Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Giáo viên chạnh lòng khi đồng nghiệp bị phụ huynh bóc 'phốt' trên mạng

Vụ phụ huynh đăng bài tố giáo viên vì con không được nhận phần gà rán đã phần nào phơi bày những chuyện buồn mà các nhà giáo dục phải trải qua trong thời gian làm nghề.

Những ngày vừa qua, mạng xã hội tranh luận không ngừng nghỉ trước câu chuyện một phụ huynh ở trường Tiểu học Gia Lương (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) đăng đàn bóc phốt giáo viên chủ nhiệm vì con không có suất gà rán riêng, chỉ được ăn bánh kẹo cùng bạn trong buổi liên hoan với cả lớp.

Học sinh này không có suất ăn riêng như các bạn học sinh khác vì mẹ em chưa có ý kiến gì về việc liên hoan cuối năm, mặc dù trước khi tổ chức liên hoan 2 ngày, đại diện cha mẹ học sinh và giáo viên chủ nhiệm đã gửi thông báo lên nhóm lớp.

Khi đọc bài bóc phốt cùng những bình luận trái chiều của cộng đồng mạng, cô Lê Dung, giáo viên ở Hà Nội, thấy chạnh lòng khi đồng nghiệp đột nhiên bị công kích trên mạng xã hội chỉ vì một phần gà rán, đồng thời thấy bất lực thay cho cô giáo vì gặp phải tình huống không thể kiểm soát được.

“Tôi cũng thấy buồn cho con của phụ huynh đó. Con trẻ đáng lẽ không nên trở thành đối tượng đứng giữa mâu thuẫn của người lớn, đặc biệt là khi mâu thuẫn đấy ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của con”, cô Dung nói với Tri thức - Znews.

phu huynh phot giao vien anh 1

Vụ việc xảy ra tại trường Tiểu học Gia Lương. Ảnh: FBNT.

Phụ huynh chưa khéo

Thảo luận thêm về vụ việc ở Hải Dương, cô Lê Dung nhận định người mẹ trong vụ việc này chưa khéo khi đưa vụ việc lên mạng để dân mạng mổ xẻ, trong khi cô hoàn toàn có thể làm việc với giáo viên cùng ban giám hiệu để tìm phương án xử lý phù hợp hơn.

Về việc đứa trẻ không được phần gà rán giống các bạn, cô Dung nói rằng thực tế chuyên mua thêm một phần gà rán cho trẻ rất đơn giản vì không quá đắt, không phải do giáo viên không mua được mà có thể vì cô giáo đã quá bất lực.

Cô Dung nhấn mạnh giáo viên nhượng bộ phụ huynh một lần thì sẽ có lần 2, lần 3 và nhiều lần khác vì chính phụ huynh biết giáo viên thương trẻ nên có thể đi quá giới hạn.

“Một phần gà rán không đáng bao nhiêu tiền cả, nhưng giả sử lần này cô giáo cho trẻ ăn khi phụ huynh chưa đồng ý, rất có thể phụ huynh này lại tiếp tục ý kiến rồi chê gà không đảm bảo như lần chê bánh trung thu trước đó. Chưa kể, nếu cô giáo làm như thế, các phụ huynh khác sẽ thắc mắc vì sao gia đình này không đóng tiền mà con vẫn được ăn gà như các bạn đóng tiền”, cô Dung nói.

Chung quan điểm với cô Lê Dung, cô Phan Thảo, giáo viên tiểu học ở Hà Nội, nói rằng giáo trong vụ việc này không sai khi xử lý tình huống như vậy.

Là giáo viên tiểu học, cũng thường xuyên đứng ra tổ chức liên hoan cho học sinh, cô Thảo cho biết các buổi liên hoan thường được chi hội trưởng đứng ra kêu gọi phụ huynh đóng quỹ và mua đồ ăn cho trẻ.

Với những gia đình quá khó khăn, không thể đóng quỹ, ban phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm sẵn sàng bỏ tiền túi góp thêm để các con được tham gia liên hoan với bạn bè.

Do đó, cô Thảo đặt câu hỏi chuyện gì đã xảy ra mà giáo viên chủ nhiệm lẫn ban phụ huynh không dám mua thêm suất gà cho trẻ như vậy. Cô đoán có thể từ lần liên hoan Trung thu trước đó, người mẹ phàn nàn nên giờ mọi người không dám tùy tiện cho trẻ ăn khi chưa được cho phép.

“Đợt Trung thu phụ huynh này cũng chê bánh không đảm bảo thì lần sau ai dám cho con họ ăn nữa. Cho ăn bị nói mà không cho ăn cũng bị nói, làm giáo viên thực sự rất khổ”, cô Thảo chia sẻ.

Giáo viên chưa được bảo vệ

Nói thêm về vụ việc này, cô Thảo cho biết khi đọc bài báo đưa tin vụ việc, cô đã đoán trước “kết cục” là giáo viên và nhà trường phải đứng ra xin lỗi dù họ làm đúng nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

Đối với cô giáo, đây là điều đáng buồn của ngành giáo dục vì các nhà giáo chưa nhận được sự tôn trọng tối thiểu từ mọi người, trong đó có cộng đồng mạng.

Nhiều năm đi dạy học, không ít lần cô Thảo gặp phải những trường hợp giáo viên bị phụ huynh phản ánh, chèn ép đến mức bật khóc dù không làm gì sai. Trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh, nhà giáo lại càng áp lực, “không dám thở mạnh” vì chỉ cần gây phật ý là sẽ bị đưa lên mạng xã hội cho dân mạng mổ xẻ.

“Chúng tôi bây giờ là người dạy chữ thuê chứ không phải người làm nghề giáo cao quý như trước đây nữa”, cô Thảo tâm sự, đồng thời cho biết giáo viên được bảo vệ hay không cũng phụ thuộc vào các lãnh đạo giáo dục.

Nếu các lãnh đạo đủ cứng rắn và có lập trường rõ ràng để bảo vệ giáo viên, phụ huynh sẽ không thể tùy tiện bắt nạt hay hạch sách giáo viên. Cô Thảo mong rằng khi những chuyện tương tự xảy ra, ban giám hiệu hoặc lãnh đạo các sở, phòng giáo dục có thể suy xét thật kỹ để đưa ra phương án xử lý phù hợp, được lòng đôi bên.

Cô Lê Dung cũng nói điều tương tự. Là người thường xuyên tiếp xúc với cha mẹ học sinh, cô Dung nhận thấy một số phụ huynh cho mình là khách hàng - người hưởng dịch vụ, nên có thái độ thiếu tôn trọng với giáo viên - người mà họ cho là người cung cấp dịch vụ.

Vì còn trẻ, cô Dung không ít lần bị phụ huynh coi thường, cho rằng cô mới vào nghề nên “quá non”, “không đủ kinh nghiệm để làm việc với phụ huynh”.

Một lần, cô giáo trẻ cũng bị các phụ huynh phản ứng chỉ vì thông báo việc mỗi trẻ cần mua một cuốn sách 50.000 đồng để tham gia hoạt động ngoại khóa.

Lần đó, cô bị phản ánh lên ban giám hiệu, phản giải trình với tổ trưởng dù việc mua sách được áp dụng ở tất cả lớp và phụ huynh lớp khác đều hưởng ứng, đóng tiền mua sách cho con.

“Tôi chưa bị đưa lên mạng giống cô giáo ở Hải Dương nhưng từng bị phụ huynh quát mắng đến mức bật khóc. Họ nói tôi kêu gọi mua cuốn sách 50.000 đồng là lãng phí, còn nói nhà trường làm ăn ‘chộp giật’ trong khi việc mua sách là để phục vụ cho việc học của con họ. Chuyện qua lâu rồi nhưng giờ nghĩ lại, tôi vẫn rất ám ảnh”, cô Dung tâm sự.

phu huynh phot giao vien anh 2

Giáo viên, học sinh đều bị tổn thương chỉ vì một phần gà rán. Ảnh: Pexels.

Đừng nghĩ trẻ không biết gì

Khi vụ việc gà rán bị đưa lên mạng xã hội để dân mạng mổ xẻ, cô Lê Dung nói rằng chuyện này sẽ gây ra những tác động khá lớn đến giáo viên và học sinh.

Về phía giáo viên, trong nhiều năm qua, đặc biệt là vào thời kỳ mạng xã hội phát triển, giáo viên, các nhà giáo dục đã phải chịu quá nhiều áp lực từ phụ huynh và dư luận.

Những chuyện tiêu cực bị phơi bày gây ảnh hưởng đến hình ảnh giáo viên, nhưng đôi khi có thể mang lại đôi chút an ủi vì một bộ phận dư luận vẫn đứng về phía họ, hiểu rằng họ đang bị mắng oan trong những vụ việc như vậy.

“Giáo viên vẫn cứ phải đối mặt với tiêu cực thôi, chuyện này không tránh được. Nhưng ít ra họ biết là đâu đó ngoài kia vẫn có những người đồng cảm với họ, giúp họ có thêm động lực để làm việc”, cô Dung nói với Tri thức - Znews.

Còn về phía học sinh, cô Dung lo ngại vụ việc lần này sẽ ảnh hưởng đến đứa trẻ không có gà rán và cả những người bạn cùng lớp của em. Dù còn nhỏ, trẻ đã có những nhận thức và quan niệm nhất định về chuyện tiền bạc.

Các em hoàn toàn có thể hiểu rằng nếu không đóng quỹ, không tham gia các hoạt động, ít nhiều bản thân sẽ bị gièm pha hoặc không nhận được quyền lợi giống các bạn khác.

Một số dân mạng nói rằng vụ việc lần này có thể khiến trẻ hình thành tâm lý phân biệt đối xử giàu - nghèo. Cô Dung cho rằng quan điểm này chưa đúng, nhưng có thể vụ việc nổ ra sẽ giống như đổ thêm dầu vào lửa, khiến trẻ phân biệt lẫn nhau dù nguồn cơn vụ việc là từ cha mẹ.

Cô Phan Thảo cũng nêu nỗi lo tương tự. Theo cô, cha mẹ là tấm gương phản chiếu của con, nếu cha mẹ có cái nhìn quá tiêu cực về chuyện tiền nong thì đứa trẻ cũng dễ có nguy cơ bị “nhiễm” suy nghĩ đó.

Còn về đứa trẻ trong vụ việc gà rán, cô Thảo và cô Dung lo rằng em có thể trở thành đối tượng bị bạn bè trêu chọc, thậm chí bắt nạt nếu những người bạn cùng lớp, cùng trường cũng biết đến chuyện mẹ em bóc phốt giáo viên trên mạng xã hội.

Do đó, hai cô giáo đều mong rằng phụ huynh của các học sinh khác nên hạn chế thảo luận chuyện này trước mặt con, tránh để con biết rồi con lại trêu bạn.

“Thế giới của trẻ nhỏ chỉ nên xoay quanh những chuyện vui vẻ đúng lứa tuổi chứ không nên bị vướng vào những drama không đáng có do người lớn gây ra”, cô Thảo nhấn mạnh.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Sự thật vụ 'mẹ không đóng quỹ, con phải ngồi nhìn các bạn liên hoan'

Sở GD&ĐT thông tin học sinh tên Ng. (con của phụ huynh không đóng tiền quỹ) vẫn được ăn bánh kẹo cùng các bạn, nhưng không có suất gà rán riêng.

Thái An

Bạn có thể quan tâm