Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

TNV ở TP.HCM: 'Ca trực 10 tiếng, toàn thân rã rời, sống lưng nhức mỏi'

Đối mặt với hàng chục tình huống éo le xen lẫn những câu chuyện xúc động mỗi ngày, nhiều bạn trẻ vẫn giữ sự nhiệt huyết sau một thời gian tham gia đội tình nguyện của thành phố.


Nhung nguoi tre sat canh cung luc luong tuyen dau anh 1

Kể từ khi TP.HCM kêu gọi người trẻ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, hàng nghìn tình nguyện viên từ các quận, huyện đã đăng ký tham gia với mong muốn góp sức vào cuộc chiến đẩy lùi Covid-19.

Nhiều người trong số đó đã xung phong từ những ngày đầu tiên và dự định hỗ trợ đến khi cuộc sống bình thường trở lại.

Zing trò chuyện với 4 bạn trẻ đến từ những đội hình khác nhau để ghi lại câu chuyện của họ sau nhiều tháng tham gia chống dịch.

Hồ Đậu Phương Trinh (22 tuổi, huyện Bình Chánh)

Tôi bắt đầu tham gia phòng, chống dịch từ tháng 5/2021. Hiện tôi đang làm việc trong đội lấy mẫu cộng đồng tại phường 13, quận Bình Thạnh. Trước đó, tôi được giao nhiệm vụ: nhập liệu, hỗ trợ tiêm vaccine, trực chốt cách ly, phát lương thực cho các hộ gia đình trong khu phong tỏa.

Mỗi ca trực kéo dài 4-5 tiếng, tùy theo tình hình nhân sự. Thông thường, tôi nhận khoảng 2 ca. Kể từ khi gia nhập đội tình nguyện, một ngày của tôi bắt đầu lúc 7h, sau khi tập trung ăn sáng cùng mọi người, tôi nhận các dụng cụ cần thiết rồi chia nhau làm việc.

Tôi vẫn nhớ như in lần đầu mặc đồ bảo hộ. Chỉ chạy vài vòng là mồ hôi túa ra nhễ nhại, cảm giác nóng hầm hập xen lẫn sự tập trung cao độ khiến tôi và các bạn không ít lần kiệt sức.

Song mọi mệt mỏi được xua tan khi chúng tôi được tiếp thêm năng lượng từ các y, bác sĩ và người dân.

Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là được anh chủ salon cắt tóc miễn phí. Anh cắt rất cẩn thận và đẹp dù không đủ đồ nghề. Bên cạnh đó, tôi còn có những đồng đội sẵn sàng chạy qua hỗ trợ lẫn nhau khi cần để kịp tiến độ. Thấy tôi đi chống dịch, anh sếp và một số bạn bè của tôi cũng đăng ký tham gia.

Khi làm nhiệm vụ lấy mẫu cộng đồng, tôi và cả nhóm chỉ lo thời tiết thất thường, không thể tách các ca F0 ra khỏi cộng đồng ngay. Nếu mưa quá to, chúng tôi buộc phải rút quân để không hư bộ test cũng như đảm bảo sức khoẻ cho toàn đội.

Thời gian đầu, tôi đăng ký âm thầm mà không cho gia đình biết. Sau khi đi 2 tuần thì ba mẹ phát hiện, may mắn là tôi được cả nhà ủng hộ.

Vì công việc nguy hiểm, tôi đã dọn ra phòng trống của một người quen để tránh ảnh hưởng đến gia đình.

Tính đến nay, tôi đã xa nhà 3 tháng. Nói thật là tôi nhớ ba mẹ nhiều lắm, chỉ mong sao hết dịch để về nhà ăn cơm và ôm họ thật lâu.

Lê Minh Trí (20 tuổi, quận 1)

Trước khi tham gia đội vận chuyển oxy tại một bệnh viện điều trị Covid-19, tôi từng hỗ trợ dọn dẹp ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, điều phối lấy mẫu, tiêm vaccine và trực chốt giao thông.

Đúng 7h, tôi đến điểm tập trung theo sự phân công rồi vào khu điều trị để chuyển oxy đầy tới các khoa, kéo vỏ về nơi tập kết, kiểm tra và thay bình cho bệnh nhân. Các khâu diễn ra liên tục đến tận tối.

Nhóm của tôi có khoảng 4-5 người, do số lượng người bệnh đông nên công việc khá vất vả.

4 tháng tham gia chống dịch, tôi gặp hàng trăm tình huống éo le xen lẫn những câu chuyện xúc động. Hồi còn đi lấy mẫu, tôi thường tiếp nhận các trường hợp dương tính qua test nhanh, phải lập tức dọn đồ đi cách ly. Lúc đó, tôi mới hiểu được tâm lý bối rối, lo lắng của các bệnh nhân.

Còn khi làm trong bệnh viện, không ít lần tôi chứng kiến gia đình F0 khóc nấc khi mất người thân hoặc những ca hồi phục kỳ diệu. Có những bệnh nhân khi đã xuất viện còn viết tâm thư gửi lại các y, bác sĩ đã cảm ơn ân tình cứu chữa.

Vì làm việc ở bệnh viện, ngày nào tôi cũng nhận được lời khích lệ từ mọi người xung quanh. Những lúc nghỉ mệt, tôi và đồng đội thường trêu nhau để lấy lại tinh thần.

Việc trở thành tình nguyện viên mang lại cho tôi nhiều niềm vui, sự tự hào khi biết rằng công sức của mình đã giảm bớt gánh nặng cho lực lượng tuyến đầu. Bên cạnh đó, tôi cũng có thêm nhiều người bạn mới và học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị quản lý.

Võ Nguyên Khang (23 tuổi, quận Bình Tân)

Hơn một tháng thực hiện nhiệm vụ ở các điểm tiêm trên địa bàn thành phố, tôi gặp nhiều câu chuyện đáng nhớ. Hôm đấy, khi làm ca chiều và đang ngồi ở bàn ghi hồ sơ thì có một cô ngoài 40 tuổi đến hỏi: “Con trai của cô mới test nhanh dương tính hồi sáng đang cách ly ở nhà, giờ cô tới có được chích không?”.

Lúc vừa nghe xong, tôi giật mình, nhanh chóng đứng lên, lùi lại giữ khoảng cách và từ từ hướng dẫn cho cô khử khuẩn kỹ càng.

Trong quá trình làm việc, chỉ một tình huống nhỏ diễn ra cũng đủ khiến tôi và các bạn thót tim. Vì thế, chúng tôi luôn phải giữ bản thân tỉnh táo để giải quyết vấn đề.

Đầu tháng 8, thấy nhiều thầy cô trong trường đăng ký tham gia tình nguyện, tôi cũng muốn góp sức. Nhiệm vụ của tôi rất linh hoạt từ điều phối, ghi hồ sơ, nhập liệu thông tin đến trấn an người dân. Lâu lâu, tôi còn phục vụ văn nghệ để các cụ già đỡ sợ khi tiêm vaccine.

Theo lịch định kỳ, cứ cách 2-3 ngày, các tình nguyện viên sẽ được xét nghiệm để đảm bảo an toàn. Mỗi lần cả đội “qua ải”, ai cũng thở phào nhẹ nhõm.

Công việc nguy hiểm nhưng nhiều niềm vui. Đôi lúc, tôi còn nhận được những lời an ủi ấm lòng từ người dân như “Tui thương mấy cậu thanh niên này lắm đi làm cực vậy đó cho tụi tui khỏe”, “Cậu này chắc bằng tuổi con cô quá, cảm ơn mấy đứa nhiều lắm nha”...

Giống như nhiều bạn bè, tôi cũng dọn ra nhà trọ ở một mình vì sợ ảnh hưởng đến người thân. Lúc đầu khi ngỏ lời với gia đình, tôi phải mất 2 ngày để thuyết phục ba mẹ. Hiện tôi chỉ mong TP.HCM nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh để được đoàn tụ với cả nhà.

Lê Thị Cẩm Ly (17 tuổi, quận Bình Thạnh)

Trở về nhà sau ca trực 10 tiếng, toàn thân tôi rã rời kèm theo cơn nhức mỏi chạy dọc sống lưng. Từ ngày đăng ký hỗ trợ tiêm vaccine, tôi dần quen với cảm giác này và thấu hiểu hơn công việc của lực lượng tuyến đầu.

Do các tình nguyện viên chưa có nhiều kinh nghiệm, mỗi khi “tác chiến”, các bác sĩ luôn kề bên nhắc nhớ và hướng dẫn tận tình.

Vấn đề an toàn là lo ngại chung của những ai đang làm công tác chống dịch. Hiểu được mức độ rủi ro, nguy cơ nhiễm bệnh cao, nên tôi rất chú trọng đến việc bảo vệ bản thân.

Đến ca trực, chúng tôi đều được trang bị đồ bảo hộ che chắn kỹ càng và hướng dẫn cách cởi đúng quy trình vô khuẩn của Bộ Y tế.

Tính đến nay, tôi đã tham gia đội tình nguyện khoảng 2 tháng. Từ cảm xúc nôn nao, hồi hộp lúc đầu, bây giờ tôi đã hoàn toàn tự tin với công việc.

Gần đây, mẹ tôi cũng đăng ký nên tôi thấy rất vui vì có mẹ cùng đi chống dịch.

Thi đại học xong, cô gái 18 tuổi theo ba mẹ đi chống dịch

Ba đi trực chốt kiểm soát, mẹ giúp người dân đi chợ, vận chuyển lương thực, Hải Yến xin tham gia đội TNV, hỗ trợ tiêm vaccine ở địa phương.

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm