Mong ngóng Tết là tâm lý chung của các bạn sinh viên những ngày này. Ảnh: Pexels. |
Mặc dù đã vào lớp khoảng 30 phút, trên giảng đường chỉ có vài sinh viên là chuyện thường những ngày cuối năm.
Hầu hết mọi người đều mang tâm lý nghỉ xả hơi, thư giãn sau kỳ thi kết thúc học kỳ căng thẳng. Nhiều bạn khác lại tận dụng những ngày cuối năm để làm thêm, đi tất niên, có bạn tranh thủ về quê sớm vì sợ tình trạng xe và người đông đúc, quá tải.
Giảng đường lác đác vài sinh viên
Mang tâm lý thảnh thơi, thư giãn sau một kỳ học, Dương Uyên (sinh viên năm cuối, ĐH Mở Hà Nội) chia sẻ hiện tại có lẽ là thời điểm rảnh nhất trong năm của nhiều sinh viên, khi mà nhiều người vừa hoàn thành xong kỳ thi học kỳ I.
Uyên cho biết 16/1 trường cô bắt đầu nghỉ Tết, nhưng hầu như sinh viên đều có dự định về quê sớm hơn một tuần, lớp học những ngày này vì thế cũng vắng hơn, chỉ còn lác đác vài bạn. Ngoài ra, cô nói tuần học cuối trước kỳ nghỉ, một số bạn xin giảng viên dời lịch sau Tết để về quê sớm.
"Đây cũng là thời điểm giữa học kỳ 2, đa phần hạn nộp deadline dài hạn là sau Tết nên chúng em không quá đặt nặng việc học lúc này, khoảng thời gian này ai cũng chỉ háo hức về quê thôi", nữ sinh chia sẻ với Zing.
Ngoài ra, cô kể không khí trong lớp trước kỳ nghỉ vì thế cũng chỉ xoay quanh chủ đề Tết, như mua đồ ở đâu đẹp, săn đồ trên mạng giá rẻ, rồi rủ nhau đi chụp ảnh. Nhiều bạn ngủ gục, mất tập trung, không mấy hào hứng với các bài giảng.
Còn Việt Anh (sinh viên năm hai, ĐH Giao Thông Vận Tải) nói mặc dù ít ngày nữa mới chính thức nghỉ Tết, không khí học tập ở lớp lúc này bắt đầu vắng hơn trước. Số sinh viên chăm chỉ đến lớp chỉ chiếm 30%.
Một số sinh viên tranh thủ về quê ăn Tết sớm để không bị kẹt tàu, xe. Ảnh minh họa: Hoàng Đại. |
Việt Anh kể có nhiều lý do khiến các bạn sinh viên "ngại" đến trường những ngày này. Trong đó, nhiều bạn mang tâm lý xả hơi sau thi, một số bạn tranh thủ đi mua đồ đạc, sắm sửa quần áo trước Tết vào ban ngày vì khá vắng vẻ, dễ lựa chọn.
Nhiều bạn lại tận dụng những ngày cuối năm để đi làm thêm, hay không ít sinh viên đến từ các tỉnh xa như Nghệ An, Hà Tĩnh xin thầy cô, tranh thủ về quê sớm để không bị kẹt tàu, xe.
Mặt khác, không khí Tết hay những buổi tiệc cùng bạn bè cuối năm cũng khiến nhiều bạn "ngó lơ" việc học. Thậm chí, một số sinh viên đã tính toán điều kiện nghỉ trong mức an toàn. Cụ thể theo quy định, trong quá trình đi học, sinh viên phải đảm bảo tối đa 80% số buổi học trên lớp. Vì vậy trong kỳ chưa có buổi nghỉ nào, họ vẫn nằm trong ngưỡng an toàn khi nghỉ 1-2 buổi.
Việt Anh cũng tự nhận mình từng trốn một số buổi học vì không nỡ từ chối những buổi liên hoan cuối năm với bạn bè.
"Lịch thi đã kết thúc hôm 24/12, chúng em mới bắt đầu sang học kỳ 2 nên chưa nhiều bài tập được giao, chủ yếu em đang tìm hiểu và làm quen với môn học mới nên tâm lý cũng thoải mái hơn chút", Việt Anh chia sẻ.
Mong ngóng Tết là tâm lý chung của các bạn sinh viên những ngày này. Không trốn tiết như một số bạn sinh viên khác, Thùy Dung (sinh viên năm nhất, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội) thừa nhận khi đi học những ngày giáp Tết, cô thấy không tập trung, thậm chí lười học hơn.
Đây là cái Tết sinh viên đầu tiên và cũng là lần đầu Dung xa gia đình lên thành phố học. Với nữ sinh, ngoài tâm lý xả hơi sau thi, cô còn háo hức khi sắp trở quê sau một thời gian dài học tập.
"Không khí Tết ngoài đường khiến việc học của em phân tâm ít nhiều, có lẽ việc mong ngóng giây phút về quê với gia đình càng khiến em không hào hứng khi đến lớp", Dung chia sẻ.
Lấy lại tinh thần sau Tết
Với tâm lý mong chờ Tết, những ngày này, phần lớn sinh viên đều cảm thấy mất tập trung, thậm chí không hứng thú với các bài giảng. Dù vậy, tâm lý lơ là sẽ không kéo dài lâu, nhiều bạn cho rằng sau Tết là thời điểm sẽ lấy lại tinh thần, tạo động lực học tập để đạt kết quả tốt trong năm mới.
Việt Anh sẽ lấy lại tinh thần học tập sau Tết và cố gắng đạt được kết quả cao trong năm mới. Ảnh: NVCC. |
Những ngày này, Việt Anh cho rằng để tạo hứng thú cho các buổi học, bên cạnh bài giảng, các thầy cô hay chia sẻ, cho sinh viên thảo luận các chủ đề Tết.
Câu chuyện về những ngày Tết là những chủ đề lớn cho những thời khắc cuối năm, điều này khiến họ không có cảm giác nhàm chán, uể oải sau mỗi giờ học.
Mặt khác, hiểu tâm lý sinh viên thời điểm này, nhiều thầy cô không quá nghiêm khắc, tạo tinh thần thoải mái cho các bạn sinh viên.
Bên cạnh đó, Việt Anh hiểu rằng kỳ nghỉ kết thúc là lúc bản thân phải bước ra những thói quen cũ, tạo nhịp sống mới cho bản thân, đặc biệt trong học tập.
Cậu bạn cũng lên kế hoạch học thêm ngoại ngữ, đạt điểm cao các môn và giành được học bổng khi sang học kỳ mới.
Đối với Dương Uyên, vướng lịch làm thêm nên cô chấp nhận về quê muộn hơn, nữ sinh cũng đang đếm ngược ngày được nghỉ để trở về nhà sau một năm dài học tập, làm việc vất vả.
Ra Tết khi quay trở lại học tập, Uyên đặt mục tiêu ra trường đúng hạn và kiếm tìm một công việc mới, đúng chuyên ngành. Cô bạn mong muốn sang năm mới mọi thứ sẽ tốt hơn, còn bây giờ là thời gian Uyên cho phép bản thân được nghỉ ngơi, thư giãn.
Hiện tại nữ sinh vẫn duy trì, hoàn thành đúng thời hạn nộp bài tập, ra Tết cô bắt đầu làm đồ án hết môn và lên kế hoạch cho việc tốt nghiệp sau 1-2 tháng.
"Các lịch trình ôn tập, làm đề và luyện thi sau Tết mình vẫn cố gắng đảm bảo đúng tiến độ", Uyên nói.
Sau Tết, Thùy Dung sẽ lên "dây cót" tinh thần, xây dựng kế hoạch học tập chi tiết. Ảnh: NVCC. |
Quan niệm mỗi năm chỉ có một dịp Tết để trở về sum họp gia đình. Vì vậy, Thùy Dung mong muốn về sớm để được ở cạnh người thân lâu hơn.
Nhà cách trường gần 300 km nên từ khi nhập học đến nay, Dung mới về thăm gia đình 2 lần.
Tết này, cô bạn tranh thủ về nhà nhằm giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa đón năm mới. Bên cạnh đó, nữ sinh cũng tránh được vé xe đắt đỏ hay tình trạng chen lấn, xô đẩy, nhồi nhét trên xe những ngày giáp Tết.
Giống Việt Anh và Dương Uyên, không mang tâm lý bỏ bê học tập sau Tết, Thùy Dung xác định sau khi quay trở lại học tập, cô cũng đặt ra cho mình một số mục tiêu khi bắt đầu học kỳ mới.
Dung cho biết sau Tết, bản thân sẽ lên "dây cót" tinh thần, xây dựng kế hoạch học tập chi tiết khi còn là năm nhất, tham gia nhiều hơn các hoạt động tập thể để trau đồi kiến thức, tạo thêm cơ hội.
"Mới năm nhất nên em cần cố gắng hơn nữa trong các học kỳ tiếp theo, hy vọng sang năm mới mọi thứ đều thuận lợi, đạt nhiều kết quả tốt", Dung chia sẻ.
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu những lựa chọn dưới đây.
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.