Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giáo dục mầm non gây bức xúc nhất, tại sao lại được đánh giá cao?

Chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sáng 6/6 tại Quốc hội, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về tình trạng đạo đức một số nhà giáo xuống cấp và tình trạng bạo hành trẻ ở trường mầm non.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn về bạo hành trẻ mầm non Chất lượng giáo dục mầm non trở thành vấn đề nóng tại phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Sáng 6/6, Bộ trưởng GD&ĐT đăng đàn trả lời chất vấn của Quốc hội. Nghị trường "nóng" lên với nhiều vấn đề liên quan ngành giáo dục. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là giáo dục mầm non, tình trạng bạo hành trẻ gây bức xúc trong dư luận.

Chất lượng giáo dục mầm non gây bức xúc 

Sau khi nghe ông Phùng Xuân Nhạ báo cáo nhanh, trong đó đề cập giáo dục mầm non được tổ chức UNICEF đánh giá cao, đại biểu Đặng Thuần Phong Bến Tre) thẳng thắn nói: "Ai đánh giá cao tôi không rõ nhưng đánh giá cả quá trình, tôi nhắc lại cho bộ trưởng những hạn chế của giáo dục mầm non".

giao duc mam non anh 1
Trẻ mầm non bị bạo hành gây bức xúc.

Ông Phong cho rằng giáo dục mầm non đang nóng và gây bức xúc nhất là quy mô phát triển không đồng đều ở các vùng miền. Chất lượng không ổn định, nguồn lực đầu tư cho giáo dục thấp nhất trong ngành, cơ sở trường lớp, giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ chi cho giáo dục mầm non Nhà nước chỉ 39%, gia đình 61%. Khi các cháu vào học mầm non, gia đình phải đóng góp nhiều nhất so với các cấp học khác.

“Như vậy mà mầm non được đánh giá cao thì tôi cũng không hiểu thế nào. Tôi mong rằng bộ trưởng xem xét và có giải pháp cho vấn đề này”, đại biểu Phong nói.

Tiếp mạch vấn đề này, ĐB K'Nhiêu nêu bất cập trong đào tạo mầm non, đề nghị bộ trưởng nhìn nhận rõ thực trạng, đưa ra giải pháp căn cơ.

Đại biểu K'Nhiêu nói: "Hiện tượng tiêu cực và những hình ảnh xấu, không tốt đã xảy ra với hệ thống giáo dục mầm non trong thời gian qua. Điều này ảnh hưởng, tạo nên sự trăn trở, bức xúc trong xã hội, làm giảm niềm tin của cử tri trong lĩnh vực này".

'Bộ GD&ĐT phải kiểm điểm về con số 200.000 sinh viên thất nghiệp'

TS Lê Viết Khuyến cho hay Bộ GD&ĐT phải kiểm điểm liên quan con số 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp vì đây là sự lãng phí lớn.

Bạo hành trẻ mầm non là "không thể chấp nhận được"

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận bạo hành trẻ mầm non là một trong vấn đề gây bức xúc xã hội, dư luận thời gian qua.

Hiện toàn ngành có 15.000 cơ sở giáo dục mầm mon, 337.000 giáo viên. Ông Nhạ đánh giá cơ bản các thầy cô tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ, song cũng đã xuất hiện tình trạng bạo hành trẻ ở một số cơ sở mầm non.

giao duc mam non anh 2
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại phiên trả lời chất vấn sáng 6/6. Ảnh: Minh Quân.

"Những vụ bạo hành trẻ mà báo chí nêu là không thể chấp nhận được. Cá nhân tôi với trách nhiệm người đứng đầu ngành giáo dục rất phản đối, có ý kiến chỉ đạo kiên quyết. Những giáo viên không đủ năng lực thì phải đưa ra khỏi ngành, không chần chừ. Các cơ sở để xảy ra tình trạng này phải bị đình chỉ, đóng cửa", ông nói.

Cuối tháng 5, tại Đà Nẵng, vụ "tra tấn" trẻ tại cơ sở mầm non Mẹ Mười gây bức xúc trong dư luận. Bảo mẫu của cơ sở này tát vào mặt, nắm đầu trẻ, xách lên cao để dọa nạt.

Tháng 12/2017, tại TP.HCM, vụ bạo hành trẻ em tại cơ sở mầm non Mầm Xanh cũng gây rúng động dư luận trong thời gian dài. Đây là vụ bạo hành được đánh giá đặc biệt nghiêm trọng trong ngành giáo dục từ trước đến nay.

Tháng 3/2017, dư luận hoang mang khi hình ảnh hai bảo mẫu ở quận Gò Vấp (TP.HCM) đánh đập, cho trẻ ăn một cách thô bạo.

Tháng 2/2017, nữ giáo viên trường mầm non Thuận Thành (Phổ Yên, Thái Nguyên) ném dép vào đầu học sinh.

Cùng tháng, cô giáo trường mầm non Thanh Xuân Nam (Thanh Hóa) dùng đũa đánh tím đùi trẻ, còn hiệu trưởng một trường ở TP.HCM dốc ngược đầu, dọa ném một em qua cửa sổ.

Về giải pháp khắc phục, ông Nhạ nói căn cơ nhất là đội ngũ giáo viên phải được quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng thường xuyên và có chế độ hợp lý.

"Hiện chế độ cho giáo viên mầm non thấp quá, ra trường khoảng 2,4 triệu đồng một tháng, các cô rất khó khăn, đây cũng là lý do gây áp lực. Bộ Giáo dục đã làm việc với Bộ Nội vụ, một mặt tăng cường chất lượng đào tạo, chuẩn bị đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp, mặt khác tăng chế độ đãi ngộ cho giáo viên mầm mon", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.

Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng bậc mầm non được quan tâm nhưng còn nhiều vấn đề, từ chính sách dân lập, tư thục, công lập. Nhiều cơ sở mầm non hiện nay chưa tốt, nhất là ở khu công nghiệp, chế xuất.

“Chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ, vừa rồi Nghị định 06, quyết định xây dựng môi trường an toàn thân thiện chống bạo lực cho trẻ. Hệ thống pháp lý cơ bản có, quan trọng là thực hiện”, ông Nhạ trả lời.

Ông cũng mong các bộ có liên quan và địa phương tăng cường giám sát cùng bộ phòng ngừa là chính. Quan điểm là phòng ngừa hơn là việc xử lý. Mong địa phương trực tiếp hỗ trợ về điều kiện cơ sở trường lớp, bố trí giáo viên đủ để không tạo áp lực.

Bình luận về nội dung chất vấn liên quan đến sự xuống cấp đạo đức giáo viên và bạo hành trẻ mầm non, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ sự bức xúc thời gian vừa qua của dư luận.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng ở đây còn có trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ sở giáo dục, họ có biết hay không cho đến khi báo chí, dư luận lên tiếng thì mới vào cuộc làm rõ. Đại biểu mong muốn ngành giáo dục, các địa phương và cả hệ thống chính trị chứ không phải riêng Bộ Giáo dục.

"Trường mầm, tiểu học có địa chỉ rõ ràng, xảy ra bạo hành thì hiệu trưởng, giáo viên, địa phương có biết không? Chuyện xảy ra mới làm rõ thì đó là trách nhiệm của cả cộng đồng, hệ thống ở địa phương chứ không phải chỉ mỗi bộ trưởng", Chủ tịch Quốc hội nói.

Bạo hành trẻ mầm non ở Đà Nẵng Clip cô giáo ở lớp bạo hành trẻ mầm non khiến dư luận phẫn nộ.

Kiên quyết đưa ra khỏi ngành giáo viên bạo hành trẻ

Phát biểu trước Quốc hội sáng 6/6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, trong đó có nguyên nhân liên quan chất lượng đào tạo giáo viên mầm non.

Phó thủ tướng cho biết hiện nay, 60% giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng trở lên, gần 40% học trung cấp (đào tạo trong 2 năm). Do đó, vấn đề chất lượng đào tạo giáo viên mầm non cần phải được xem xét kỹ lưỡng.

Nguyên nhân thứ hai là trách nhiệm kiểm tra khi xét cho mở trường và các nhóm lớp độc lập của chính quyền địa phương, trong đó có ngành giáo dục tại nơi đó.

Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ là độ bao phủ của các trường mầm non còn rất thấp: 27,7%.

“Tại sao một số trường không nhận trẻ đủ 3 tháng tuổi dù luật đã quy định? Thật ra, nguyên nhân có thể hiểu là nếu tỷ lệ bao phủ 90%, tất nhiên sẽ có những trường nhận các cháu 3 tháng tuổi. Trong khi hiện nay, 10 người có nhu cầu gửi trẻ, mới đủ lớp cho 3 người thì đương nhiên các cơ sở giáo dục có xu hướng nhận đối tượng dễ hơn cho họ”, Phó thủ tướng nói.

Vì thế, ưu tiên hàng đầu hiện nay là phát triển nhanh các cơ sở, điểm trường, nhóm trẻ độc lập đủ điều kiện.

Phó thủ tướng cũng khẳng định, không chỉ giáo viên mầm non, bất cứ bậc học nào nếu xảy ra trường hợp giáo viên bạo hành học sinh, thì phải kiên quyết phải đưa ra khỏi ngành giáo dục.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn 3 vấn đề nóng của giáo dục

Sáng 6/6, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm