Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giáo sư giảng dạy nhiều năm cũng phải đi học nghiệp vụ sư phạm

Trong khi giảng viên than thở lớp nghiệp vụ làm mất thời gian, công sức nhưng không hiệu quả, nhiều trường đại học lại cho rằng đây là lớp học cần thiết.

Chia sẻ của giáo sư một trường đại học nổi tiếng tại TP.HCM mới đây khiến nhiều người không khỏi bức xúc.

Theo đó, ông đã hướng dẫn thành công 8 nghiên cứu sinh, khoảng 50 thạc sĩ, trên 100 cử nhân, dạy đại học và cao học hơn 20 học kỳ, được bổ nhiệm làm giảng viên cao cấp, "vậy mà giờ này đang bị người ta doạ nạt là sắp tới phải đi học để lấy chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm do các trường sư phạm cấp. Nếu không có chứng chỉ đó, sau này, ông không được hành nghề giảng viên nữa.

Câu hỏi đặt ra là đã là giáo sư, phó giáo sư, có chứng chỉ phương pháp giảng dạy đại học, có cần phải học thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Thầy đi học lớp... của trò

Giáo sư trên hài hước viết rằng ông đang rơi vào tình huống "vừa lạ đời, vừa dở khóc, dở cười".

Dù đã mang hàm giáo sư, hướng dẫn thành công nhiều tiến sĩ, thạc sĩ và cử nhân, cũng dạy đại học và cao học hơn 20 học kỳ (khoảng 10 năm dạy cao học), lúc được bổ nhiệm giảng viên cao cấp, ông đã có chứng chỉ phương pháp giảng dạy đại học nhưng hiện nay trường vẫn yêu cầu phải đi học lớp bồi dưỡng.

Nhiều giảng viên cũng cho rằng đây là câu chuyện khôi hài. Khi giảng viên đã là giáo sư, được bổ nhiệm là giảng viên cao cấp, chuyên môn, kinh nghiệm đã được công nhận, nhưng vẫn phải đi học lớp bồi dưỡng do những người ít chuyên môn, kinh nghiệm hơn đứng dạy. Thậm chí, có trường hợp thầy đi học lớp của trò. Nhiều giảng viên tự hỏi giá trị, tính hiệu quả của những lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sẽ ra sao đối với trường hợp của vị giáo sư trên.

Bà T.A., giảng viên một trường đại học sư phạm ở Hà Nội, cảm thấy "không tài nào hiểu được" khi là giảng viên trường sư phạm vẫn bị yêu cầu phải có chứng chỉ nghiệp vụ bồi dưỡng sư phạm.

Việc học nghiệp vụ sư phạm không cần thiết cho những người đã được đào tạo chính quy. Đây là sự lãng phí vì mất thời gian, công sức, tiền của, khi bồi dưỡng nghiệp vụ cho những người đã được đào tạo chính quy.

giang vien phai hoc nghiep vu su pham anh 1
Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên của ĐH Kinh tế Quốc dân. Ảnh: NEU.

Trong khi đó, ông Hồ Hoàng Tâm, giảng viên một trường đại học phía Nam, cho rằng có sự "lệch pha" giữa thông tư 12/2013 của Bộ GD&ĐT với Thông tư 36 của liên Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT.

Theo đó, thông tư 36 liên bộ quy định về tiêu chuẩn nghề nghiệp và chức danh của viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập, yêu cầu giảng viên, giảng viên chính và giảng viên cao cấp phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Nghĩa là, trước khi trở thành giảng viên, đứng lớp giảng dạy cho sinh viên, họ đã có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Trong khi đó, thông tư 12 của Bộ GD&ĐT nêu các đối tượng đã qua đào tạo sư phạm nhưng chưa tham gia giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học, phải được học đầy đủ cả hai phần kiến thức bắt buộc và tự chọn của chương trình và được miễn trừ hai học phần 7 và 8 của chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Các đối tượng đang giảng dạy cơ sở giáo dục đại học phải được học đầy đủ 10 tín chỉ phần nội dung kiến thức bắt buộc tối thiểu từ học phần một đến học phần 6 của chương trình bồi dưỡng này.

Nhưng theo ông Tâm, nếu giảng viên học đại học sư phạm, bằng của họ có giá trị hơn rất nhiều so với chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Ông cũng cho rằng giảng viên đại học nếu đã được bổ nhiệm chính thức, đã có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, nhưng lại phải học thêm một lớp khác nữa là sự bất cập, chồng chéo trong các quy định.

Từ đó, nam giảng viên này đặt câu hỏi về sự lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc của những người đứng dạy trên giảng đường.

"Liệu có cần thiết bắt giảng viên phải chuẩn hóa, ai cũng có chứng chỉ như thế này hay không. Liệu các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ như thế này có thực sự bổ ích cho giảng viên hay không?", ông Tâm nói.

Trường gặp khó, lãng phí thời gian của người học

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, cho rằng Bộ GD&ĐT nên quy định rõ những giảng viên đã là giáo sư, phó giáo sư và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm thì không cần thiết phải học thêm lớp nghiệp vụ nữa.

Theo TS Vinh, thông tư 36 của liên Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT ra đời năm 2014, có hiệu lực thi hành từ năm 2015. Trong khi đó, thông tư 12/2013 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ năm 2013. Theo lý, văn bản sau phải có hiệu lực hơn văn bản trước, nghĩa là thông tư 36 đã yêu cầu khi bổ nhiệm giảng viên hạng I, hạng II, hạng III bắt buộc phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, thì lẽ ra những người này không phải đi học thêm chứng chỉ tương tự.

"Rõ ràng, đây là sự lãng phí thời gian, công sức của họ và cho thấy sự chồng chéo trong các quy định của cơ quan quản lý", TS Vinh nói.

Dù đã có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm như yêu cầu nhưng một PGS dạy đại học ở TP.HCM cũng không đồng tình với cách làm của Bộ GD&ĐT. Người này cho rằng các trường cũng đang bị bắt buộc thực hiện dù giảng viên kêu ca, cảm thấy không hợp lý.

"Nếu không có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, người đó không được tính là giảng viên. Chỉ tiêu tuyển sinh và nhiều thứ khác của trường đại học được tính trên đầu số giảng viên, thành ra đây là cái khó của các trường, buộc các trường tổ chức lớp cho giảng viên học. Quy định này thật không giống ai! Các nước phương Tây chỉ yêu cầu chứng chỉ cho giáo viên phổ thông chứ ai đời lại yêu cầu giảng viên đại học cũng phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm", vị PGS nêu quan điểm.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho biết trường này liên tục tổ chức các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ giảng dạy, kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý cho giảng viên. Còn lại, về chuyên môn, tự thân giảng viên, tổ bộ môn phải thực hiện.

Ông Sơn cho rằng đây là điều cần thiết để giảng viên cập nhật kiến thức, kỹ năng mới.

"Giảng viên đến từ nhiều nguồn nên về phương pháp giảng dạy, đánh giá, tổ chức lớp học có thể chưa chuẩn, cần qua bồi dưỡng. Không bồi dưỡng thường xuyên, giảng viên khó dạy tốt. Có thể họ có trình độ và khả năng nghiên cứu cao nhưng kỹ năng giảng dạy không có thì đứng lớp cũng không hiệu quả", ông Sơn nêu quan điểm.

Theo ông Sơn, giảng viên dù giỏi, có chuyên môn tốt, không có phương pháp truyền đạt thì cũng là những "tiến sĩ gây mê" mà sinh viên vẫn thường kêu ca.

Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng tất cả giảng viên của trường đã đi học lớp nghiệp vụ sư phạm như yêu cầu và chính ông cũng tham gia lớp này.

Giảng viên nếu không có phương pháp dạy, không lập được đề cương môn học, không nắm được tâm lý sinh viên, thì không thể nào dạy tốt được. Lớp nghiệp vụ sư phạm sẽ bổ sung những kỹ năng này cho giảng viên. Do đó, ông cho rằng đây là chứng chỉ cần thiết.

"Giảng viên kêu ca thì cũng một phần do thái độ học tập và chọn lựa nơi học của họ. Tất nhiên trong chương trình dạy thì cũng có môn nhàm chán, có môn thích thú. Nhưng đã là giảng viên thì nên tham gia", ông Quán nói.

Nghề giảng viên có thể biến mất vào năm 2030

TS Đào Minh Hồng, giảng viên ĐH Quốc tế Hồng Bàng, TP.HCM, nhận định giảng viên là một trong 10 nghề có thể biến mất vào năm 2030, do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm