Cô Đ. sợ phụ huynh soi camera cả ngày để kiểm tra con ở lớp. Ảnh: T.A. |
Trở thành người đứng trên bục giảng là niềm yêu thích, đam mê của các nhà giáo. Nhưng đôi khi, nỗi sợ thường trực khi làm nghề lại át đi niềm đam mê của nhiều người, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh của họ khi tới lớp.
Từ mệt biến thành ám ảnh
Nói về nỗi sợ lớn nhất khi trở thành giáo viên, cô L.Đ., giáo viên mẫu giáo ở Bình Dương, nói rằng cô rất sợ những phụ huynh soi camera cả ngày để kiểm tra tình hình của con ở lớp và bắt lỗi giáo viên.
Cô Đ. dạy lớp mẫu giáo 4 tuổi tại một trường mầm non tư thục. Từ năm 2022, trường của cô Đ. bắt đầu lắp camera trong từng phòng học để nhà trường, phụ huynh tiện theo dõi tình hình học tập của trẻ. Ban đầu, mọi chuyện vẫn ổn, cho đến khi một số phụ huynh bắt đầu “cuồng” quan sát con qua camera.
“Phụ huynh nhớ con, xem con qua camera lớp học thì tôi có thể hiểu được. Nhưng một số phụ huynh lại thích kiểm tra camera để xem các cô có chăm con tốt hay không, các cô có làm con bị thương hay không”, cô Đ. chia sẻ.
Một lần, khi đang cho trẻ ăn trưa, cô Đ. bị một phụ huynh gọi điện, trách móc “vì sao cô không đút cho con ăn”. Dù đã giải thích lớp có hơn 20 bé nhưng chỉ có 2 giáo viên, các cô chỉ có thể đút cho các bé ăn lần lượt, vị phụ huynh này vẫn không chịu nghe cô Đ. giải thích và yêu cầu cô phải đút cho con ăn ngay lập tức.
Đến chiều, cô Đ. lại tiếp tục bị phụ huynh đó nhắn tin hỏi “cô đã cho con uống sữa chưa, mẹ xem camera thấy cô chưa cho con uống”, rồi lại gọi nhờ cô giáo thay áo cho con vì “mẹ xem camera thấy con mặc áo đó hơi nóng”.
“Không phải một phụ huynh mà nhiều phụ huynh như vậy. Các con đi học lỡ bị bầm hoặc trầy xước do tự cào hoặc do các con nô đùa với nhau, phụ huynh cũng muốn kiểm tra camera bằng được để xem có phải là lỗi của cô giáo hay không”, cô giáo nói với Tri Thức - Znews.
Không bị săm soi qua camera như cô L.Đ., nhưng cô N. Nguyên, giáo viên tiểu học tại Hà Nội, cũng có những nỗi sợ riêng khi dạy học. Sau vài năm theo nghề, cô bắt đầu thấy ám ảnh với việc trả lời tin nhắn của phụ huynh. Dù đang trên lớp, về nhà hay trong kỳ nghỉ, phụ huynh vẫn nhắn tin cho cô và muốn cô phải phản hồi ngay lập tức. Nếu không phản hồi nhanh, phụ huynh sẽ gọi điện trực tiếp để hỏi chuyện.
Cuộc trò chuyện giữa cô Nguyên và phụ huynh chủ yếu xoay quanh việc học của trẻ hoặc các nội dung liên quan hoạt động của lớp học. Ngoài tin nhắn trong nhóm lớp, cô còn phải trả lời tin nhắn riêng của phụ huynh, phản hồi những phàn nàn hoặc thậm chí giải quyết mâu thuẫn giữa các phụ huynh.
“Từ mệt tôi chuyển thành sợ, vì trả lời tin nhắn của phụ huynh tốn rất nhiều thời gian và mất năng lượng. Nhiều hôm, tôi phải trả lời tin nhắn của phụ huynh đến nửa đêm, sau đó mới có thời gian chuẩn bị bài giảng”, cô Nguyên tâm sự.
Giáo viên tốn rất nhiều thời gian để trả lời tin nhắn, nghe điện thoại của phụ huynh. Ảnh: Pexels. |
Cần có không gian riêng
Dù hoàn cảnh khác nhau, cô Đ. và cô Nguyên đều có chung kỳ vọng là cần có không gian riêng, không bị phụ huynh làm phiền, can thiệp quá mức vào việc dạy học, chăm sóc trẻ.
Ở bậc mầm non, trẻ còn nhỏ chưa biết cách tự chăm sóc bản thân nên vẫn cần bàn tay của các cô giáo. Dù vậy, cô Đ. vẫn nhấn mạnh rằng trường học là nơi để trẻ tự học những kỹ năng sống căn bản nhất như tự ăn, tự uống nước, tự chuẩn bị chăn gối ngủ trưa…
Vì thế, cô giáo mong rằng các phụ huynh không nên xem camera rồi yêu cầu giáo viên phải làm việc này, việc kia cho con. Thứ nhất là lớp đông trẻ, các cô không thể làm nhiều đầu việc cùng lúc. Thứ hai, nếu giáo viên làm hết mọi thứ, trẻ sẽ không biết cách rèn luyện kỹ năng sống cho bản thân.
Cô Đ. cũng đề cập đến việc trẻ đôi khi bị bầm tím, xước da khi học ở lớp. Cô nói rằng điều này khó tránh khỏi vì đôi khi trẻ nghịch ngợm, nô đùa với nhau nên bị thương, hoặc một số bé để móng tay dài, các cô chưa kịp cắt nên lại tự cào vào người.
“Tôi mong phụ huynh đừng săm soi quá mức, hãy để chúng tôi chuyên tâm chăm sóc và dạy các con. Phụ huynh xem camera cả ngày cũng như chúng tôi lên lớp mà có cán bộ dự giờ vậy, rất áp lực”, cô Đ. bày tỏ nguyện vọng.
Trong khi đó, cô Nguyên lại mong phụ huynh nên tránh làm phiền giáo viên quá mức, nhất là những lúc giáo viên đang trong giờ dạy học hoặc sau giờ hành chính. Việc phụ huynh nhắn tin, gọi điện quá nhiều cũng có thể làm ảnh hưởng hiệu suất, tinh thần làm việc của các thầy, cô giáo.
“Phụ huynh nhắn tin cũng được, gọi điện cũng được, nhưng cần có giới hạn và tránh khung giờ nghỉ ngơi. Chúng tôi cũng là con người, có quyền được nghỉ ngơi chứ không thể túc trực bên điện thoại 24/24 để phản hồi ngay lập tức được”, cô Nguyên nói.
Tình trạng phụ huynh nhắn tin liên tục cho giáo viên không phải chuyện hiếm ở các trường học châu Á. Mới đây, để giải quyết tình trạng giáo viên bị làm phiền sau giờ làm việc, Bộ trưởng Giáo dục Singapore Chan Chun Sing nói rằng giáo viên không cần phải chia sẻ số điện thoại cá nhân cho phụ huynh, học sinh. Các thầy cô cũng không cần trả lời các tin nhắn liên quan công việc sau giờ học.
Bộ Giáo dục Singapore đưa ra quy định mới này là để bảo vệ giáo viên khỏi "những kỳ vọng vô lý", cho phép các nhà giáo tập trung vào những hoạt động dạy và học cho trẻ, đồng thời vẫn có thời gian cho bản thân.
Ngoài ra, ông Chan Chun Sing cũng kêu gọi giáo viên chỉ nên dùng email và số điện thoại văn phòng để liên lạc với phụ huynh. Bản thân ông không khuyến khích giáo viên chia sẻ số điện thoại cá nhân cho cha mẹ học sinh.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.