Bên lề Hội nghị ASEAN - UNICEF "Chuyển đổi kỹ năng số các hệ thống giáo dục trong toàn Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), giáo sư Fernando Reimers - ĐH Havard - đánh giá cao những nỗ lực của ngành giáo dục Việt Nam trong giai đoạn bệnh dịch Covid-19.
Giảng viên ĐH Mở Hà Nội trong một tiết dạy trực tuyến tại studio. |
Những giải pháp của Bộ GD&ĐT rất quan trọng
GS Reimers cho rằng trong thời điểm khó khăn, những giải pháp của Bộ GD&ĐT Việt Nam đưa ra rất quan trọng khi trường học không thể hoạt động bình thường như trước đại dịch.
“Tôi nhận thấy, những nỗ lực của Việt Nam đã được chuẩn bị đúng hướng” - GS Reimers nói.
GS Reimers đã cộng tác với nhiều cộng sự ở nhiều nước trên thế giới, để thực hiện một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về những bài học thực tiễn mà nền giáo dục các nước đã làm tốt trong đại dịch Covid-19 để các nước khác có thể học hỏi.
“Chúng tôi đã chọn Việt Nam làm ví dụ để các nước khác có thể học hỏi kinh nghiệm” - GS Reimers chia sẻ.
GS Reimers đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và các nước khác trong việc tìm kiếm những cách thức học tập khác (không truyền thống) và sử dụng những công cụ khác nhau như công nghệ trực tuyến, truyền hình, truyền thanh, học liệu để đảm bảo việc học sinh không bị gián đoạn việc học.
Việc tìm các giải pháp thay thế để tiếp tục duy trì việc dạy - học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với những người bị ngắt quãng việc học do ảnh hưởng của Covid-19.
Nhiều học sinh, nhất là với những đối tượng dễ bị tổn thương, các em sẽ không quay lại trường học. Điều đó dễ dàng dẫn đến việc mất rất nhiều tài năng nếu học sinh không được tham gia vào việc học.
Hơn nữa, việc tìm mọi cách để học sinh được học là thực sự cần thiết vì đại dịch này còn tiếp diễn và học sinh không thể nghỉ học kéo dài.
GS Fernando Reimers - ĐH Havard - trao đổi tại Hội nghị trực tuyến ASEAN - UNICEF về "Chuyển đổi kỹ năng số các hệ thống giáo dục trong toàn Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)". |
Thúc đẩy chuyển đổi số trong GD&ĐT
Bên cạnh đó, đại dịch thể hiện sự không đồng đều giữa các học sinh trong việc tiếp cận công nghệ.
“Trách nhiệm của chúng ta là phải cố gắng cân bằng khoảng cách số giữa những học sinh này. Đáng mừng là, Việt Nam không chỉ thể hiện cam kết đảm bảo mọi trẻ em được tiếp tục việc học (ngay cả khi không đến trường), mà còn nỗ lực trong các sáng kiến và hành động, để có thể hướng tới mọi đối tượng học sinh, không chỉ những em dễ tiếp cận mà còn đến những học sinh khó có thể tiếp cận nhất”, GS Reimers nhấn mạnh.
Đồng thời, ông ghi nhận: Trong thời gian đại dịch Covid-19, Việt Nam đã xem thách thức này như một cơ hội để thay đổi những ưu tiên trong chương trình học, để nhìn lại, cùng nhận định những kỹ năng nào là cần thiết; từ đó cân bằng lại chương trình, giáo trình học một cách toàn diện hơn.
Theo GS Reimers, để quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đi đến thành công, cần ghi nhớ rằng, chuyển đổi số không phải là điểm đến mà là công cụ dẫn tới điểm đến. Sự chuyển đổi này cần được thúc đẩy mới mục đích rõ ràng. Ví dụ xác định cụ thể năng lực mà học sinh cần được phát triển.
“Tôi mong rằng Việt Nam tiếp tục củng cố quá trình tìm hiểu đâu là những năng lực phát triển mà học sinh cần và sử dụng khung năng lực đó để nỗ lực, hướng tới quá trình chuyển đổi số” - GS Reimers tin tưởng.
Ông nhấn mạnh đây là thời điểm mà chúng ta cần thể hiện trách nhiệm với trẻ em trong học tập và GD&ĐT.