Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giám đốc công nghệ thông tin và triết lý quản lý đột phá

Yêu và muốn gắn bó với công nghệ thông tin (CNTT), đồng chủ tịch cộng đồng Agile Vietnam, Giám đốc điều hành hệ thống Trung tâm đào tạo FPT Aptech Hà Nội - Dương Trọng Tấn - lại chưa bao giờ dừng mối duyên của mình với giáo dục.

Theo anh, chia sẻ và đóng góp những tư duy đổi mới cho sự phát triển chung là một kỷ luật cho chính bản thân.

Dương Trọng Tấn.

Sơ lược về Dương Trọng Tấn:

• Giám đốc điều hành chung hệ thống các Trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế FPT Aptech tại Hà Nội.

• Đồng chủ tịch ban điều hành (Co-chair) cộng đồng Agile Vietnam nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của các phương pháp luận Agile/Lean/Scrum tại Việt Nam.

• Thành viên trong nhóm nghiên cứu đổi mới giáo dục Cánh Buồm, với mục tiêu xây dựng bộ sách theo phương pháp dạy và học đổi mới cho các cấp lớp tiểu học.

Tầm sư học đạo

Với đam mê toán học và tin học từ nhỏ, Trọng Tấn luôn tìm thấy sự vui thích khi học và làm việc trong lĩnh vực CNTT. Sau quá trình tìm hiểu, anh lựa chọn RMIT Việt Nam làm nơi gửi gắm ước mơ.

Tấn cho biết: “Là một ngành có tốc độ đổi mới và phát triển nhanh bậc nhất, CNTT là nơi để những người có đam mê thỏa sức học hỏi và phát triển bản thân. Cho tới giờ, tôi thấy đó là một lựa chọn đúng đắn. Tôi đặc biệt thích môi trường học tập quốc tế, chất lượng cao mà trường mang lại cho mỗi sinh viên. Trong một môi trường như thế, sinh viên có cơ hội lớn để phát huy tối đa năng lực cá nhân”.

Trong mắt bạn bè, khát khao tri thức của Tấn như ngọn lửa sáng chưa bao giờ tắt. Hình ảnh một Trọng Tấn "mài đũng quần" cả ngày tại thư viện trường có lẽ cũng không mấy xa lạ trong những năm tháng anh học tập tại RMIT Việt Nam. Thói quen lật từng trang sách và nghiền ngẫm ấy theo Tấn, không có chút gượng ép, hay khó khăn, mà đơn giản là “thiết yếu” như chuyện ăn cơm.

“Tôi quan niệm bình thường ta ăn cơm hít thở không khí để duy trì sự sống cho cơ thể. Ta cũng sẽ phải làm việc đó đối với tinh thần. Thói quen đọc sách của tôi có lẽ được hình thành từ nhỏ nhờ những cuốn truyện mà bố tôi, khi đó là một quân nhân, mua cho mỗi lần tranh thủ về nhà. Sách là một trong những kênh đơn giản để nuôi dưỡng trí tuệ và tâm hồn. Khi đã quen, đó còn là thú vui khó bỏ”, Tấn chia sẻ.

Trọng Tấn trong vai trò diễn giả tại Vietnam Agile Tour 2012.

Tấn cho biết, lĩnh vực anh thích đọc khá đa dạng, ngoài các chủ đề gắn liền với công việc, anh còn có sự chú tâm lớn vào các vấn đề giáo dục và triết học. Chính những lúc tìm tòi, mở mang tri thức này, chàng trai Dương Trọng Tấn hiểu rằng mình còn có thêm một trọng trách khác nữa ngoài niềm đam mê CNTT, đó là tìm kiếm những phương pháp quản lý nói chung và quản lý giáo dục, đào tạo nói riêng hiệu quả nhất, cũng như chia sẻ điều đó đến cộng đồng.

Giấc mơ thay đổi và chia sẻ

Để thực thực sự tạo ra sự thay đổi, khi còn là một sinh viên, Tấn biết rõ mình còn cần tích lũy thêm kiến thức và những kỹ năng quan trọng để tạo sức ảnh hưởng đến nhiều người hơn nữa.

“Một điều tuyệt vời khi học ở RMIT là tôi không chỉ được học các kiến thức CNTT, mà còn học được rất nhiều về quản trị và lãnh đạo, phương thức tổ chức và quản lí giáo dục, cũng như về cách học và cách dạy”, anh cho biết.

Trọng Tấn (đứng giữa, khoanh tay) cùng các thành viên tham gia lớp học Scrum.

Tận dụng tất cả những kỹ năng có được cùng khối kiến thức mà anh tích lũy được trong những ngày tháng chăm chỉ học tập tại trường, Trọng Tấn dần chứng tỏ được năng lực của mình. Bốn năm sau khi đạt tấm bằng cử nhân CNTT, Tấn được đề bạt làm giám đốc điều hành chung hệ thống các Trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế FPT Aptech tại Hà Nội.

Chưa dừng lại ở đó, với băn khoăn về một phương pháp mới trong quản lý hiệu quả và linh hoạt, Tấn đã cùng một số bạn bè trong ngành thành lập nhóm Hanoi Scrum và hiện tại là đồng chủ tịch ban điều hành của cộng đồng Agile Vietnam, một cộng đồng được tạo dựng nhằm khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của các phương pháp luận kiểu mới (Agile, Scrum, Lean) tại Việt Nam.

Chưa bao giờ thỏa mãn với sự cống hiến của mình, Trọng Tấn còn chọn việc viết lách để chia sẻ kiến thức hữu ích bằng lời văn hóm hỉnh, sinh động trên blog cá nhân mang tên “Tấn’s Note” như một kênh hữu hiệu để tri thức và những chia sẻ của anh đến được với thật nhiều các bạn trẻ, đồng nghiệp có cùng hoài bão. Đặc biệt, Tấn còn là một tác giả trong nhóm phát triển nội dung trang mạng Tạp chí Lập trình với hơn 2.000 thành viên là các bạn trẻ yêu thích CNTT.

Đối với Tấn, viết vừa là một kỷ luật, vừa là thú vui. Kỷ luật vì anh cho rằng một người làm việc chuyên nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và giáo dục phải liên tục rèn luyện tư duy, tham gia chia sẻ và thảo luận với cộng đồng. Bằng cách đó, bản thân cá nhân được trưởng thành, cộng đồng chuyên nghiệp cũng lớn mạnh. Tấn cho biết, những tư duy này anh học được từ những ngày học tập tại RMIT Việt Nam.

“Còn tại sao là thú vui? Đơn giản vì khi tôi viết điều gì đó có ích, tự tôi sẽ nhận được những ghi nhận từ bạn bè, từ những người từ khắp nơi mà thật khó để tiếp xúc hằng ngày vì những giới hạn địa lí và thời gian. Viết là một hoạt động rất xã hội, rất “người”. Và là việc đáng để bỏ thời gian mỗi ngày”, Tấn chia sẻ.

Bạn bè và đồng nghiệp luôn thấy sự lạc quan và sức sống từ Trọng Tấn, từ một con người luôn có những động lực và đam mê. “Không ai có thể làm cho tôi tổn thương, trừ phi tôi cho phép điều đó” - câu nói nổi tiếng của Mahatma Gandhi được Tấn xem như nguồn cảm hứng lớn, để mỗi ngày anh luôn tin tưởng và quyết tâm thực hiện đến cùng những mục đích tốt đẹp của mình.

Agile Vietnam đã khởi xướng và tổ chức thành công nhiều hoạt động hữu ích như các hội thảo AgileTour Vietnam từ 2011, ScrumDay từ 2012, cùng hàng loạt các sự kiện mà Tấn tham gia với vai trò là diễn giả, trao đổi và hỗ trợ tư vấn giúp các doanh nghiệp phần mềm áp dụng mô hình quản lý linh hoạt vào trong quy trình phát triển sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp như Hyperlogy và V-Next đã có những phản hồi rất tích cực về mô hình phát triển đột phá này.

Tư liệu: RMIT

Bạn có thể quan tâm