Điều thần kỳ từ em bé thập tử nhất sinh
Câu chuyện của cháu Nguyễn Thiên N. quê ở Kiến Xương, Thái Bình khiến các bác sĩ tại khoa ung bướu Nhi, Bệnh viện K, Hà Nội nhớ mãi. Nhìn hình ảnh của bé N. không ai tin cháu đã chữa khỏi bệnh ung thư 8 năm nay. Đây là thời gian Thiên N. không phải đến viện điều trị nhưng thực chất thời gian sống không bệnh của N. đã được 10 năm.
Năm 4 tuổi, N. mắc bệnh ung thư máu (bạch cầu cấp). Thạc sĩ Phạm Thị Việt Hương, khoa Ung bướu Nhi, Bệnh viện K, Hà Nội cho biết N. nhập viện trong tình trạng rất xấu, thể trạng của bệnh nhân suy kiệt nặng, sốt trên 40 độ C, thiếu máu nặng và xuất huyết nhiều, nôn ra máu, đi tiểu ra máu, xuất huyết dưới da toàn thân, tiểu cầu được có 9 G/l (trong khi đó ở người bình thường lứa tuổi của cháu N. phải đạt 300 G/l), với tình trạng này đứa trẻ có thể tử vong ngay vì mất máu.
Gia đình tuyệt vọng không muốn điều trị cho bé N. vì tiên lượng xấu, hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ của cháu lại đang mang thai tháng thứ 9. Mẹ bé N. không đủ khả năng lo cho con được nữa. Gia đình mong muốn xin cho bé về nhà chờ chết. Tuy nhiên, lúc ấy các bác sĩ vẫn muốn được điều trị cho cháu.
Bác sĩ Hương cho biết, muốn giữ N. lại vì chị vẫn hy vọng điều trị được. Đặc điểm của bệnh bạch cầu cấp nếu truyền hóa chất vẫn đáp ứng thì cháu bé có cơ hội được cứu sống. Chỉ cần nghĩ đến một tia hi vọng nhỏ nhoi, bác sĩ ở đây vẫn tin rằng họ sẽ chiến thắng được tử thần, giành giật được sự sống cho người bệnh.
Chị ra sức thuyết phục nhưng bố mẹ cháu bé vẫn đòi cho con về, với lý do không còn tiền, đồ đạc cũng chẳng có gì đáng giá để bán. Khi ấy, bác sĩ Hương động viên “Cháu bé được bảo hiểm 100% gia đình không mất tiền. Dù sự sống còn mong manh nhưng chúng ta cùng thử sức. Cứu bé được ngày nay, cứu được ngày mai, ngày kia ở lại đây với các bác. Nếu bố mẹ đã chấp nhận mất con thì mất ở nhà hay ở viện cũng không khác nhau. Bố mẹ cho bác cơ hội mạnh dạn cứu cháu”.
Thuyết phục kiên trì, nhẹ nhàng gia đình vẫn không nghe, bác sĩ Hương đã phải nói kiên quyết: “Tại sao bác sĩ chưa bỏ cuộc mà bố mẹ cháu lại bỏ cuộc như vậy?”. Khi đó, cha mẹ của bé Thiên N. mới hiểu ra và đồng ý để cháu bé ở lại viện điều trị.
Các bác sĩ, điều dưỡng của khoa Nhi bệnh viện K cùng với các chuyên gia Ung thư trẻ em đến từ Đại học Texas và Đại học Florida - Mỹ. |
Bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực song song với điều trị hóa chất. Thật là điều kỳ diệu vì vừa truyền hóa chất là cháu bé đã ngưng chảy máu ngay, ngừng đi ngoài ra máu, tiểu máu. Sau 2-3 ngày xét nghiệm máu tiểu cầu đã lên đến 45 G/l (tăng gấp 5 lần so với trước đó). Sau khi điều trị theo phác đồ đó, cháu bé đã hồi phục và điều tuyệt vời nhất sau 2 năm điều trị tại bệnh viện, bé Thiên N. đã khỏe mạnh hoàn toàn. Cho đến nay cháu đã sống thêm không bệnh được 10 năm.
Bế trộm con về vì không tin sẽ khỏi bệnh
Một trường hợp đáng tiếc đối với các bác sĩ là cháu Thùy L. quê ở Bắc Ninh, bị ung thư phần mềm. Khối u chỉ rất bé ở cẳng tay, bệnh còn giai đoạn sớm nhưng gia đình không tin vào y học hiện đại. Lúc ấy, bác sĩ thuyết phục nhưng ông nội và ông ngoại của cháu bé đã tìm mọi cách trốn viện bằng được. Ban ngày không trốn được thì ban đêm ông đã bế cháu ra khỏi viện về nhà.
Hai tháng sau cháu đã bị di căn phổi và qua đời. Cái chết của Thùy L. khiến các bác sĩ tiếc nuối vì bệnh của cháu khi vào viện tiên lượng rất tốt nhưng gia đình không tin vào y học hiện đại nên bé mất cơ hội được cứu sống.
Bác sĩ Hương tâm sự, giành giật sự sống của người bệnh được coi như sứ mệnh nghề nghiệp. Trong khi đó, những ông bố bà mẹ bằng cách nay hay cách khác thậm chí gây hấn với bác sĩ để đưa con về vì họ có nhiều lý do, lý do phổ biến nhất là không có niềm tin rằng bệnh ung thư có cơ hội chữa khỏi.
Nhiều bệnh nhân vừa được chẩn đoán ung thư, đã vội vã bỏ bệnh viện, về nhà tìm đến các phương pháp điều trị không được thừa nhận như uống nước lá, cúng bái, nhịn ăn…
Trường hợp của bé Thùy L. là điển hình. Trong cuộc đời làm nghề sau 18 năm ra trường, nhiều lần phải thuyết phục người nhà của bệnh nhi để cho cháu ở lại điều trị, bác sĩ Phạm Thị Việt Hương phải lấy danh dự nghề nghiệp của mình ra để “đánh cược” với người nhà bệnh nhân.
Người thầy thuốc khi đó phải mạo hiểm với tương lai sự nghiệp của mình. Nếu thất bại, họ sẽ phải đối diện với nhiều hệ lụy đến từ gia đình người bệnh, dư luận xã hội…Tuy nhiên, các bệnh nhân bác sĩ đấu tranh ở lại điều trị đa số đều khỏi bệnh. Đó là món quà quý giá với các bác sĩ điều trị ung thư.