Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giành giật sự sống cho sản phụ F0 ở tuyến cuối điều trị Covid-19

Mỗi lần cùng sản phụ F0 vượt cửa tử, bác sĩ Chung và các đồng nghiệp đều nỗ lực hết mình để giúp họ sớm đoàn tụ với con nhỏ, gia đình.

Bác sĩ Phan Văn Chung (sinh năm 1982) làm việc tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện C Đà Nẵng. Hiện anh đang điều trị cho các F0 ở Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện dã chiến số 14 (quận Tân Phú, TP.HCM).

Cách đây một tháng, kíp của tôi tiếp nhận một sản phụ mắc Covid-19 vừa sinh con khoảng 2 ngày. Trước đó, trường hợp này đã được đặt ống suy hô hấp khi điều trị ở Bệnh viện Từ Dũ. Lúc chuyển qua đây, bệnh nhân ở trong tình trạng nguy kịch, phổi bị tổn thương rất nặng.

Tôi và đội ngũ phải tiến hành lọc máu ngay trong đêm. Trong quá trình chữa trị, F0 này từng bị ngưng tim 2 lần, chúng tôi tiếp tục cấp cứu hồi sinh tim phổi.

Sau khi kết thúc lọc máu, tôi làm thủ thuật khai khí quản cho bệnh nhân. Hiện sản phụ đã thoát khỏi cơn nguy kịch, tinh thần hoàn toàn ổn định, có thể tự thở, không cần dùng đến máy.

Thời gian sắp tới, cô sẽ được chuyển từ tầng hồi sức xuống khu bệnh nhẹ để theo dõi thêm.

Theo tôi được biết, cô gái này còn khá trẻ, chỉ mới 22 tuổi và đã sinh cháu thứ 3. Cả hai vợ chồng đều làm công nhân nên điều kiện kinh tế khá khó khăn.

Gianh giat su song cho san phu F0 o tuyen cuoi dieu tri Covid-19 anh 1

Bác sĩ Chung đã 2 lần vào tâm dịch "chia lửa" cùng đồng nghiệp.

Đây là một trong những ca thành công từ cõi chết trở về mà tôi ấn tượng nhất. Cho đến nay, Trung tâm Hồi sức tích cực tại Bệnh viện dã chiến số 14 đã tiếp nhận khoảng 5-6 sản phụ nhiễm Covid-19 với tiên lượng nặng.

Điều trị cho những trường hợp này phức tạp hơn bệnh nhân thường vì tỷ lệ sống rất thấp. Đa phần bà mẹ F0 hay gặp vấn đề sinh non từ tuần thứ 28-30. Ít ai chuyển dạ đúng thời điểm dự sinh là 35-39 tuần.

Vì muốn tốt cho con, họ thường kéo dài thời gian để em bé phát triển trong bào thai mẹ. Do vậy, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng phổi loét, bụng to lên dẫn đến khó thở, đội ngũ y tế lúc đó phải đứng trước lựa chọn khó khăn là cứu con, hy sinh mẹ.

Mỗi lần giúp sản phụ F0 vượt cửa tử, chúng tôi đều nỗ lực hết mình vì biết rằng đằng sau những giây phút giành giật sự sống là khoảnh khắc các thiên thần nhỏ đang chờ mẹ trở về.

Tuyến cuối điều trị bệnh nhân Covid-19

Tính đến hiện tại, tôi đã vào TP.HCM “chia lửa” với các đồng nghiệp hơn 2 tháng. Ở đây làm việc theo mô hình 2 ca, 3 kíp. Mỗi ca kéo dài 12 tiếng liên tục, chia theo ngày và đêm.

Trước khi vào công việc, tôi phải đến sớm 30 phút để nghe kíp trước bàn giao tình hình. Sau đó, tôi và cả team sẽ đi tour lại một vòng để đánh giá tổng quan, lọc ra bệnh nhân cần chăm sóc kỹ trong ngày.

Làm việc ở khu vực hồi sức, nhiệm vụ chủ yếu của các bác sĩ là theo dõi và cấp cứu.

Mỗi ngày, chúng tôi tiếp nhận trung bình 20-30 bệnh nhân từ các bệnh viện dã chiến và cơ sở y tế tuyến huyện chuyển lên. Vì là tuyến cuối, đa số F0 vào đây đều có triệu chứng nặng và nguy kịch.

Gianh giat su song cho san phu F0 o tuyen cuoi dieu tri Covid-19 anh 2

Trung tâm hồi sức tích cực tại Bệnh viện dã chiến số 14 được phân theo 3 tầng điều trị: nguy kịch, bệnh nặng và thoát hồi sức, chuẩn bị ra viện.

Trong số các trường hợp, chúng tôi đặc biệt lưu tâm đến sản phụ, người trẻ và thiếu nhi. Với đối tượng trẻ, họ thường có ít bệnh nền, sức sống mạnh mẽ và khả năng cứu chữa cao hơn. Ngoài ra, họ còn là những người đang trong độ tuổi lao động, phải gánh vác trách nhiệm gia đình như nuôi nấng cha mẹ già và con nhỏ.

Nhìn chung, tùy theo mức độ tiên lượng, chúng tôi phải cố gắng vận dụng chuyên môn của mình để điều trị cho tất cả bệnh nhân.

Ngoài đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, thứ khiến tôi và các đồng nghiệp ám ảnh không kém là âm thanh phát ra từ các thiết bị y tế, tiếng xe đẩy, còi cấp cứu, tiếng loa, bộ đàm và cả tiếng nói chuyện của hàng nghìn con người cả ngày lẫn đêm.

Cái chết không dấu hiệu

Một trong những điều đáng sợ nhất với các y, bác sĩ tuyến cuối là sự ra đi đột ngột của bệnh nhân. Không ít lần tôi cảm thấy bất lực khi chứng kiến người bệnh chết trên tay mình trong phòng cấp cứu. Ở nơi lằn ranh sinh tử mỏng manh, cái chết không dấu hiệu có thể đến với bất kỳ ai đang điều trị tại đây.

Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí nặng hơn là nhồi máu cơ tim, tắc mạch máu trong phổi.

Trong bệnh viện dã chiến, tôi cảm nhận rõ tính mạng con người thật nhỏ bé. Ở đây không phân biệt nam - nữ, giàu - nghèo, khỏe mạnh hay yếu đuối, khi phổi đã bị tổn thương, tất cả đều nguy kịch như nhau.

Gianh giat su song cho san phu F0 o tuyen cuoi dieu tri Covid-19 anh 3

Các bệnh nhân được chuyển đến tuyến cuối thường có tiên lượng nặng, nguy kịch.

Trên thực tế, quá trình virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể rất khó lường, gây nên rối loạn chức năng của các cơ quan.

Với tốc độ diễn biến nhanh, Covid-19 không cho chúng tôi thời gian để sửa chữa hay kiềm nó lại. Những phương pháp điều trị hiện tại chỉ mang tính chất hỗ trợ, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân chứ chưa có thuốc đặc trị hiệu quả với nCoV.

Khi bệnh nhân chuyển nặng, chúng tôi sẽ tìm mọi cách để cứu chữa nhưng nhiều khi cũng “lực bất tòng tâm”. Đây thực sự là một cuộc chiến dài hạn đối với những người làm trong ngành y như chúng tôi.

Ấm áp tình người

Trước khi vào hỗ trợ cho TP.HCM, tôi từng làm trưởng đoàn chi viện cho tỉnh Bắc Giang khoảng 1 tháng. Từ lúc Sài Gòn trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước, lực lượng tuyến đầu phải tăng cường năng suất làm việc lên 300-500% so với thời điểm trước.

Mặc đồ bảo hộ cả ngày, tôi không tránh khỏi cảm giác khó chịu, vướng víu trong quá trình chăm sóc bệnh nhân.

Thương nhất là các bạn bị cận, mồ hôi thoát ra cộng với hơi thở làm mù cả tấm kính chống giọt bắn, khiến họ vừa ngột ngạt vừa khó đi lại. Song khi đã thích nghi với điều đó, tinh thần của mọi người cũng thoải mái, dễ thực hiện nhiệm vụ hơn.

Nhìn lại cả hành trình, có lẽ khoảnh khắc đọng lại sâu trong tâm trí tôi nhất là được cùng các đồng nghiệp từ khắp mọi miền đất nước đứng trên một chí tuyến để chiến đấu với dịch bệnh.

Ở nơi ranh giới sinh tử khắc nghiệt, tình cảm ấm áp của mọi người đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh và năng lượng. Chúng tôi có chung một niềm hạnh phúc là cứu được bệnh nhân từ cõi chết trở về.

Tôi hy vọng đây là lần cuối trong sự nghiệp phải đi chi viện. Điều đó đồng nghĩa với việc dịch bệnh đã được đẩy lùi và cuộc sống bình thường trở lại.

TNV ở TP.HCM: 'Ca trực 10 tiếng, toàn thân rã rời, sống lưng nhức mỏi'

Đối mặt với hàng chục tình huống éo le xen lẫn những câu chuyện xúc động mỗi ngày, nhiều bạn trẻ vẫn giữ sự nhiệt huyết sau một thời gian tham gia đội tình nguyện của thành phố.

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm