Thực phẩm chức năng, thuốc, sữa... thường được nhiều KOL quảng cáo khá nhiều trên mạng xã hội. Ảnh: Việt Linh. |
Thông tin trên được PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, chia sẻ ngày 25/4 tại hội thảo "Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong quản lý thực phẩm chức năng trên địa bàn TP.HCM năm 2024".
Theo PGS Phong Lan, trong những năm gần đây, tình hình người dân sử dụng thực phẩm chức năng đang bùng nổ, để đáp ứng nhu cầu đó xuất hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối. Mặc dù đi sau thế giới, ngành thực phẩm chức năng lại đi rất nhanh, dẫn đến việc sản xuất, mua bán và quảng cáo gặp rất nhiều vấn đề.
Trong đó, nổi cộm là vấn đề sản xuất, quảng cáo và kinh doanh thực phẩm chức năng. PGS Phong Lan phân tích, thực phẩm chức năng là tên gọi bao gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học.
Theo quy định, thực phẩm chức năng phải được sản xuất, nhập khẩu đạt GPM (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt). Nhưng có sản phẩm mang tiếng là thực phẩm chức năng nhưng sản xuất bằng công nghệ xô, chậu.
"Họ mua vỏ viên nang về, trộn trộn và quay quay nguyên liệu cho vào là xuất xưởng. Không ai dám khẳng định tất cả thực phẩm chức năng trên thị trường đều đạt chuẩn GMP", bà Lan nói.
Song song đó, bà Lan cho hay hiện nay chưa có quy định nào cấm bán thực phẩm chức năng trong chợ hay trên sàn thương mại điện tử. Điều này dẫn đến việc người dân dễ nhầm lẫn thực phẩm chức năng với thuốc.
Về vấn đề quảng cáo, PGS Phong Lan cho biết các cơ quan nhà nước rất "đau đầu" trong việc quản lý. Việc quảng cáo thực phẩm chức năng trên không gian mạng đang rất bát nháo, thổi phồng công năng và khẳng định chữa khỏi tất cả các loại bệnh.
"Họ quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng còn hơn cả thuốc, chữa bách bệnh", bà Lan nhấn mạnh.
Không chỉ dừng lại ở các quảng cáo như "nhà tôi ba đời chữa bệnh", các cơ sở này còn dùng hình ảnh của người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng, nghệ sĩ để tạo niềm tin cho người dân.
Ông Nguyễn Thanh Hòa, Trưởng phòng Thông tin truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết có trường hợp còn cắt ghép hình ảnh PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, quảng cáo cho một loại thực phẩm chữa mắt.
"Sở Thông tin và Truyền thông đánh sập trang này, thì trang khác lại mọc lên. Tình trạng buôn bán thực phẩm chức năng trên mạng xã hội rất phức tạp", ông Hoà cho hay.
Bên cạnh đó, chế tài đối với nội dung phát sóng trực tiếp livestream chưa được quy định cụ thể, khiến tình trạng bán thực phẩm chức năng trên nền tảng này càng phức tạp, khó quản lý.
Trong nhiều năm hành nghề y và từng giữ chức trưởng khoa dinh dưỡng của một bệnh viện lớn, tác giả Hạ Manh đã điều trị hơn 10.000 ca bệnh liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh. Cuốn sách "Ăn chuẩn ít bệnh" (tập 1) được viết ra từ những kinh nghiệm chuyên môn của vị bác sĩ này, nó sẽ mang đến cho người bệnh những kiến thức hữu ích về dinh dưỡng, để xây dựng chế độ ăn hợp lý.