Theo South China Morning Post, suốt một tuần qua, mạng xã hội Trung Quốc xôn xao khi Qian Fengsheng (55 tuổi) - giáo sư tại ĐH Kinh tế và Tài chính Thượng Hải - bị đuổi việc vì dính cáo buộc tấn công tình dục một nữ sinh viên của mình.
Kể lại trên một bài đăng trên mạng xã hội, cô gái cho biết Qian đã gợi ý trao đổi với cô một số vấn đề trong bài giảng sau buổi học.
Ông ta đề nghị cô lên ôtô để nói chuyện, sau đó lái xe đến đoạn đường vắng, khóa cửa xe và có hành vi tấn công tình dục.
Cùng thời điểm, ĐH Bắc Kinh cũng sa thải một giáo sư vì ông này bị tố cáo có mối quan hệ không đúng mực cùng lúc với nhiều phụ nữ.
Những sự việc vi phạm đạo đức trong môi trường giáo dục khiến dân mạng xứ Trung bức xúc. Ảnh: Jonathan Wong. |
Trong cả hai sự việc, các nạn nhân đều đưa câu chuyện của mình lên mạng xã hội. Dân mạng xứ Trung không khỏi bức xúc khi nghe lời tố cáo hành vi sai trái của những kẻ được cho là có học thức, được xã hội coi trọng.
Trước các sự việc nhức nhối trên, Bộ Giáo dục Trung Quốc đưa ra quy định giáo viên, học giả tại các trường học ở Trung Quốc sẽ bị kỷ luật, thậm chí đuổi việc nếu có các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trong đó có hành vi quấy rối tình dục.
Theo đó, những điều khoản yêu cầu trường học chú trọng "nâng cao đạo đức nghề nghiệp" của nhân viên, bao gồm đạo đức trong hoạt động giảng dạy, đánh giá nghiêm túc và có những biện pháp xử lý thích đáng với hành vi sai trái.
"Phải xây dựng một môi trường giáo dục nơi giáo viên được xã hội tôn trọng", văn bản luật trên viết.
Trong phần nội dung đề cập đến những hành vi sai trái, luật mới quy định nhân viên vi phạm sẽ bị kỷ luật, thậm chí bị sa thải trong trường hợp sai phạm nghiêm trọng như quấy rối tình dục, nhận hối lộ hoặc vi phạm các quy tắc giảng dạy.
Một nền tảng hỗ trợ cộng đồng cũng sẽ được thiết lập giúp các nạn nhân cũng như tất cả mọi người nói chung có thể báo cáo sai phạm.
Tuy nhiên phần quy định liên quan đến vấn đề quấy rối tình dục chỉ được áp dụng trong phạm vi trường đại học. Văn bản trên cũng không nêu rõ hình thức kỷ luật cụ thể cho từng trường hợp.
Những nhà đấu tranh vì nữ quyền cho rằng nên có quy định xử lý cụ thể cho các trường hợp quấy rối tình dục trong trường học. Ảnh: Telegraphindia. |
Trước những quy định chưa đủ cụ thể, rõ ràng của chính quyền, những nhà hoạt động ủng hộ nữ quyền đặt ra câu hỏi liệu chúng có đủ sức để kiểm soát, giải quyết nạn quấy rối tình dục hay không.
Feng Yuan - một học giả nghiên cứu về giới, đồng sáng lập tổ chức phi chính phủ NGO Equality có trụ sở tại Bắc Kinh - cho rằng chính phủ cần phải có hành động quyết liệt hơn nữa.
"Đó chỉ mới là văn bản xây dựng đạo đức nghề nghiệp trong nội bộ giáo viên, chưa phải là một cơ chế ngăn chặn và chấm dứt nạn quấy rối tình dục. Một cơ chế cần phải có quy định chi tiết về hình phạt, kế hoạch đào tạo giáo viên và giáo dục học sinh, kênh để khiếu nại, hỗ trợ và giúp đỡ nạn nhân cũng như quy định về việc xử lý các sự việc đó", Feng nói.
Cô cũng đặt ra câu hỏi tại sao vấn đề quấy rối tình dục của nhân viên chỉ được đề cập trong phạm vi trường đại học, trong khi sự việc tương tự cũng xảy ra với bậc giáo dục tiểu học, trung học.
Xiao Meili - nhà hoạt động nữ quyền ở Quảng Châu - cũng nhận định quấy rối tình dục là vấn đề xã hội chứ không chỉ đơn thuần là hành vi của một cá nhân.
"Quấy rối không chỉ là vấn đề đạo đức. Đó còn là sự chênh lệch quyền lực giữa giáo viên và học sinh trong môi trường sư phạm. Bởi vậy cần kiểm soát và giám sát đối với bên có quyền lực mạnh hơn (Giáo viên - PV)", Xiao Meili bày tỏ.