Tại Hội nghị trực tuyến "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững" ngày 21/8, ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, đề cập đến những khó khăn đang xảy ra tại các cơ sở y tế.
Mua sắm y tế không nên chọn giá thấp nhất mà chọn hợp lý nhất
Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, về đấu thầu mua sắm thuốc, hiện các bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng giá dự toán. Giá dự toán chỉ tính được khi lập kế hoạch đấu thầu. Nếu theo Thông tư 58 năm 2016 của Bộ Tài chính sau khi phê duyệt giá dự toán mua sắm rồi mới lập kế hoạch đấu thầu, các bệnh viện không thể làm được.
Về thuốc, các loại hiếm và nhập theo hạn ngạch gặp rất nhiều khó khăn do không có nguồn cung. Đối với những loại thuốc này, ông kiến nghị Bộ Y tế nên đưa vào mua sắm tập trung hoặc cho phép chỉ định thầu rút gọn, lập kho dự trữ quốc gia điều phối cho các tỉnh, thành phố.
Về đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, theo Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, các bệnh viện và cơ sở y tế đang gặp rất nhiều khó khăn tại Khoản 2, Điều 11, Thông tư 58 năm 2016 của Bộ Tài chính. Đó là yêu cầu phải đầy đủ 3 đặc tố giá thì mới xây dựng kế hoạch mua sắm được.
Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Ảnh: Văn Nguyện. |
"Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo và Bộ Tài chính hướng dẫn lại vì điều này không cần thiết và không khả thi", bác sĩ Nguyễn Tri Thức nói.
Ông cũng nói thêm theo quy định hiện tại, việc đấu thầu mua sắm rất khó khăn để có được giá tham khảo. Các website công khai kết quả đấu thầu gồm 2 website chính (website mua sắm công và website công khai kết quả đấu thầu).
Các đơn vị đăng công khai kết quả đấu thầu thường không chi tiết các tính năng kỹ thuật mà chỉ có thông tin chung chung. Do đó, để xây dựng cấu hình tính năng kỹ thuật khác nhau ở các đơn vị, chỉ dựa vào thông tin này, các bệnh viện không thể lập được giá sát thực tế.
"Nếu không sát thực tế, các cơ quan chức năng sẽ quy vì sao cùng chủng loại mà bệnh viện này mua giá cao mà đơn vị khác mua giá thấp", bác sĩ Thức cho hay.
Bên cạnh đó, 2 website này hoạt động chưa hiệu quả nên các cơ sở y tế muốn tham khảo, tra cứu, có những lúc phải mở 18 cửa sổ mới đầy đủ thông tin, gây mất thời gian.
Đối với hàng hóa nhập khẩu, ông cũng kiến nghị công khai thông tin giá nhập khẩu để minh bạch giá các thiết bị y tế, giúp cơ sở y tế yên tâm xây dựng giá đấu thầu.
"Mua sắm trong y tế không nên chọn giá thấp nhất mà cần quy định rõ chọn giá hợp lý nhất, phù hợp với điều kiện của từng cơ sở, chuyên khoa và để bệnh viện được quyết định", ông Thức đề xuất.
Từ thực tế khám chữa bệnh, bác sĩ Nguyễn Tri Thức cho biết các hàng hóa phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân rất đa dạng về chủng loại, xuất xứ, chất lượng và kèm theo đó là giá cả sẽ tương đương. Do đó, nếu chỉ cho phép chọn giá rẻ nhất khi mua sắm sẽ khó có hàng hóa tốt, phù hợp với mô hình, tính chất bệnh tật của từng bệnh viện để phục vụ người bệnh.
"Trưởng khoa Ngoại bức xúc gặp tôi hỏi tại sao mua dao mổ giá rẻ? Trước đây, dùng dao giá tốt chỉ cần rạch một đường, vì trúng thầu dao giá rẻ, chúng tôi phải rạch đến 3 lần da mới đứt", ông Thức chia sẻ.
3 nhân viên y tế đang hỗ trợ chăm sóc một bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng. Ảnh: Duy Hiệu. |
Từ đó, ông kiến nghị cho phép các bệnh viện từ hạng một đến hạng đặc biệt được phép lựa chọn nhà sản xuất để mua sắm thiết bị y tế phù hợp với các bệnh chuyên sâu. Bởi thiết bị mua về không sử dụng được cũng gây lãng phí.
Kiến nghị cho phép hình thức máy đặt máy mượn, đấu thầu hóa chất
Về đấu thầu các máy xét nghiệm, ông Nguyễn Tri Thức cho rằng máy hiện đại đa phần đều có hóa chất tương thích với máy, nếu sử dụng hóa chất khác thì không sử dụng được. Ông kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế cho phép chấp nhận hình thức máy đặt, máy mượn, đấu thầu hóa chất và giá của các hóa chất này do Bộ Y tế quản lý bán hoặc đấu thầu tập trung quốc gia.
Về bất cập thu nhập của các nhân viên y tế, ông Nguyễn Tri Thức kiến nghị cho phép tính đúng, tính đủ theo Nghị định 60 năm 2021 của Chính phủ.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng ý kiến của Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã nói lên tâm tư chung của các bệnh viện công hiện nay.
Theo Bộ Y tế, giá dịch vụ y tế hiện chậm điều chỉnh, chưa tính đúng, đủ chi phí thực tế, gây ảnh hưởng đến hạch toán thu chi của các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là trong bối cảnh các bệnh viện thực hiện theo cơ chế tự chủ.
Việc thực hiện chính sách xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong các bệnh viện công lập còn nhiều tồn tại, nhiều thiết bị trong bệnh viện đang dừng hoạt động do các vướng mắc về pháp lý.