Một số giảng viên các trường đại học cho rằng quy định diện tích làm việc cho mỗi giảng viên, giáo sư không thể nâng cao chất lượng đào tạo của trường đại học nhưng lại góp phần đẩy học phí lên cao, gây lãng phí.
Giáo sư phải có 24 m2, giảng viên 10 m2
Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo thông tư quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD&ĐT để lấy ý kiến đến ngày 30/11.
Theo đó, dự thảo thông tư có quy định mỗi cơ sở đào tạo phải có tối thiểu một hội trường với quy mô từ 250, 200, 100 chỗ trở lên. Số phòng học, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, xưởng/trại thực hành đáp ứng quy mô, chuyên ngành đào tạo của cơ sở giáo dục đó.
Thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: NVCC. |
Mỗi trường phải có tối thiểu một thư viện, một ký túc xá và có khu hoạt động thể chất với diện tích chuyên dùng cho các hạng mục công trình thể thao được xác định theo tiêu chuẩn hiện hành cho từng môn. Có tối thiểu một nhà thể thao đa năng.
Đáng chú ý, dự thảo thông tư có đề cập quy định diện tích nơi làm việc của giáo sư phải là 24 m2, phó giáo sư 18 m2, giảng viên chính và giảng viên 10 m2. Ngoài ra, các trường phải có phòng nghỉ cho giảng viên. Cứ mỗi 20 phòng học phải có một phòng nghỉ với diện tích chuyên dùng là 3 m2/giảng viên, diện tích không nhỏ hơn 24 m2/phòng.
Thông tư áp dụng đối với các đại học, học viện, trường đại học, viện nghiên cứu khoa học đào tạo trình độ tiến sĩ; trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm, cao đẳng có nhóm ngành đào tạo giáo viên trong hệ thống giáo dục quốc dân và các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan.
Đặc biệt, các quy định tiêu chuẩn, định mức theo dự thảo này sẽ chỉ áp dụng với những dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp sau ngày thông tư chính thức có hiệu lực.
"Chuyện trên trời"
Ngay sau khi đọc dự thảo, nhiều giảng viên nói rằng đây là "chuyện trong mơ", "trên trời". Theo một số giảng viên, những quy định về diện tích nơi làm việc cho giảng viên, giáo sư, phó giáo sư là tốt nhưng thực tế không có tính khả thi.
Trao đổi với Zing.vn, thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên khoa Luật, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), nói thẳng đây là quy định "trên trời" và buồn cười.
Ông Quang cho biết nhiều giảng viên của các trường đại học công lập lớn hiện nay vẫn không có được cái bàn để ngồi làm việc ở khoa, thua cả một nhân viên văn phòng ở các công ty, doanh nghiệp. Nhưng họ không có ý muốn và cũng không có ý định kêu ca, phàn nàn về điều đó.
Bởi đơn giản, sinh viên và giảng viên vẫn đang thiếu thốn những cái rất cơ bản và quan trọng hơn như phòng thí nghiệm, dụng cụ thực hành, nhà thể dục thể thao, phòng ăn... Những vấn đề rất thiết thực và phục vụ cho đông người nhất, Bộ GD&ĐT nên ưu tiên hoàn thiện trước.
PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng khoa Cơ khí - Chế tạo máy, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cũng cho rằng quy định cụ thể diện tích làm việc của giảng viên đến từng mét vuông là không hợp lý.
Bây giờ là thời đại kỷ nguyên số, giảng viên, giáo sư có thể làm việc ở bất cứ đâu, không nhất thiết là phòng riêng biệt. Đầu tư xây dựng phòng làm việc sẽ tốn diện tích, tốn chi phí nhưng lại không hiệu quả, gây lãng phí lớn.
PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh
"Dù là giáo sư, phó giáo sư hay giảng viên, họ cũng chỉ cần phòng thí nghiệm, còn nơi làm việc thì nên chung. Bây giờ là thời đại kỷ nguyên số, giảng viên, giáo sư có thể làm việc ở bất cứ đâu, không nhất thiết là phòng riêng biệt. Đầu tư xây dựng phòng làm việc sẽ tốn diện tích, tốn chi phí nhưng lại không hiệu quả, gây lãng phí lớn", ông Thịnh nêu quan điểm.
