Sáng 18/3, ông Lê Văn Quý cho biết ông không bất ngờ với những thông tin nêu trên và cho rằng đó là sự việc bình thường đối với một tỉnh vùng cao như Điện Biên.
Theo ông Quý: “Điện Biên là địa phương có nhiều đoạn địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn. Mùa lũ, nước ở các con sông, suối lên rất nhanh. Các thầy cô giáo muốn đến trường buộc phải làm thế. Trường hợp này là cá biệt, không phải là phổ biến nhưng cũng không phải là hiếm”.
Ảnh cắt ra từ clip (Nguồn: Báo Tuổi trẻ). |
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Điện Biên cũng chưa thể thống kê có bao nhiêu điểm trường gặp khó khăn như trường hợp ở bản Sam Lang.
Cũng theo ông Quý, trên địa bàn xã Nà Hỳ đi vào điểm trường Sam Lang cũng có tới 4, 5 đoạn suối nguy hiểm về mùa mưa nhưng hiện tại vẫn không có đủ kinh phí để xây dựng cầu treo giúp các em học sinh và giáo viên đi lại thuận lợi.
“Trước khi được đăng lên báo, các giáo viên có chia sẻ cho tôi xem clip này. Tôi rất xúc động nhưng cũng thẳng thắn nói thầy cô không nên hành động nguy hiểm đến vậy. Mùa mưa nước ở suối lên rất nhanh và rút đi cũng rất nhanh. Thầy cô, học sinh nên chờ nước rút rồi đi. Trường hợp xấu có thể cho trò nghỉ học, sau dạy bù” – ông Quý nói.
Trước khó khăn của thầy trò ở bản Sam Lang, trả lời báo Tuổi trẻ, Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ cho triển khai xây cầu treo để phục vụ các thầy cô, học sinh và người dân trước mùa mưa năm nay.