Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giáo dục Hàn Quốc đình trệ vì dịch MERS

Dịch MERS khiến hơn 3.000 trường học tại Hàn Quốc phải đóng cửa trong nhiều tuần. Khi mở trở lại, nhiều phụ huynh vẫn cấm con đến lớp vì không tin chính phủ.

Trong những tuần qua, mối đe dọa từ hội chứng nhiễm đường hô hấp Trung Đông (MERS) khiến 3.000 trường học, nhà trẻ và đại học ở Hàn Quốc đóng cửa. Ngày 15/6, các trường bắt đầu hoạt động trở lại.

Quyết định này được đưa ra sau khi nhóm hợp tác giữa quan chức chính phủ và nhân viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi học sinh tiếp tục đến trường, tuyên bố việc dịch bùng nổ không liên quan trực tiếp đến môi trường giáo dục.

Lớp học tại một trường tiểu học ở
Lớp học tại một trường tiểu học ở thủ đô Seoul vắng ngắt sau khi trường phải đóng cửa do mối đe dọa từ dịch MERS. Ảnh: Yonhap.

"Trường học không phải là môi trường lây bệnh chủ yếu của dịch MERS. Việc đóng cửa nhiều trường gây khó khăn đối với các bậc cha mẹ và làm tăng nỗi sợ hãi trong dân chúng, song nó không có tác dụng ngừa dịch" - Keiji Fukuda, trợ lý Tổng giám đốc phụ trách an ninh y tế của WHO, nói hôm 13/6.

Tuy nhiên, người dân không đồng tình với quyết định của chính phủ. Trên thực tế, qua vụ chìm phà Sewol, người Hàn Quốc hầu như không còn tin vào khả năng xử lý các thảm họa quy mô lớn của nhà nước.

Trong một cuộc thăm dò gần đây do Realmeter thực hiện, 68,3% người trả lời họ không tin vào các biện pháp đối phó với dịch MERS từ chính phủ. Theo cuộc khảo sát do tổ chức phi chính phủ People’s Solidarity for Participatory Democracy tiến hành, 43,3% người cho rằng, Tổng thống Park Geun Hye phải chịu trách nhiệm vì để dịch bệnh lây lan, 30,4% nói trách nhiệm thuộc về Bộ trưởng Y tế Moon Hyong Pyo.

Sự ngờ vực buộc phụ huynh Hàn Quốc kêu gọi hủy bỏ chương trình học, thậm chí trước khi cơ quan giáo dục địa phương ra quyết định đóng cửa trường hàng loạt.

"Sao tôi có thể tin tưởng chính phủ được nữa. Chuyện tương tự đã xảy ra trong vụ Sewol. Người phụ trách nói họ đã kiểm soát vụ việc, trong khi mọi chuyện thậm chí còn chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực" - một phụ nữ 40 tuổi có con trai học tiểu học ở thành phố Seoul nói. 

Học sinh đeo khẩu trang khi xếp hàng vào lớp để phòng ngừa nhiễm MERS. Ảnh: AFP
Học sinh đeo khẩu trang khi xếp hàng vào lớp để phòng ngừa nhiễm MERS. Ảnh: AFP.

Vụ chìm phà Sewol khiến 300 người tử vong hồi tháng 4/2014 đã cho thấy lỗ hổng trong khả năng quản lý của chính phủ.

Dù việc dịch bùng nổ không giống vụ tai nạn hàng hải, các bậc phụ huynh vẫn cảm thấy họ nên đề phòng cẩn thận.

Phản ứng từ các cơ quan chính phủ càng khiến người dân hoang mang khi không thể đưa ra chỉ đạo rõ ràng tới trường học về phương án đối phó với dịch bệnh. Ngược lại, các nhà chức trách tỏ ra chậm chạp và thiếu thông tin trong việc phản ứng lại dịch MERS.

Ngày 3/6, Bộ Giáo dục đề nghị các trường học tạm ngừng hoạt động khi phát hiện dấu hiệu dịch bệnh. Nhưng một tuần sau, họ mới công bố quy định cụ thể. Tình hình trở nên hỗn loạn hơn khi Bộ Y tế thông báo các địa phương không cần đóng cửa trường học.

"Chúng tôi không biết nên làm gì. Các nhà chức trách không chỉ đạo rõ ràng. Cả nhà trường lẫn học sinh đều phát ốm với những biện pháp dự phòng có cũng như không của chính phủ" - hiệu trưởng một trường học đã đóng cửa ở khu vực Gangnam nói.

Các nhà quan sát khẳng định, sự lo lắng từ phụ huynh và các tin đồn là nguyên nhân gây ra tình trạng giáo dục đình trệ ở Hàn Quốc.

"Dù chính phủ định làm gì, tôi vẫn không có ý định để con mình tiếp xúc với nguy hiểm" - một bà mẹ 39 tuổi nói. Cô đã nghỉ việc, chăm sóc hai đứa con.

Các phụ huynh Trường tiểu học Wangbuk gần Trung tâm Y tế Samsung (nơi dịch MERS xảy ra) liên tục kêu gọi nhà trường tạm nghỉ ngay sau khi tin tức dịch bệnh truyền ra ngoài. Trường đã mở cửa trở lại vào ngày 15/6, song các lớp học vẫn chưa thể hoạt động bình thường vì nhiều phụ huynh kiên quyết không cho con đi học.

"Tôi không định để con đến lớp sau khi tôi nhận tin nhắn thông báo từ nhà trường rằng, họ đang chuyển các học sinh bị sốt cao đến bệnh viện và khoảng 65 em vẫn xin phép nghỉ" - Kim Ji-young, một phụ huynh, nói.

Nữ sinh bịa chuyện trúng tuyển Đại học Harvard và Stanford

Do áp lực từ phía gia đình, một nữ sinh người Hàn Quốc đang học trung học ở Mỹ, đã bịa chuyện Đại học Harvard và Stanford đưa ra chương trình hợp tác đào tạo đặc biệt dành cho cô.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm