Sáng 13/8, TS.BS Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết đơn vị này đã tiếp nhận và điều trị cho 3 bệnh nhân nam ngộ độc do ăn thịt cóc.
Trước đó, những người này bắt cóc ở trên đồi về chế biến thành một số món ăn. Sau khi ăn các món từ thịt cóc, 3 bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau đầu, tê bì, mệt mỏi, yếu cơ, đái buốt...
Ba nam bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn thịt cóc. Ảnh: BSCC. |
Khi nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, ngoài các triệu chứng trên, cả 3 người đều có tình trạng nhịp tim chậm và rối loạn nhịp tim. Những người đàn ông này nhanh chóng được điều trị và theo dõi tích cực. Sau hơn một ngày điều trị, bệnh nhân có sức khỏe ổn định và được xuất viện.
Theo TS.BS Hoàng Công Tình, cóc chứa nhiều chất độc ở trên toàn bộ da, tuyến nước bọt và mật. Thịt và xương của cóc không chứa chất độc. Tuy nhiên, khi làm thịt cóc, các chất độc trên da của chúng rất dễ ngấm vào thịt gây ngộ độc cho người khi chế biến làm thức ăn.
Chất độc của cóc gây các triệu chứng về đường tiêu hoá, hô hấp nhưng nguy hiểm nhất là tác động đến hệ tim mạch và thần kinh.
Vị chuyên gia này khuyến cáo người dân không nên tự chế biến các thức ăn từ cóc. Các thực phẩm khác như gà, bò, cá, tôm, ếch, lươn... cũng có giá trị dinh dưỡng cao, mà lại là lựa chọn an toàn hơn.
Khi chất nhầy bài tiết của cóc lỡ dính vào tay, mắt, miệng, bạn nên nhanh chóng rửa vùng tiếp xúc nhiều lần bằng nước sạch. Trường hợp ngộ độc thức ăn chế biến từ cóc, người bệnh cần được kích thích để gây nôn, sau đó đến ngay các cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.