Theo ông Thịnh, Nhà nước quy định giáo sư hay phó giáo sư hoặc giảng viên đều phải thực hiện 2.170 tiết dạy/năm. Công việc chủ yếu của họ là giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ. Giảng dạy thì trên lớp hoặc trong các phòng bộ môn, chuyên môn. Việc tách rời mỗi người một không gian riêng là không phù hợp với tình hình hiện nay.
Tương tự, một thạc sĩ là giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, nên đầu tư xây dựng không gian chung, không gian mở để nhiều người có thể cùng làm việc hơn là không gian riêng dành cho giảng viên, giáo sư.
"Thay vì xây phòng làm việc riêng, phòng nghỉ ngơi, Bộ GD&ĐT nên ưu tiên cung cấp đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và nghiên cứu cho giảng viên và sinh viên", thạc sĩ này nói.
Chi phí đổ lên đầu sinh viên?
Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT, việc quy định cụ thể diện tích làm việc cho giáo sư, giảng viên trường đại học là không hợp lý. Nếu quy định này được thông qua, chi phí đầu tư xây dựng lại đổ lên đầu sinh viên. Để có chi phí xây dựng, đầu tư, các trường buộc phải tăng học phí.
Chung quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh cho hay kinh phí đầu tư xây phòng làm việc cho đội ngũ giảng viên các trường đại học khá lớn. Trong khi, các trường đại học lại đang hướng tới tự chủ. Như vậy, những khoản đầu tư tài chính để xây dựng phòng làm việc như trên sẽ đưa vào học phí của sinh viên và những khoản đầu tư khác.
"Ngay cả việc đầu tư phòng ốc như vậy liệu có tăng thứ hạng của các trường đại học lên không? Không hề tăng! Việc thứ hạng của trường đại học được đánh giá trên công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Chúng ta nên quy định tùy theo khả năng cống hiến, tùy học hàm, học vị, khả năng nghiên cứu khoa học mà xây dựng các phòng nghiên cứu hay phòng thí nghiệm nhằm đáp ứng khả năng cống hiến của các giảng viên hơn là xây dựng không gian làm việc riêng cho họ", ông Thịnh kiến nghị.
Tự đặt ra quy định?
Đặt câu chuyện quy định diện tích làm việc của giảng viên dưới góc độ pháp luật, thạc sĩ Lưu Đức Quang cho rằng đội ngũ xây dựng luật và văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GD&ĐT quá kém.
“Người làm luật mang tư duy cục bộ, tùy tiện, không có tính hệ thống. Đã xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nghĩa là chúng ta phải tính đến tính khả thi. Chúng ta xây dựng luật để làm cuộc sống tốt đẹp hơn chứ không phải đưa ra những quy định rối rắm, bế tắc như thế. Nếu đây là văn bản mang tính kêu gọi, động viên các trường đại học hỗ trợ giảng viên thì không có gì để nói”, thạc sĩ Quang nêu quan điểm.
Cụ thể, giảng viên ĐH Kinh tế - Luật này cho hay việc đưa ra quy định về diện tích chỗ làm việc của giảng viên, giáo sư trong trường đại học cần kết hợp với nhiều bộ, ban ngành khác và cần cái nhìn mang tính hệ thống.
Bộ GD&ĐT phải cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét trường đại học còn quỹ đất để mở rộng hay không; kết hợp Bộ Tài chính để xem xét nguồn kinh phí xây dựng ở đâu. Nếu quỹ đất không còn để mở rộng thì buộc phải nâng tầng. Như vậy, bộ phải kết hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư xem khu vực trường đại học đó có vướng quy hoạch, có được phép nâng tầng hay không.
"Nói vậy để thấy rằng việc xây dựng văn bản pháp luật, đưa ra bất cứ quy định nào cũng phải tính đến sự vận hành của cả hệ thống. Không phải mạnh bộ nào bộ nấy đưa ra quy định", ông Quang nói.