Không thể coi đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế là toàn diện cho nền giáo dục, trong khi Việt Nam chỉ có một giải thưởng Fields và chưa ai được giải Nobel.
Trong các khảo sát khác, ví dụ PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế của OECD), họ đánh giá về Việt Nam khá tốt.
Tôi tin người Việt Nam giỏi Toán trong nhà trường. Khi lứa sinh viên chúng tôi sang Cộng hòa Dân chủ Đức học tập cũng được các bạn Đức khen giỏi Toán. Lý do là nói đến công thức Toán học, chúng tôi thuộc làu, không cần mở sách, trong khi, sinh viên Đức luôn phải tra cứu lại.
Tôi cũng được nghe câu “người Việt giỏi Toán” của một giáo sư Mỹ đến Hà Nội nói chuyện từ nhiều năm trước. Ông ấy nói: “Người Việt đến Mỹ trong những năm gần đây kém Toán hơn những người Việt đến Mỹ trước đây. Người Việt ở Mỹ càng lâu thì càng kém Toán”.
GS.TSKH Vũ Đình Hòa (bên phải) là thầy giáo của GS Ngô Bảo Châu. |
Tôi tin với tiêu chuẩn đánh giá nào chăng nữa, chắc chắn Việt Nam luôn được xếp loại khá. Tuy vậy, khó có thể nhìn vào các kết quả đánh giá này để nhận định chúng ta có nền giáo dục về Toán và Khoa học hơn hẳn các nước tiên tiến trên thế giới vì những điều sau:
Thứ nhất, học sinh Việt Nam giỏi Toán vì sự đầu tư của Nhà nước, nhà trường, gia đình và bản thân quá nhiều. Động lực của sự đầu tư đó vì Toán luôn được coi là môn chính trong giáo dục, thi cử. Hơn nữa, đầu tư cho môn Toán không cần phải có cơ sở vật chất như các ngành khoa học khác.
Nhờ sự đơn giản này, khi đất nước còn nghèo, chiến tranh, học Toán được quan tâm và đẩy mạnh, được coi là quốc sách hàng đầu trong giáo dục. Nó đã trở thành truyền thống trong giáo dục từ xưa. Cho đến ngày nay, nhà nước, nhân dân và nhà trường quan tâm đặc biệt để giữ gìn truyền thống đó.
Thứ hai, sự đánh giá của các tổ chức quốc tế chỉ thiên về một số tiêu chí nào đó, không thể coi toàn diện. Có đến 2 tổ chức quốc tế xếp hạng giáo dục Toán và Khoa học của Việt Nam trên nước Mỹ. Nhưng thành tích của đội tuyển IMO (Olympic Toán học quốc tế) của Mỹ vẫn là thành tích khó vượt qua của thế giới (gần như đứng vững ở vị trí thứ 3 sau Trung quốc và ngang ngửa với Nga). Trong khi Việt Nam chúng ta vẫn phải chiến đấu năm được, năm không, giành chỗ đứng trong 10 nước xếp hạng đầu IMO.
Thứ ba, những đánh giá của các tổ chức quốc tế, các kỳ thi quốc tế chỉ phản ánh phần nào năng lực Khoa học và Toán học của đất nước và con người. Ví dụ như Israel, kết quả thi Toán quốc tế IMO của họ khá khiêm tốn. Thành tích tốt nhất của họ trên lĩnh vực này còn kém hơn thành tích kém nhất của đội tuyển Việt Nam. Nhưng họ có rất nhiều giải thưởng Fields và Nobel. Trong khi đó, Việt nam có một giải thưởng Fields và chưa ai được giải thưởng Nobel cả.
Những xếp hạng đánh giá trên và thành tích của học sinh Việt Nam trong các kỳ thi quốc tế là những dấu hiệu tốt cho thấy chúng ta có tiềm lực về Toán và Khoa học. Tuy vậy, việc giáo dục và sử dụng con người là chủ đề đáng bàn đến nghiêm túc. Bởi Việt Nam chưa phải cường quốc khoa học kỹ thuật, chưa có công trình khoa học nào được coi là cống hiến xứng đáng cho nhân loại.
PGS.TSKH Vũ Đình Hòa (sinh năm 1955 tại Hà Nội) là người đầu tiên đoạt Huy chương bạc Toán quốc tế năm 1974. Ông cũng là người thầy đã truyền tình yêu Toán học từ thời thơ bé cho GS Ngô Bảo Châu, sau này giành giải thưởng Fields danh giá nhất về Toán học.
Phương pháp dạy cơ bản nhất của PGS Vũ Đình Hòa dành cho Ngô Bảo Châu và học trò là khơi dậy khả năng tự làm việc của mỗi người.
PGS.TSKH Vũ Đình Hòa từng học tại Đại học Tổng hợp Greifswaid (Cộng hòa Dân chủ Đức). Ông là một trong số những nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam phát triển những lý thuyết, đặt nền móng cho ngành CNTT ở Việt Nam phát triển.
Năm 1996, ông Vũ Đình Hòa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học. Trong nhiều năm liền, ông là trưởng đoàn dẫn đội tuyển Toán Việt Nam dự thi Olympic quốc tế. Trong đó, năm 2012, PGS giúp 6 học sinh dự thi đều đoạt giải, đưa đoàn Việt Nam trở lại vị trí top 10 thế giới sau nhiều năm.
Ông là giám đốc của Trung tâm FYT (Trung tâm Bồi dưỡng Tài năng trẻ FPT). Đây được coi là ngôi nhà chung cho tài năng trẻ của ngành CNTT.