Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giám đốc OECD: Giáo dục Việt Nam đạt thành tựu đáng nể

Giám đốc phụ trách giáo dục và các kỹ năng của OECD đánh giá cao những thành tựu của giáo dục Việt Nam, lý giải nguyên nhân thành công và nêu hướng đi mới.

Ngày 17/6, ông Andreas Schleicher, Giám đốc phụ trách giáo dục và các kỹ năng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), viết bài về nền giáo dục Việt Nam trên trang BBC.

Ông đánh giá cao thành công của Việt Nam khi xếp hạng cao, vượt cả Mỹ và Anh, khi thực hiện bài kiểm tra PISA, công cụ đánh giá kiến thức và kỹ năng của học sinh ở độ tuổi 15.

Theo ông, 3 yếu tố quan trọng góp phần vào thành tích ấn tượng này là sự quan tâm từ chính phủ, giáo trình nhất quán và sự đầu tư mạnh vào giáo viên.

Học sinh ở thành phố Hồ Chí Minh chào mừng lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam. Ảnh:
Học sinh ở TP HCM chào mừng lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam. Ảnh: EPA.

Ngân sách cho giáo dục cao

Andreas Schleicher cho rằng, các nhà lãnh đạo trong chính phủ Việt Nam luôn dự liệu trước những thách thức trong hoạt động giáo dục thế hệ tương lai. Chỉ vài nước trên thế giới thể hiện tầm nhìn xa như Việt Nam.

Bộ GD&ĐT đặt ra kế hoạch dài hạn, luôn sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm từ các nền giáo dục hàng đầu thế giới để thực hiện thành công kế hoạch và sẵn sàng hỗ trợ tài chính. Năm 2010, chính phủ đầu tư 21% ngân sách vào giáo dục - tỷ lệ lớn so với các quốc gia thành viên của OECD.

Các nhà giáo dục cũng thiết kế chương trình giảng dạy theo hướng tập trung việc giúp học sinh đạt sự hiểu biết sâu sắc về những khái niệm cốt lõi và khả năng làm chủ kiến thức. Trong khi đó, học sinh tại hầu hết các nước châu Âu và Bắc Mỹ học theo chương trình dàn trải nhưng không sâu.

Học sinh Việt Nam vượt xa Mỹ về trình độ Toán, Khoa học

Mỹ chiếm vị trí 28 trong bảng xếp hạng về giáo dục Toán và Khoa học của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thấp hơn nhiều so với Việt Nam.

Không chỉ học vẹt

Theo Andreas Schleicher, nền giáo dục Việt Nam hướng học sinh ứng dụng kiến thức vào các tình huống trong cuộc sống, thay vì chỉ học thuộc nội dung từ sách giáo khoa. Ông ấn tượng với mức độ nghiêm khắc của các lớp học ở Việt Nam. Giáo viên thách thức học sinh bằng những câu hỏi khó, tập trung giảng dạy tốt một số kiến thức, tạo bầu không khí gắn kết trong lớp, nhằm giúp các em tiếp thu hiệu quả. 

Ngoài giảng dạy, các thầy cô giáo không ngừng tự học và tiếp thu kinh nghiệm từ đồng nghiệp để nâng cao kiến thức chuyên môn và khả năng truyền đạt kiến thức.

Việt Nam và Mỹ trong các kỳ thi quốc tế

Năm 2012, Việt Nam lần đầu tiên tham gia PISA và xếp thứ 17 về Toán, thứ 8 về Khoa học, thứ 19 về Đọc. Trong khi đó, một cường quốc như Mỹ chỉ xếp 36 về Toán, 28 về Khoa học và 23 về Đọc. 

Trong bảng xếp hạng dựa trên Toán và Khoa học do OECD công bố hồi tháng 5/2015, Việt Nam giành vị trí thứ 12, cao hơn nhiều so với vị trí 28 của Mỹ.

Trên thực tế, giáo viên môn Toán, đặc biệt tại các trường có điều kiện khó khăn, chú trọng đào tạo nghiệp vụ hơn so với đồng nghiệp ở các nước thành viên OECD.

Giải quyết tốt tình trạng học sinh bỏ học

Schleicher đánh giá cao giáo viên Việt Nam trong việc tạo môi trường học tập tích cực, đảm bảo kỷ luật trường học và giúp học sinh có thái độ học tập tốt. Sự khuyến khích từ phụ huynh cũng là yếu tố tích cực trong một xã hội coi trọng giáo dục và đức tính cần cù.

Ông cho rằng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng nể.

Tuy nhiên, giáo dục Việt Nam vẫn đối mặt thách thức khi 37% trẻ em ở độ tuổi 15 bỏ học hoặc chưa từng đến trường. Một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ là nỗ lực để toàn bộ trẻ em có thể học tập. Theo ông Schleicher, chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt trong việc tạo điều kiện để trẻ em khó khăn có cơ hội tiếp cận nền giáo dục.

Gần 17% học sinh nghèo trong độ tuổi 15 ở Việt Nam tham gia kỳ thi PISA thuộc nhóm 25% số người đạt điểm cao nhất với bài thi PISA. Con số này của các nước khác chỉ là 6%.

Tạo cơ hội ứng dụng kỹ năng

Đạt và duy trì chất lượng khó hơn tăng số lượng và Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để đảm bảo chất lượng, bên cạnh các cố gắng, nhằm mở rộng giáo dục đến tất cả trẻ em trên cả nước, Schleicher nhận định.

Kinh nghiệm từ các nền giáo dục hàng đầu thế giới cho thấy, chủ trương để các trường tự chủ hơn trong khâu thiết kế chương trình giảng dạy và kiểm tra thường mang lại hiệu quả giáo dục cao. Vì thế, ông cho rằng, Việt Nam nên cân bằng giữa sự lãnh đạo tập trung và môi trường học tập linh hoạt tại từng trường.

Theo chuyên gia này, để thu hồi vốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, Việt Nam phải thay đổi cả nguồn cung lẫn nhu cầu sử dụng các kỹ năng mà học sinh tiếp thu tại trường. 

OECD, PISA và câu chuyện giáo dục của Việt Nam

Thông tin Việt Nam đứng thứ 12 trong “bảng xếp hạng chất lượng trường học toàn cầu” của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gây nhiều ý kiến trái chiều cho dư luận.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm