Theo Bộ GD&ĐT, hiện nay, các trường đang áp dụng đánh giá nhiều môn học bằng cách kiểm tra, cho điểm đã bộc lộ hạn chế, chưa đánh giá được phẩm chất, năng lực học sinh.
Bộ GD&ĐT cho rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Thông tư về quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS - THPT. Theo đó, điểm mới lớn nhất là học sinh thay vì được đánh giá bằng điểm số sẽ được nhận xét bằng lời.
Giáo viên THCS - THPT cùng lúc viết nhận xét hàng trăm học sinh là thách thức lớn. Ảnh: Tiền Phong. |
Bà Đỗ Thị Việt Hiền, Hiệu trưởng trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, ủng hộ phương án đánh giá kết hợp điểm số và nhận xét của giáo viên. Tuy nhiên, để làm được điều này, bộ cần có hướng dẫn cụ thể. Bà Hiền phân tích, ở bậc THCS, một giáo viên dạy Hóa học, Sinh học và Kỹ thuật nông nghiệp có khi đứng 9 lớp, tương đương dạy 400 học sinh.
“Việc đòi hỏi thầy cô nhận xét cùng lúc hàng trăm học sinh là rất khó thực hiện”, bà Hiền nói.
Cô Phạm Thị Ngọc Huệ, giáo viên dạy Toán, trường THPT Đông Anh, cho biết với môn Toán, một năm mỗi học sinh phải có 4 đầu điểm thường xuyên, 3 định kỳ, 1 điểm học kỳ, 1 điểm cuối kỳ. Cô giáo này cho rằng đánh giá bằng điểm số chưa phản ánh hết năng lực, sự tiến bộ, hướng phát triển của học sinh.
Do đó, khi kết hợp chấm điểm và nhận xét bằng lời như: “Con đang tiến bộ”; “Con có khả năng về Toán”; “Con tiến bộ nhanh”… sẽ là động lực rất lớn cho học sinh phát triển.
“Chưa kể, việc giảm các đầu điểm kiểm tra định kỳ, thường xuyên cũng sẽ giảm áp lực cho học sinh”, cô Huệ nói.
Tuy nhiên, cô cũng cho rằng khi thực hiện cả đánh giá bằng điểm và nhận xét giáo viên sẽ vất vả, áp lực hơn. Ngoài dạy học, chấm bài kiểm tra, sáng tạo hình thức đánh giá còn phải thật sự theo sát quá trình học của học sinh, khi đó mới có nhận xét, đánh giá chính xác từng em.
“Việc này sẽ rất khó khăn cho giáo viên đứng lớp quá đông và dạy cùng lúc nhiều lớp. Hiện nay, có giáo viên dạy 15 lớp sẽ rất khó cho việc nhớ khả năng, sự tiến bộ của từng em”, cô Huệ nói.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS - THPT Lê Qúy Đôn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), cho rằng lâu nay việc dạy học tập trung quá nhiều vào chấm điểm nên có xu hướng chạy theo thành tích.
Các yếu tố như năng lực, tư duy và nhiều kỹ năng khác chưa được đánh giá. Vì thế, ông Bình nhìn nhận, việc kết hợp đánh giá bằng điểm số và nhận xét sẽ đầy đủ, công bằng, khách quan hơn.
Giảm lượng bài kiểm tra
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), TS Sái Công Hồng cho biết khi áp dụng cách đánh giá này, giáo viên nhận xét cụ thể về thái độ, hành vi, kết quả sản phẩm học tập của học sinh.
Việc kiểm tra bằng điểm số cũng sẽ đổi mới cách ra đề theo hướng học sinh sử dụng kiến thức để giải quyết một nhiệm vụ học tập cụ thể nào đó. Ngoài ra, khi đánh giá bằng nhận xét, tổng số đầu điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ một năm của một môn học, nhiều nhất cũng chỉ là 6.
Lý giải về việc thay đổi này, cách đánh giá này, ông Hồng chỉ ra Thông tư 58 đang áp dụng còn nhiều hạn chế. Ví dụ như, nhiều môn học chỉ có hình thức đánh giá bằng bài kiểm tra và cho điểm.
Số lượng đầu điểm nhiều; việc kiểm tra chưa tiếp cận đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, chưa đánh giá được sự tiến bộ trong quá trình học tập của người học. Quan trọng hơn, cách đánh giá cho điểm số hiện nay chưa tạo động lực để học sinh tiến bộ.
Ông Hồng cũng khẳng định, áp dụng đánh giá kết hợp cho điểm và nhận xét là bước đệm, để tiếp cận dần với chương trình giáo dục phổ thông mới, coi học sinh là trung tâm, giáo dục vì sự tiến bộ của học sinh.
Dự thảo Thông tư về quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS - THPT Bộ GD&ĐT vừa ban hành lấy ý kiến rộng rãi xã hội, trong đó thay đổi lớn nhất là chuyển từ kiểm tra đánh giá các môn còn lại bằng điểm số sang kết hợp cho điểm và nhận xét bằng lời.