Phạm Thị Huệ được biết tới là ca nương tài sắc vẹn toàn, vừa hát hay, vừa đàn giỏi của đất Hà thành. Chị là người có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ bản sắc nghệ thuật ca trù – một loại hình truyền thống đặc sắc của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ.
Phạm Thị Huệ có dịp làm việc nhiều với cố giáo sư Trần Văn Khê. Trong buổi lễ mở xiêm y của ca nương xứ Hà thành, cố giáo sư cũng tới dự.
Chia sẻ về kỷ niệm với cố giáo sư Trần Văn Khê, Phạm Thị Huệ kể: “Lần đầu tiên tôi gặp cụ là ở cuộc hội thảo Hát ca trù người Việt năm 2006. Cố giáo sư chính là người động viên và giúp tôi quyết tâm hoàn thành luận văn vào năm 2007. Thông thường, cụ có mặt ở Hà Nội rất ít, hầu như một năm chỉ 1-2 lần, bởi sức khỏe yếu và đi lại khó khăn. Thế nhưng những mốc quan trọng của Giáo phường ca trù Thăng Long như lễ ra mắt Ca trù người Việt, Giáo phường, cố giáo sư đều dành thời gian tới dự”.
Ca nương Phạm Thị Huệ tâm sự, cố giáo sư có những khả năng rất đặc biệt và một trí nhớ rất tuyệt vời. Ông đi khắp thế giới nên nói tới đất nước, văn hóa, âm nhạc truyền thống nào, cố giáo sư đều biết, thậm chí còn biết sâu, rộng. Ông Trần Văn Khê cũng là người có điều kiện làm việc thực tế với rất nhiều giáo sư, nghệ nhân trên thế giới.
Ca nương Phạm Thị Huệ (thứ hai từ trái sang) trong bức ảnh chụp chung với cố giáo sư Trần Văn Khê. |
“Lần đầu tiên lên thăm thư viện của cố giáo sư, tôi rất ngạc nhiên khi cụ giữ được tấm vé của từng chuyến đi qua bao năm tháng. Đi đâu, cảm xúc như thế nào, gặp những ai, hình ảnh nào đều được giáo sư lưu giữ cẩn thận. Thậm chí, cả những kỷ vật là máy móc giúp cố giáo sư ghi âm, chụp ảnh hay trang thiết bị làm việc, từ năm 1958-1959, dù đã hỏng nhưng cụ vẫn trân trọng” – ca nương Hà thành chia sẻ.
Theo lời của Phạm Thị Huệ, sách trong thư viện của cố giáo sư Trần Văn Khê nhiều vô kể. Nếu như chúng ta cần tra cứu tài liệu về âm nhạc Việt Nam và thế giới, hãy tới thư viện của ông. Trong những cuốn sách đó, chỉ cần nói đến tên, cố giáo sư không cần giở sách, tra cứu đã có thể nói luôn về nội dung.
“Cụ có một bộ óc vi diệu. Tôi không thể nghĩ một người 80, 90 tuổi có thể minh mẫn tuyệt vời đến thế. Ngay cả khi chân không đi nổi, mắt không nhìn rõ, tai không nghe thấy nhưng bộ não vẫn tuyệt vời, không quên một chi tiết nào, kể cả những chuyện khi ông còn bé xíu” – học trò của cụ Nguyễn Thị Chúc chia sẻ.
Trong cuộc sống, đối với những chuyện vui buồn, riêng tư, cố giáo sư có nguyên tắc, không để bản thân buồn quá 5 phút. Bởi ông xác định, cuộc đời dành hết cho âm nhạc truyền thống của Việt Nam cho nên việc riêng tư phải xếp lại. Phạm Thị Huệ cho rằng, đó chính là phương pháp giúp một người tuổi cao, sức yếu thực hiện được khối lượng công việc khổng lồ.
Với lớp trẻ, ông không phân biệt là người chuyên nghiệp hay không chuyên, người lớn hay bé. Kể cả với các bé cấp một, cấp hai, cụ cũng sẵn sàng bỏ thời gian, công sức để đưa ra những bài giảng đầy thú vị phù hợp với từng lứa tuổi. Đó là ngọn lửa cụ muốn truyền cho lớp trẻ, cho thế hệ măng non với mong muốn âm nhạc truyền thống sẽ đi vào tâm thức, chảy trong dòng máu của mỗi người dân Việt Nam.
Theo lời chia sẻ của ca nương Phạm Thị Huệ, dù tuổi cao song những mốc quan trọng của Giáo phường ca trù Thăng Long như lễ ra mắt Ca trù người Việt, Lễ ra mắt Giáo phường, cố giáo sư đều dành thời gian tới dự. |
“Tuy giáo sư không còn với chúng ta nữa nhưng những lời dặn, mong đợi của ông đối với người yêu âm nhạc truyền thống, với lớp trẻ Việt Nam và đặc biệt đối với các thành viên của giáo phường ca trù Thăng Long, chúng tôi sẽ luôn luôn ghi nhớ. Chúng tôi sẽ gìn giữ ca trù và truyền dạy môn nghệ thuật này cho các thế hệ trẻ” – ca nương chia sẻ thêm.
Đối với riêng ca trù Thăng Long, cố giáo sư luôn luôn nhắc nhở, phải thường xuyên biểu diễn, gìn giữ, quảng bá ca trù đến với nhiều người và phải truyền dậy đến các thế hệ sau để ca trù không được thất truyền.
Cũng là người có làm công việc liên quan đến nghệ thuật truyền thống, đạo diễn hình ảnh – stylist Vô Thường chia sẻ, với anh, cố giáo sư Trần Văn Khê như một tượng đài về lĩnh vực này. Những lần được cộng tác làm việc cho các dự án do cố giáo sư chỉ đạo, stylist Long áo dài học hỏi được rất nhiều từ người nghệ sĩ quá cố.
Cố giáo sư Trần Văn Khê và đạo diễn hình ảnh – stylist Vô Thường. |
Anh cho biết: “Khi nghe tin ông mất, tôi rất bất ngờ. Tôi cảm thấy thương tiếc cho người thầy tận tụy và hết mình trong công việc. Tôi như còn cảm nhận được từng lời nói, từng cử chỉ và giai điệu khi giáo sư truyền đạt về âm nhạc truyền thống”.
Kỷ niệm đáng trân trọng nhất của stylist là lần anh có may mắn được làm việc và tiếp xúc với giáo sư trong ngày khai mạc Triển lãm áo dài nghệ sĩ mang chủ đề Tâm và Tài. Trong lần gặp gỡ này, cố giáo sư Trần Văn Khê đã để lại nhiều ấn tượng trong stylist Vô Thường về sự chân tình, nhiệt huyết và đậm tính nhân văn.
Trong ngày khai mạc, cố giáo sư Trần Văn Khê trịnh trọng tặng bảo tàng chiếc áo dài đặt may tại Paris năm 1961, gắn liền với giáo sư trong nhiều chương trình, hội nghị quốc tế về âm nhạc.