Zing.vn trích dịch bài viết từ South China Morning Post, đề cập đến vấn đề bạo lực gia đình ở Trung Quốc và lý do các nạn nhân né tránh việc tố giác vấn đề này.
Mãi cho đến khi beauty blogger nổi tiếng He Yuhong (27 tuổi) tố cáo việc bị bạn trai cũ thường xuyên bạo hành, người dân Trung Quốc mới quan tâm đến vấn đề bạo lực gia đình.
Cảnh sát ở thành phố Trùng Khánh bắt đầu điều tra vụ việc của He Yuhong sau khi cô đăng tải lên mạng xã hội một video tố cáo những hành vi bạo lực của bạn trai cũ vào ngày 25/11 vừa qua - cũng là Ngày Quốc tế Liên Hợp Quốc xóa bỏ bạo lực với phụ nữ.
He Yuhong nổi tiếng với màn hóa trang thành nàng Mona Lisa trứ danh. Ảnh: He Yuhong. |
He Yuhong, hay biệt danh trên mạng là Yuyamika, là beauty blogger Trung Quốc sở hữu hơn 2 triệu lượt người theo dõi trên TikTok. Cô chuyên hóa trang thành các nhân vật nổi tiếng như Taylor Swift, Selena Gomez…
Đặc biệt, tên tuổi của cô được nhiều người biết đến hơn sau clip hóa trang thành nàng Mona Lisa trong tác phẩm cùng tên của họa sĩ Leonardo Da Vinci.
Cô cáo buộc bạn trai cũ của mình, Chen Hong (44 tuổi), nhiều lần lạm dụng cô trong mối quan hệ của họ.
Blogger triệu fan này công khai nhiều bằng chứng thuyết phục, bao gồm ảnh chụp màn hình tin nhắn, clip camera giám sát của toà nhà và lời khai từ hai người vợ cũ của hắn.
Theo cảnh sát thành phố Trùng Khánh, tòa án ban hành lệnh tạm giam Chen Hong vào ngày 27/11. Sau đó, hắn lĩnh mức án 20 ngày tù vì tội hành hung He Yuhong.
Chồng đánh đập, vợ không được "vạch áo cho người xem lưng"
Hành động tố giác của blogger được cho là “hiếm có” trong xã hội có hàng chục triệu phụ nữ chịu cảnh bạo lực mỗi ngày.
Theo các chuyên gia pháp lý và những người ủng hộ quyền phụ nữ, vấn đề nằm ở sự thiếu nhận thức luật pháp và cả mức độ nghiêm trọng của hành vi từ phía nạn nhân.
Cảnh Yuhong bị bạn trai bạo hành trong thang máy được ghi lại bởi camera giám sát. Ảnh: He Yuhong. |
Ngoài ra, các nạn nhân mất niềm tin vào công lý, cũng như quan niệm xã hội cho bạo lực gia đình là chuyện vợ chồng nên “đóng cửa bảo nhau”.
Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc ước tính khoảng 30% phụ nữ trong 270 triệu hộ gia đình từng trải qua bạo lực thể xác do một thành viên gia đình gây ra. Quốc gia này thậm chí không có Luật Phòng, chống bạo hành gia đình mãi cho đến tháng 3/2016.
He Yuhong muốn xã hội Trung Quốc phải thay đổi. Sau khi tòa tuyên án đối với bạn trai cũ của cô, blogger triệu fan đã kêu gọi những người khác hãy mạnh dạn tới đồn cảnh sát tố giác nếu từng bị hành hung.
“Tôi rất hối hận. Chỉ vì sự sợ hãi và do dự của mình, tôi đã không tìm đến cảnh sát ngay từ khi bị bạo hành lần đầu tiên. Bởi vậy tôi không còn những thương tích trên cơ thể làm bằng chứng để hắn phải chịu hình phạt thích đáng hơn”, He Yehong chia sẻ trên Weibo.
Hình ảnh He Yuhong trong video tố cáo hành vi bạo lực của bạn trai cũ. Ảnh: AsiaOne. |
Mặc dù vậy, đối với những người như Song Meijin (63 tuổi), việc tố cáo không thể thực hiện được. Người phụ nữ đến từ vùng quê tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) này không có kiến thức về Luật Phòng, chống bạo hành gia đình.
Song Meijin chia sẻ, chồng bà đã đánh bà vô số lần trong suốt cuộc hôn nhân 35 năm của hai người: “Chồng tôi là một người nóng tính. Đôi lúc ông ấy đánh vào ngực tôi hoặc tát vào mặt tôi mỗi khi tức giận. Nhưng giờ già rồi, ông ấy không làm vậy nữa”.
“Gia đình nào chả có vấn đề riêng. Ông ấy không phải là người xấu. Tôi cũng chưa bao giờ có ý định ly hôn với chồng tôi”, bà nói thêm.
Sợ bị trả thù nên không dám tố cáo
Theo Lu Xiaoquan - một luật sư chuyên về quyền phụ nữ tại Bắc Kinh (Trung Quốc), quan niệm của bà Song là một thái độ điển hình của những người phụ nữ ở quốc gia này. Vì vậy, có rất ít những vụ bạo hành được đưa ra ánh sáng.
Ông cho biết: “Đa số phụ nữ không nghĩ đến việc gọi cảnh sát hay đưa vụ việc này ra tòa. Họ thậm chí không biết sự tồn tại của Luật Phòng, chống bạo hành gia đình. Ngay cả khi biết đến bộ luật, họ cũng không biết bắt đầu từ đâu hay làm thế nào để thu thập bằng chứng, làm thủ tục giấy tờ cần thiết”.
Luật sư Lu cũng chỉ ra rằng, nỗi sợ bị trả thù gây cản trở quá trình tố giác của các nạn nhân. “Nhiều người phụ nữ lo sợ bị bạo hành dã man hơn nếu tố giác kẻ hành hung mình”, ông nói.
Các nạn nhân đa phần thiếu kiến thức về Luật Phòng, chống bạo hành gia đình để có thể bảo vệ bản thân. Ảnh: Toronto Star. |
Đó cũng là lý do khiến hai người vợ cũ của Chen Hong không tố cáo hành vi hắn cho đến khi họ được He Yuhong mời tham gia video vạch tội kẻ hành hung.
Trong đoạn video, Jin Qiu - người vợ thứ hai của Chen Hong chia sẻ rằng, cô từng bị hắn đánh đập nhiều lần trong thời kỳ hôn nhân. Tuy nhiên, cô không dám lên tiếng vì bị hắn dọa giết cả gia đình.
Bên cạnh đó, luật sư Lu Xiaoquan cũng cho biết, nhiều người không tin vào sự thực thi của luật pháp. “Ngay cả khi các nạn nhân nắm được Luật Phòng, chống bạo hành gia đình, họ nghi ngờ liệu luật pháp có thể ngăn chặn hoàn toàn sự bạo hành không”, ông nói.
Theo Feng Yuan - đồng sáng lập tổ chức phi chính phủ Weiping, các thẩm phán thận trọng khi ban hành lệnh cấm bởi những bất cập, lo ngại trong việc thực thi.
Theo luật, tòa án có trách nhiệm giữ hung thủ tránh xa nạn nhân khi ban hành lệnh cấm, và cảnh sát địa phương cùng cơ quan hành chính cấp dưới sẽ cung cấp hỗ trợ.
Tuy nhiên, các thẩm phán lo ngại rằng cảnh sát sẽ không thực hiện tròn trách nhiệm của họ, cũng như thủ phạm sẽ không tự nguyện tuân thủ lệnh cấm. Hơn nữa, tòa án không có đủ cơ sở vật chất để thi hành chặt chẽ lệnh cấm.