Từ ngày 7/12, Bộ Y tế Singapore ngưng gửi thông cáo báo chí về số liệu thống kê ca mắc Covid-19 hàng ngày, nhưng thông tin vẫn có trên trang web của bộ.
Trước lo ngại điều này sẽ khiến người dân chủ quan trong việc phòng chống dịch, phó giáo sư Alex Cook - Phó hiệu trưởng (nghiên cứu) Trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock, thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) - cho biết động thái trên gần như không ảnh hưởng đến tâm lý người dân.
“Dữ liệu vẫn được thu thập để phục vụ cho việc hoạch định chính sách. Người dân Singapore cũng cho thấy họ luôn tuân thủ bất cứ biện pháp hạn chế nào được chính phủ áp đặt”, chuyên gia nói với Zing.
“Các con số vẫn được ghi nhận và chia sẻ, vì vậy, động thái của Singapore hoàn toàn không tác động đến nỗ lực nghiên cứu về Covid-19 và thống kê số lượng ca nhiễm trên toàn thế giới”, giáo sư Teo Yik-Ying - Hiệu trưởng Trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock, thuộc NUS - chia sẻ.
Bước đi mới phần nào cho thấy sự tự tin của Singapore trong tiến trình sống chung với Covid-19, dù biến chủng Omicron xuất hiện và chưa có dữ liệu đầy đủ để đánh giá.
Biến chủng Omicron khiến giới nghiên cứu quan ngại là bởi khả năng lây lan nhanh chóng và có thể né tránh hệ miễn dịch. Phó giáo sư Cook cho rằng nếu số ca bệnh nặng giảm bớt nhờ tiêm phòng, các quốc gia vẫn có thể đối phó với đặc tính lây lan nhanh chóng của Omicron.
“Trong mọi trường hợp, vẫn chưa rõ tình hình có khá hơn nếu chúng ta chờ đợi rồi mới nới lỏng các hạn chế, (bởi chờ đợi) không có nghĩa là Omicron sẽ biến mất”, ông nhấn mạnh. “Tỷ lệ tiêm chủng cao đã làm thay đổi bản chất của dịch bệnh Covid-19 năm 2020 thành một thứ có thể so sánh được với bệnh cúm”.
Phù hợp với chiến lược coi Covid-19 là bệnh đặc hiệu
Chia sẻ với Zing, giáo sư Teo khẳng định việc Singapore ngừng phát đi thông báo hàng ngày không ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu và thống kê tình hình dịch bệnh của thế giới. Những con số này vẫn tiếp tục được theo dõi và chia sẻ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Đồng tình với quan điểm trên, phó giáo sư Alex Cook cũng cho rằng việc này không có nhiều ảnh hưởng: “Dữ liệu vẫn được thu thập và tra cứu dễ dàng. Ngay cả khi không làm vậy, số liệu của Singapore vẫn rất nhỏ nên tác động đến báo cáo của thế giới không nhiều”.
“Tôi mong đợi ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới sẽ theo bước Singapore”, ông Teo nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Teo cho rằng việc giảm công bố ca mắc mới hàng ngày cũng phù hợp với chiến lược của Singapore trong việc coi Covid-19 là bệnh đặc hiệu như cúm và sốt xuất huyết, “những căn bệnh chúng ta không cần phải báo cáo số liệu hàng ngày”.
Ông Teo thừa nhận số ca nhiễm hàng ngày không bao gồm những người có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính, vậy nên con số này không thể phản ánh hết tình hình dịch bệnh của Singapore. Hiện tại, những người tự xét nghiệm có kết quả dương tính nhưng tình trạng sức khỏe ổn định không cần phải khai báo cho cơ quan chức năng Singapore.
Singapore có tỷ lệ tiêm chủng đạt 87% dân số. Ảnh: Singapore Press Holdings. |
“Tuy nhiên, với hơn 87% dân số được tiêm chủng đầy đủ, trong đó hơn 96% những người đủ điều kiện đã được tiêm ngừa, việc theo dõi số ca mắc mới hàng ngày là điều không cần thiết”, vị giáo sư cho biết. "Thay vào đó, chúng ta nên tập trung vào những ca nhiễm có triệu chứng và cần được chăm sóc y tế".
Theo phó giáo sư Cook, việc ngừng phát đi tin tức hàng ngày về Covid-19 là để giảm ưu tiên đưa tin về những biến động nhỏ hàng ngày trên phương tiện truyền thông.
Về việc liệu Singapore có nên tiếp tục thông báo số liệu hàng ngày, ông Teo cho biết “điều quan trọng vào thời điểm này là xác định những người tiêm chủng đầy đủ có được bảo vệ khỏi tình trạng bệnh nặng hay tử vong hay không”.
Nếu vaccine vẫn phát huy hiệu quả, cách tiếp cận phòng dịch với chủng Omicron sẽ tương tự Delta, bao gồm kết hợp tiêm chủng, liều tăng cường và miễn dịch tự nhiên, ông cho biết.
“Trong trường hợp chủng Omicron thực sự dẫn đến nguy cơ nhập viện và tử vong, thì các quốc gia, trong đó có Singapore, cần phải thay đổi cách tiếp cận coi Covid-19 như bệnh đặc hiệu”, ông Teo nói.
Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng về độc lực của Omicron. Theo ông, những dữ liệu sơ bộ còn chỉ ra rằng vaccine vẫn phát huy hiệu quả trước biến chủng mới.
Ông cũng nhấn mạnh ở thời điểm hiện tại, biến chủng Omicron dường như chưa lây lan rộng rãi trong cộng đồng ở Singapore.
Tỷ lệ tiêm chủng cao không có nghĩa với hệ thống y tế không quá tải
Theo giáo sư Teo, có 3 bước cần thực hiện để xử lý cuộc khủng hoảng sức khỏe về bệnh truyền nhiễm đang diễn ra.
Đầu tiên, quốc gia cần thực thi các biện pháp kiểm soát biên giới để giảm thiểu khả năng người nào đó mang mầm bệnh xâm nhập vào bên trong lãnh thổ. Tiếp theo, chính quyền cần đảm bảo có sự giám sát và theo dõi thận trọng tất cả hành khách nhập cảnh để nhanh chóng xác định người nhiễm virus, sau đó cách ly người mắc và tất cả người đã phơi nhiễm với mầm bệnh.
Giám sát tình hình trong cộng đồng nhằm phát hiện dấu hiệu lây lan virus để tăng cường các biện pháp y tế công cộng là bước cuối cùng trong thứ tự hành động.
“Singapore đã nhanh chóng đưa ra các phương án cho bước đầu tiên và bước thứ 2, để giảm thiểu hành động cần thiết ở bước thứ 3”, giáo sư Teo nhận định về điều đã giúp Singapore tự tin tiếp tục kế hoạch sống chung với Covid-19, ngay cả khi biến chủng mới xuất hiện và khoa học chưa hiểu hết tác động của Omicron.
Ông cũng cho rằng cần giám sát chặt chẽ tất cả hành khách đến, nhân viên tuyến đầu tại sân bay và các cơ sở cách ly nhằm giảm thiểu khả năng lây nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng.
Chuyên gia mong đợi Singapore tiếp tục nới lỏng thêm hạn chế. Ảnh: Straits Times. |
Về phía phó giáo sư Cook, ông nhận định tỷ lệ tiêm chủng cao là chìa khóa giúp Singapore theo sát kế hoạch mở cửa, trong khi nhiều nước khác chần chừ và chờ đợi do e ngại Omicron.
Ông cho biết trong những tháng tới, Singapore nên tiếp tục mở rộng chiến dịch tiêm liều vaccine tăng cường cho hầu hết người trưởng thành, cùng lúc bắt đầu chủng ngừa cho trẻ em tiểu học.
“Nhờ biện pháp này, nguy cơ mắc Covid-19 có triệu chứng nặng giảm đáng kể, giảm tới mức việc tiếp tục duy trì các hạn chế phòng dịch không còn nhiều lợi ích nữa”, ông cho hay.
Với tỷ lệ tiêm chủng cao như vậy, chuyên gia từ NUS cho rằng chính phủ Singapore có thể quyết liệt hơn nữa trong kế hoạch mở cửa trở lại, bất chấp năm mới sắp tới - khoảng thời gian nhiều người tụ tập ăn mừng.
Tuy nhiên, ông cũng nhận thấy cho tới nay, chính phủ Singapore vẫn khá thận trọng và có thể tiếp tục giữ vững lập trường đó cho tới khi các dữ liệu về Omicron rõ ràng hơn.
Giáo sư Teo nói thêm rằng bài học lớn nhất mà Singapore học được trong quá trình mở cửa là cần phải chuẩn bị để tránh cho hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải.
Với Delta và Omicron, kể cả người tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm bệnh và có khả năng nhỏ phải nhập viện. Vì vậy, ông nhấn mạnh nếu các quốc gia có ý định sống chung với Covid-19, “hệ thống chăm sóc sức khỏe cần sẵn sàng để chuẩn bị cho bất kỳ đợt gia tăng số ca nhập viện trong tương lai, nếu như vaccine không thể tới được mọi ngóc ngách của đất nước”.
Lây nhiễm tự nhiên, tiêm liều tăng cường, đeo khẩu trang hay hạn chế tụ tập xã hội vẫn là điều cần thiết nếu hệ thống y tế có dấu hiệu quá tải bởi “chỉ vì tỷ lệ bao phủ vaccine cao không có nghĩa hệ thống chăm sóc sức khỏe không gặp áp lực”, theo vị chuyên gia.