"Chuẩn bị vào việc nào mọi người, cố gắng hoàn thành sớm để xuất phát nhé. Thực đơn hôm nay là tôm viên tuyết hoa, xúc xích phô mai, chả sụn, su su, đậu, cà rốt, súp lơ luộc và canh bí".
Gần 7h ngày 14/11, tại một quán ăn trên phố Nguyễn Văn Tuyết (Đống Đa, Hà Nội), khoảng 20 người đang bận rộn, khẩn trương.
Không phải kinh doanh sớm, đây là điểm tập trung của các thành viên "Tiệm cơm 1k" do anh Trần Trung Kiên (35 tuổi) khởi xướng. Chủ quán là một thành viên trong nhóm, cho mượn địa điểm để cùng nhau làm những suất cơm tặng bệnh nhân khó khăn đang điều trị tại một số bệnh viện ở Hà Nội.
Khoảng 9h30, công đoạn nấu nướng hoàn tất, những viên tôm, phần rau củ bắt đầu được chia vào từng hộp cùng cơm trắng nóng hổi. Hôm nay, tiệm cơm có 145 "đơn đặt hàng": 104 suất ở Bệnh viện Nhi Trung ương, 16 suất ở Bệnh viện E và 25 suất ở Bệnh viện Bạch Mai.
"Lần nào chuẩn bị xong, đưa tận tay những hộp cơm dinh dưỡng cho mọi người, chúng tôi đều rất vui. Cả nhóm không phải đầu bếp chuyên nghiệp, có người là giám đốc, giảng viên, kinh doanh hay nghệ nhân cắm hoa song đều đặt hết tâm sức vào đó, hy vọng có thể hỗ trợ phần nào cho những hoàn cảnh khó khăn", anh Kiên nói với Zing.
Anh Kiên là người khởi xướng hoạt động của "Tiệm ăn 1k", giúp đỡ các bệnh nhi điều trị tại Hà Nội. |
Tiệm cơm 1k
Ba năm trước, khi con gái được chẩn đoán mắc ung thư, anh Kiên, khi đó đang công tác trong quân ngũ, quyết định phục viên, chuyển sang kinh doanh tự do để có nhiều thời gian chăm sóc con.
Trong khoảng thời gian này, anh hiểu được sự vất vả của nhiều gia đình cùng cảnh ngộ nên nảy ra ý tưởng nấu cơm hỗ trợ mọi người.
Đến tháng 10 vừa qua, khi tìm được địa điểm nấu nướng ổn định, anh mới bắt đầu thông báo về kế hoạch trên trang cá nhân. Một số bạn bè, vốn đồng hành cùng anh trong nhiều dự án thiện nguyện, xây trường cho trẻ vùng cao, nhanh chóng đăng ký giúp sức.
"Ban đầu, mỗi phần cơm chúng tôi 'bán' với giá 1.000 đồng để người nhận thoải mái, được tính là bỏ tiền ra mua. Sau đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội kéo dài, chúng tôi quyết định 'giảm giá' còn 0 đồng, tặng luôn cho mọi người", anh Kiên giải thích về tên của nhóm.
Những phần cơm được tự tay các thành viên của tiệm lên thực đơn và nấu. |
Thứ 5 và chủ nhật hàng tuần, nhóm sẽ tiến hành phát cơm cho những người đăng ký trước một ngày qua nhóm chat, chủ yếu ở 3 điểm là Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện E và Bệnh viện Bạch Mai. Ở mỗi nơi, các thành viên luôn mang dư vài suất, phòng có người gặp bất chợt muốn nhận.
Làm việc ở tiệm cơm từ những ngày đầu, chị Ngọc (sinh năm 1991, kinh doanh tự do) rất vui khi có thể tự tay chuẩn bị những phần cơm dinh dưỡng cho các bệnh nhân và người thân.
"Mỗi tuần tặng cơm 2 buổi nhưng thực ra chúng tôi mất 4 buổi nếu tính cả khâu chuẩn bị, sơ chế nguyên vật liệu. Ví dụ để sáng nay bắt tay vào nấu sớm, chúng tôi làm sẵn tôm, thịt từ tối qua. Ai cũng có công việc riêng song đều cố gắng sắp xếp để cùng đồng hành".
Anh Kiên cho biết trước mỗi buổi tặng cơm, các thành viên đều cùng bàn bạc, thống nhất các món sẽ làm, sao cho đảm bảo dinh dưỡng và phù hợp với bệnh nhân. Trung bình mỗi buổi, cả nhóm làm 130-160 suất, mỗi suất gồm 3 món mặn, 1 rau và canh. Ngoài ra, bánh ngọt, sữa hay hoa quả cũng sẽ được chuẩn bị.
Những suất cơm yêu thương
"Cơm chú Kiên ngon lắm, bé nhà tôi rất thích vì có cả bánh, sữa, hoa quả nữa", vừa kể với phóng viên, chị Vũ Thị Lệ (quê Hưng Yên) vừa đón hộp cơm nóng hổi từ tay một thành viên "Tiệm cơm 1k".
Từ khi người con 15 tháng tuổi được chẩn đoán mắc U nguyên bào thần kinh cuối tháng 3, mẹ con chị bắt đầu chuỗi ngày đi lại giữa quê và Hà Nội để điều trị. Chị không nhớ đã ăn cơm tiệm bao nhiêu lần, chỉ biết cứ mỗi thứ 5 và chủ nhật mà đang ở Hà Nội, chị đều đăng ký nhận cơm, đến nỗi đã quen mặt các thành viên.
"Nhìn hộp cơm cũng đủ thấy các cô chú nấu rất cẩn thận, mấy người tôi biết đều khen. Trước đây, tôi hay mua cơm ở ngoài nhưng một suất được khá ít, chế biến cũng không hẳn ngon".
Chị Thanh là một trong những người thường xuyên nhận cơm của nhóm. |
Cũng vừa nhận các suất cơm cho bản thân và giúp phụ huynh khác, chị Thanh (quê Phú Thọ) khoe là "khách quen" của tiệm từ cuối tháng 10. Hôm qua, chị lại đưa cậu con trai Tuấn Hải (9 tuổi) ra Hà Nội để trị bệnh.
"Cơm chỗ này làm có tâm lắm, đầy đặn mà ngon, đủ cả bánh, sữa, hoa quả tráng miệng. Tôi biết đến nhóm từ các phụ huynh khác có con điều trị cùng khoa nên đăng ký. Những phần cơm này không chỉ giúp chúng tôi đỡ tiền mua mà còn bổ sung dinh dưỡng, thực đơn cũng thay đổi liên tục, các cháu ăn lạ miệng nên thích lắm".
Duy trì ít nhất trong 3-4 năm
Đối với anh Kiên và các thành viên, mỗi người nhận cơm chỉ cần trả cho nhóm một nụ cười đã là điều vui vẻ, đáng quý. Cả nhóm cũng chỉ dám nhận mình là người thay các nhà hảo tâm đưa những phần cơm đến tay người khó khăn.
"Từ khi tôi mới nêu ý tưởng, một số bạn bè tin tưởng đã chuyển ngay tiền cho tôi để có kinh phí hoạt động. Hiện, số tiền mọi người đóng góp đã lên tới 400 triệu đồng, đủ duy trì trong ít nhất 3-4 năm. Ngoài ra, một số công ty, đơn vị cung cấp thực phẩm cũng nhận hỗ trợ định kỳ rau, thịt, bánh, sữa.
Có lần, một người chị tôi quen mua 4 suất cơm của tiệm đã trả 500.000 đồng, hay có người lấy 2 suất với giá 300.000 đồng, xem đó như cách ủng hộ nhóm".
Tiệm cơm dự định duy trì hoạt động trong ít nhất 3-4 năm. |
Hơn cả một bữa ăn thiện nguyện, đối với các nhân viên "Tiệm cơm 1k", mỗi hộp cơm, cái bánh còn giống như nguồn năng lượng, lời cổ vũ họ muốn gửi đến các bệnh nhi và người thân đang chống chọi với bệnh tật.
Thời gian tới, nếu tình hình dịch bệnh ổn định, "Tiệm cơm 1k" hy vọng có thể nâng tần suất tặng cơm hay thậm chí đón khách đến ăn tại quán.
"Có lần, một bà mẹ đã để lại bình luận trên trang cá nhân của tôi, nói rằng chị và cháu đã ra Hà Nội điều trị một năm nay nhưng lần đầu có cảm giác được ăn cơm gia đình nhờ chúng tôi. Đọc được lời đó, tôi rất xúc động, cũng rất vui, hạnh phúc và có thêm động lực".