Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình gây bất bình cho xã hội'

Trong báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018, thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đề cập đến các vụ án Vũ "nhôm", Út "trọc" và gian lận thi cử...

Sáng 4/9, trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018 tại phiên họp toàn thể lần thứ 11 Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết, 10 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã triệt phá được hơn 40.000 vụ án hình sự.

Hoạt động của các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự có dấu hiệu phức tạp trở lại, có sự đan xen, gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường.

Tham nhũng vặt gây bức xúc cho người dân

Theo ông Vương, các băng nhóm tội phạm triệt để lợi dụng danh nghĩa các doanh nghiệp để hoạt động phạm tội. Lĩnh vực cho vay tài chính, hoạt động "tín dụng đen", kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, thậm chí là nhiều vụ giết người tàn bạo… diễn ra rất phức tạp tại nhiều tỉnh, thành.

Riêng tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế đã phát hiện hơn 16.000; 282 vụ phạm tội, vi phạm pháp lật về tham nhũng và chức vụ (tăng 27,03%).

Gian lan thi cu anh 1
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương. Ảnh: Vietnamnet.

"Do tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp, nạn tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực, tham nhũng vặt trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp", tướng Vương nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho hay qua các vụ án lớn đã xử lý, các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng, tạo ra các "nhóm lợi ích", hoặc móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo "sân sau", "công ty gia đình", dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án, thâu tóm đất công.

Đồng thời, nhóm đối tượng này cũng cho vay sai nguyên tắc, thế chấp vòng vo, rút tiền của Nhà nước, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố gần 1.250 vụ, 1.820 bị can phạm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (tăng hơn 68% vụ và 42% bị can so với cùng kỳ năm 2017); 264 vụ, 530 bị can phạm tội tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (tăng 27,54% vụ, 8,38% bị can).

Ngoài ra, các cơ quan chức năng đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, được người dân ủng hộ. Điển hình như vụ án Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Giang Kim Đạt, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ ( tức Vũ nhôm), Đinh Ngọc Hệ (tức Út trọc)…

Gian lận thi cử gây bất bình lớn cho xã hội

Vị Thứ trưởng thông tin thêm về công tác kê biên, thu hồi tài sản bị thiệt hại có chuyển biến tích cực, một số vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao. Từ năm 2017 đến nay, cơ quan chức năng thu hồi tài sản kinh tế gần 24.000 tỷ đồng (tăng 44,84%) và tài sản tham nhũng gần 2.700 tỷ đồng (đạt 38,76%).

Gian lan thi cu anh 2
Toàn cảnh phiên họp thứ 11 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội. Ảnh: Bảo Lâm.

Tội phạm trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước cũng diễn biến phức tạp, trong đó một số lĩnh vực có nhiều nguy cơ như ngân hàng, chứng khoán, quản lý đất đai, lĩnh vực thuế, hải quan… Lãnh đạo Bộ Công an cũng đề cập, trong lĩnh vực Y tế - Dược, có tình trạng trạng móc ngoặc nâng khống giá thuốc, thiết bị y tế.

"Vụ việc gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình đang điều tra, gây bất bình lớn cho xã hội. Cơ quan điều tra đã vào cuộc làm rõ, khởi tố vụ án, khởi tố nhiều bị can", thượng tướng Lê Quý Vương nói.

Cán bộ cấp cao cấu kết doanh nghiệp chiếm đoạt tài sản

Báo cáo tại phiên họp, Phó viện trưởng VKSND Tối cao Bùi Mạnh Cường cho rằng một số nhóm tội phạm được phát hiện khởi tố, tiếp tục tăng như tội phạm về tham nhũng, chức vụ (22,8%), tội phạm về ma túy (11,2%), tội phạm về trật tự xã hội (0,8%).

Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã khởi tố, trong đó có sự cấu kết giữa chủ doanh nghiệp và cán bộ cơ quan Nhà nước để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, có vụ án liên quan đến cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước.

"Các tổ chức phản động trong và ngoài nước lợi dụng triệt để việc Quốc hội thảo luận Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng đã tuyên truyền, kích động, lôi kéo người dân và các đối tượng hình sự tại nhiều địa phương biểu tình, gây rối trật tự công cộng, đập phá, hủy hoại tài sản của một số cơ quan Nhà nước", ông Bùi Mạnh Cường bày tỏ. 

Phiên tòa quân sự xét xử cựu thượng tá Út 'trọc' có gì đặc biệt?

Các thành viên HĐXX và đại diện VKS, thư ký tòa đều mặc quân phục. Nhiều lớp hàng rào an ninh được thiết lập tại phiên tòa.

Người thứ 6 bị khởi tố liên quan vụ sửa điểm thi THPT ở Sơn La là ai?

Ngoài 5 bị can bị khởi tố, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La khởi tố thêm bà Nguyễn Thanh Nhàn - Phó trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD&ĐT của tỉnh này.

Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm