Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thi đại học xong, cô gái 18 tuổi theo ba mẹ đi chống dịch

Ba đi trực chốt kiểm soát, mẹ giúp người dân đi chợ, vận chuyển lương thực, Hải Yến xin tham gia đội TNV, hỗ trợ tiêm vaccine ở địa phương.

Giữa tháng 7/2021, sau khi hoàn tất kỳ thi THPT quốc gia, Lê Thị Hải Yến (sinh năm 2003, quận Bình Thạnh) được mẹ giúp đăng ký vào đội tình nguyện phòng, chống dịch ở địa phương.

Mỗi buổi sáng, Yến cùng mẹ đến điểm tập kết ăn sáng, nhận đồ bảo hộ, cồn, bộ kit test nhanh Covid-19 để sẵn sàng cho công việc.

Ban đầu, Yến được giao trực chốt ở những khu cách ly từ 7h30 đến 12h. Sau khi đã thạo việc, cô tham gia hỗ trợ tiêm vaccine, đo huyết áp, điều phối sàng lọc, lấy mẫu và nhập liệu. Do thiếu nhân sự, khối lượng công việc nhiều, Yến thường ở lại phụ mọi người đến tối muộn.

“Khi nhận nhiệm vụ đầu tiên, mình hồi hộp lắm. Mình hay đi sinh hoạt trên phường nhưng đây là lần đầu tiên được tham gia một sự kiện lớn như vậy. Nhờ có gia đình ủng hộ, mình cảm thấy an tâm hơn”, Yến bộc bạch.

Vua thi dai hoc xong co gai dang ky di chong dich cung ba me anh 1

Yến và các bạn trong đội luôn tuân thủ nguyên tắc an toàn.

Cả nhà cùng đi chống dịch

Không chỉ Yến mà ba mẹ của cô cũng góp sức vào công tác phòng, chống dịch từ những ngày đầu tiên TP.HCM giãn cách xã hội.

Ba của cô gái là bảo vệ dân phố, đang thực hiện nhiệm vụ trực chốt kiểm soát tại phường 13, quận Bình Thạnh. Còn mẹ là thành viên của hội phụ nữ, thường giúp dân đi chợ, chuyển lương thực đến các hộ gia đình và hỗ trợ tiêm vaccine.

Tuy cả gia đình đều đi chống dịch, giờ giấc sinh hoạt và nếp sống không bị thay đổi quá nhiều. Thông thường, cô và ba mẹ đều về cùng lúc với nhau.

“Mỗi buổi tối, sau khi xong việc, mọi người quây quần kể lại những câu chuyện vui mà mình gặp được. Như là hôm nay có cô kia cho đồ ăn, chú sống gần đó mua nước đem lại chốt cho cả nhóm, dễ thương lắm”, Yến tâm sự.

Đôi lúc trúng lịch trực chốt chung với ba, Yến còn được ba giới thiệu với các đồng nghiệp và dặn dò cẩn thận.

Gần như là em út trong đội nhưng Yến không ngại bất kỳ công việc nào dù khuân vác đồ nặng hay phải di chuyển nhiều.

Những lúc mệt mỏi vì trời nắng nóng, mồ hôi túa ra do mặc đồ bảo hộ cả ngày, Yến và mọi người cùng tập vài động tác cơ bản, nhảy khởi động để lấy lại tinh thần.

Chia sẻ với Zing, cô gái 18 tuổi cho biết sau hơn 2 tháng tham gia tình nguyện, cô học được nhiều điều hay và có thêm không ít bạn mới.

"Từ lúc đi tình nguyện đến giờ, mình trải qua nhiều cảm giác khác nhau, lo lắng có, bất an có nhưng không phút nào dám lơ là công việc. Nhìn hình ảnh vất vả ngày đêm của các y, bác sĩ và lực lượng tuyến đầu, mình lại có thêm động lực để tiếp tục".

Một trong những kỷ niệm buồn nhất với Yến là biết tin đồng đội mắc Covid-19, đang được cách ly, điều trị. Lúc đó, cả nhóm dặn nhau phải cố gắng hơn nữa để san sẻ với người còn lại.

“May mắn là mình luôn gặp được các anh chị tình nguyện viên dễ thương, mọi người giúp đỡ và chỉ dạy cho mình rất nhiều. Bây giờ, mình có thể tự tin khi giao tiếp và thành thạo với công việc”.

Trong quá trình làm việc, nhóm của Yến còn nhận được nhiều tình cảm, món quà nhỏ từ các cô chú, anh chị sống xung quanh.

Những hôm trời mưa lớn, cả đội phải làm nhanh tay hơn để người dân không bị ướt và kịp tiến độ mà ban quản lý đã giao.

Hiểu rõ mức độ nguy hiểm của công việc, nữ sinh luôn đề cao cảnh giác, tránh làm đồ bảo hộ bị hở, sát khuẩn thường xuyên để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

“Việc trở thành tình nguyện viên có ý nghĩa rất lớn đối với mình. Không chỉ được góp sức đẩy lùi dịch bệnh mà còn có thêm những người bạn tốt, cùng vượt qua khó khăn. Đây chắc chắn sẽ là những trải nghiệm mà mình không bao giờ quên”.

Sau khi hết dịch, Yến muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, bạn bè và chăm sóc bản thân. Trước đây, cô gái cũng từng tham gia các hoạt động thiện nguyện như nấu ăn, trao quà cho người nghèo.

Chủ quán ở TP.HCM: '200 khách nhắn hỏi nhưng chưa biết khi nào mở bán'

Trước sự hối thúc của khách quen, chủ quán ăn, tiệm cà phê ở TP.HCM sốt ruột nhưng chưa thể kinh doanh trở lại vì gặp nhiều khó khăn.

Phương Thảo

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm