Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giáo dục chân chính không định nghĩa bằng thành tích

Trong thời đại mỗi cá nhân đều cần được thấu hiểu và khuyến khích tự tin là chính mình, ý nghĩa của giáo dục chân chính không nên được cân đo bằng những thành tích.

Chọn trường cho con là một thách thức lớn với các bậc phụ huynh. Bên cạnh việc chọn trường học danh tiếng, gia đình còn kỳ vọng con cái sẽ đạt được thành tích tốt nhằm minh chứng cho lựa chọn đúng đắn của mình. Áp lực hiện diện ở cả hai phía, khiến giáo dục và học tập trở thành vấn đề cân não cho cả phụ huynh lẫn học sinh.

Phụ huynh đau đầu chọn trường cho con

Đáp ứng nhu cầu đầu tư vào giáo dục của đông đảo phụ huynh trong những năm qua, sự xuất hiện của các trường quốc tế, trường liên kết, hợp tác nước ngoài ngày càng nhiều. Lựa chọn của phụ huynh được đa dạng hóa với hàng loạt tên tuổi quốc tế tiến chân vào ngành giáo dục Việt Nam.

Không chỉ xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh, Luật Giáo dục 2019 cũng khuyến khích đổi mới nhằm đa dạng hóa các loại hình cơ sở giáo dục và hình thức giáo dục, đáp ứng nhu cầu giáo dục cho trẻ từ những năm tháng đầu đời.

Chị Minh Thùy, phụ huynh có 2 con đang theo học tại một trường quốc tế tại TP.HCM, cho biết gia đình chọn lựa trường quốc tế vì muốn con có những trải nghiệm học tập tốt, thụ hưởng chương trình giảng dạy theo chuẩn quốc tế, giáo viên bản ngữ có kinh nghiệm, cơ sở vật chất hiện đại. Bên cạnh đó, việc được tiếp xúc với các môn học ngoại khóa đa dạng sẽ khuyến khích con phát huy tiềm năng.

ap luc thanh tich anh 1

Bên cạnh chương trình chính khóa, các hoạt động ngoại khóa cũng được phụ huynh cân nhắc để con phát triển toàn diện.

Suy nghĩ của chị Thùy cũng tương đồng với nhiều phụ huynh khi chọn trường quốc tế cho con. Tuy nhiên, hiện có khá nhiều trường ngoài công lập, trường tư thục gắn mác quốc tế, dẫn đến việc phụ huynh hoang mang không biết chọn ngôi trường nào cho con. Việc tìm kiếm trường quốc tế chất lượng trở thành bài toán nan giải, đặc biệt khi vừa qua, Hà Nội và TP.HCM công bố chỉ có 33 trường thực dạy chương trình quốc tế trên địa bàn, trong đó Hà Nội có 11 trường và TP.HCM có 22 trường.

Cuộc đua thành tích của học sinh

Trong khi phụ huynh đau đầu với bài toán tìm trường, con trẻ lại chịu áp lực từ cuộc đua thành tích. Các cuộc thi học sinh giỏi, kỳ thi chứng chỉ quốc tế,... có thể khiến học sinh bị “ngộp” khi phải cố gắng chạy theo thành tích để sánh kịp bạn bè.

Khi chọn lựa cho con học trường quốc tế, phụ huynh thường chú trọng các loại bằng cấp được quốc tế công nhận vì sẽ có lợi khi du học sau này. Để đạt thành tích tốt hay vượt qua các kỳ thi chứng chỉ, bên cạnh giờ học trên lớp, học sinh cần tham gia các hoạt động ngoại khóa, đảm bảo các tiêu chí mà các chứng chỉ yêu cầu.

Đối với học sinh trường công lập, áp lực thành tích đến từ cuộc thi học sinh giỏi các cấp. Khi danh hiệu này trở thành lợi thế trong kỳ tuyển sinh ở các cấp tiếp theo, số lượng thí sinh cũng tăng mạnh. Trong năm 2020-2021, Sở GD&ĐT TP.HCM ghi nhận số lượng học sinh giỏi cấp thành phố tăng đột biến, trở thành năm có số học sinh giỏi nhiều nhất 5 năm gần đây.

ap luc thanh tich anh 2

Học sinh giỏi dù theo học trường quốc tế hay công lập đều có áp lực về thành tích.

Đích đến thật sự của giáo dục

Giáo dục không phải là hành trình chinh phục danh hiệu, giải thưởng hay bằng khen. Thay vào đó, đích đến của giáo dục là chuẩn bị hành trang để trẻ sẵn sàng trước những ẩn số của cuộc sống. Trong hành trình đó, trẻ được khuyến khích đam mê khám phá, khơi dậy và thúc đẩy tiềm năng, làm chủ bản thân và hạnh phúc với chọn lựa của mình.

“Khi con nhận được sự quan tâm phù hợp từ gia đình và thầy cô, được khích lệ để theo đuổi và phát huy tiềm năng cũng chính là lúc con hạnh phúc nhất. Khi các con tìm thấy niềm vui trong học tập là lúc sự thành công hiện diện, không chỉ cho con, cho gia đình và nhà trường, mà còn cho đất nước trong tương lai”, cô Thanh Phương - giáo viên tại trường tiểu học trong thành phố - chia sẻ.

Dù là môi trường giáo dục quốc tế hay công lập, học sinh cũng cần được thấu hiểu và đồng hành, được hỗ trợ về tinh thần lẫn thể chất để có thể theo đuổi ước mơ. Trên con đường chinh phục kiến thức, học sinh có đủ khả năng làm chủ việc học tập lẫn cuộc sống cá nhân, có khả năng thích nghi trong bất kỳ hoàn cảnh nào mới thật sự là danh hiệu “học sinh giỏi” cần vươn tới. Ngược lại, những thành tích sẽ chỉ là rào cản vô hình cần được tháo gỡ để trẻ tự tin thể hiện năng lực, trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân.

Trà Văn

Bình luận

Bạn có thể quan tâm