cảnh.

Còn tôi bán vé máy bay và tour du lịch online, thuận tiện thu xếp thời gian chăm lo cho gia đình, con cái”, chị Mai nói.

Vì không có quá nhiều kinh phí nên vợ chồng chị Mai quyết định tự tay thiết kế các hạng mục cần thiết và cải tạo cảnh quan dần dần trong 6 năm qua.

Cách làm này vừa giúp họ chia nhỏ chi phí, giảm áp lực kinh tế, vừa được thỏa sức sáng tạo theo mong muốn riêng.

Hạng mục đầu tiên mà cặp đôi bắt tay vào làm ngay khi mới về quê là xây hồ cá. Anh Sơn tự xây và lắp đặt cho đến khi hồ được vận hành.

Sau này, anh chị tiếp tục cải tiến và xây thêm 2 hồ cá, bố trí hài hòa trong vườn, vừa đảm bảo tính mỹ quan, vừa góp phần điều hòa không khí.

Họ cũng tận dụng tối đa cây cối trong vườn, giữ lại các loại cây ăn quả, trồng thêm một số cây và hoa mới từ cây giống nhỏ hoặc hạt gieo để tiết kiệm chi phí. Đồng thời, triển khai một số hạng mục như đào suối, làm bờ kè bằng đá, thiết kế lối đi…

“Để gây dựng được khu vườn như ý là cả một quá trình dài lao động miệt mài của 2 vợ chồng. Có những hôm 23h đến nửa đêm, chúng tôi vẫn cặm cụi tưới cây, dọn vườn vì ban ngày còn bận làm các công việc chính”, chị Mai chia sẻ.

Hiện tại, sau 6 năm vun vén, gia đình chị Mai đã sở hữu không gian sống “trong mơ” với khuôn viên chia thành 4 khu vực khác nhau, gồm nhà ở, vườn rau, hồ cá và vườn cây.

Gia chủ thừa nhận một số hạng mục vẫn chưa hoàn thiện. Họ tranh thủ thiết kế từng ngày, không đặt nặng vấn đề thời gian để đảm bảo từng góc vườn đều đẹp, đúng ý.

bo pho ve que song anh 9

Vợ chồng chị Mai cải tạo lại không gian sống để tạo chốn thư giãn mơ ước, thỉnh thoảng đón bạn bè từ thành phố về chơi và kết hợp làm kinh tế.

“Thời gian đầu về quê, bắt đầu làm lại mọi thứ để ổn định cuộc sống, chúng tôi không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng, nhớ thành phố. Có lúc, tôi nhớ tiếng họp chợ náo nhiệt dưới chân nhà cũ mỗi sáng, nhớ buổi cà phê lang thang cùng đồng nghiệp, bạn bè…

Nhưng sau một năm hòa mình vào cuộc sống, văn hóa ở quê và có thêm những mối quan hệ mới, tôi dần thích nghi và yêu thích những gì mình có”, chị Mai bày tỏ.

Thu nhập 60 triệu, có nhà riêng ở TP.HCM vẫn chưa dám sinh con thứ hai

Với lối sống ưu tiên sức khỏe và chất lượng, vợ chồng anh Thành Nhân quyết định không vội sinh con thứ hai, mà tập trung thời gian xây dựng một tổ ấm đầy đủ cho ba thành viên.

Những đứa trẻ tim rỗng

Hiện nay, ngày càng nhiều em nhỏ mắc phải chứng "tim rỗng". Chúng đạt thành tích cao trong học tập nhưng lại thiếu sức sống và động lực sống nên được gọi là "người rỗng tuếch". Trong quá trình trưởng thành, những đứa trẻ chỉ biết học tập không ngừng nghỉ để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ, sẽ vô tình bỏ qua cảm xúc và mong muốn của chính mình.

https://vietnamnet.vn/giam-doc-bo-pho-ve-ngoai-o-ha-noi-danh-6-nam-lam-khu-vuon-3-500m2-trong-mo-2387402.html?gidzl=_T8lOPhoesFyo2rcd--bPl7CBs28wlPcwvmhP8Inf6RWbIbWqRNqDhV0ScRLj_bbkvCaOpTN5Byoc_MZPm

Thảo Trinh/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm