Năm học trước, chị H. (Hà Nội) nhận nhiều tin nhắn trong nhóm phụ huynh trên ứng dụng Zalo từ giáo viên chủ nhiệm của con. Đọc tin nhắn, chị bất ngờ, tức giận khi thấy hình ảnh học sinh xếp hàng ngang, đứng lên bục giảng, cúi gằm mặt, xấu hổ vì quên mang vở hoặc không làm bài tập về nhà đầy đủ.
Thời điểm đó, con chị H. học lớp 4. Vì quên mang vở, con từng bị cô giáo chủ nhiệm chụp ảnh rồi gửi vào nhóm phụ huynh. Chị cho rằng hình phạt này không giúp giáo viên giải quyết vấn đề học sinh phạm lỗi, đồng thời gây tổn thương cho trẻ.
Nhiều phụ huynh bức xúc khi giáo viên phạt học sinh đứng trên bục giảng. Ảnh minh họa cắt từ clip. |
Bị chụp ảnh như tội phạm
Nhắc lại câu chuyện con bị cô giáo chụp lại hình ảnh đứng trên bục giảng vì quên mang vở, chị H. bức xúc khi con chỉ mắc lỗi lần đầu đã bị bêu riếu ở trước lớp và trong nhóm nhắn tin của phụ huynh. Chị cho biết trẻ và bố mẹ đều cảm thấy xấu hổ, tổn thương vì hình phạt này.
"Các con bị chụp ảnh như kẻ phạm tội vậy. Nếu các con chỉ phạm lỗi một lần, cô nhắc nhở là được. Khi con không thường xuyên làm bài tập, cô có thể liên hệ riêng với gia đình để tìm giải pháp khắc phục. Bị phạt như vậy, con rất buồn, tổn thương, trông tội lắm. Tôi đã nghĩ cả buổi học hình như cô không dạy mà chỉ rình bắt lỗi học sinh để chụp ảnh", chị H. nói.
Thấy hình ảnh con bị cô giáo chụp lại, chị H. định góp ý để cô thay đổi hình phạt. Tuy nhiên, nữ phụ huynh sợ con sẽ bị đối xử không công bằng. Bấm bụng, chị quyết định để con học xong năm cuối cấp ở trường thay vì lên tiếng phản ánh sự việc.
"Nhiều phụ huynh trong nhóm Zalo cũng thấy hình ảnh con bị phạt đứng trên bục giảng nhưng không dám ý kiến. Một số người còn bận đi làm, không để ý đến việc con bị phạt như thế nào. Các bé về nhà lại không dám nói với bố mẹ việc tổn thương ra sao vì nghĩ lỗi do bản thân. May mắn, năm cuối, con tôi học với giáo viên khác, bé phấn khởi, học tốt hơn nhiều", chị H. nói.
Nhiều bố mẹ chia sẻ về việc con bị phạt đứng trên bục giảng để cô giáo chụp lại hình gửi trong nhóm phụ huynh. /ĐHCCCTHSGTA. |
Con chị Nguyễn Thùy Phương (Hà Nội) không bị giáo viên chụp hình đăng lên hội nhóm của phụ huynh nhưng phải đứng ở bục giảng vì mắc lỗi "chạy ra ngoài gọi bạn vào lớp trong giờ nghỉ giải lao". Chị tức giận, phản đối hình phạt này. Nữ phụ huynh hiểu rõ những tổn thương mà trẻ gặp phải khi bị giáo viên bêu gương xấu trước lớp.
Thời điểm đó, con chị Phương học lớp 2. Ở độ tuổi thích chạy nhảy, trẻ đã bị cô giáo chủ nhiệm yêu cầu không đi ra khỏi lớp trong giờ giải lao. Khi nhắc bạn đi vào lớp, con của chị bị giáo viên phạt đứng trên bục giảng. Con giải thích, cô giáo chỉ trả lời "vấn đề là của con, không phải của cô". Lần thứ hai, con chị Phương vi phạm, bị đứng trên bục giảng vì hỏi bạn một câu trong giờ ngủ trưa.
"Chưa nói đến việc chụp hình khi con bị phạt rồi đăng tải, trẻ bị cô giáo cho đứng lên bục giảng, bêu gương xấu ở trước lớp, trước trường đã tổn thương rất nhiều rồi. Con của tôi khi bị phạt như vậy đã sợ run hết cả người, xấu hổ trước bạn bè và cảm thấy bị oan. Phụ huynh ủng hộ cô nghiêm khắc để giáo dục trẻ nhưng không phải bằng hình phạt đó. Nó ảnh hưởng đến tâm lý các con nhiều lắm", chị Phương nói.
Nữ phụ huynh định nhắc nhở giáo viên xem xét lại hình phạt nhưng cũng sợ khi đi học, con sẽ bị cô "trù". Chị Phương quyết định cho con chuyển trường.
"Tôi thấy quan điểm giáo dục của cô không phù hợp nên đã chuyển trường cho con. Tôi không cần trường học có cơ sở vật chất đẹp, các hoạt động ngoại khóa phô trương. Trường cần thực chất, trẻ đi học phải thoải mái và được là trẻ con", chị Phương nói.
Đọc những câu chuyện của các bố mẹ có con bị cô giáo phạt đứng trên bục giảng rồi chụp lại hình ảnh gửi vào nhóm nhắn tin của phụ huynh, chị N. Thu (Hà Nội) nhận định giáo viên không nên thực hiện phương pháp giáo dục này. Trẻ mắc lỗi lần đầu, thầy cô nên nhắc nhở. Khi trẻ phạm lỗi lần thứ ba, thầy cô hãy gọi điện trao đổi riêng với phụ huynh.
"Giáo viên bắt trẻ đứng lên bục giảng là các bạn đã xấu hổ trước mặt bạn bè rồi. Cô chụp ảnh khi trẻ đang bị phạt như vậy sẽ làm các con tổn thương. Hình ảnh các con bị đăng tải trên mạng xã hội, phụ huynh cũng bị ảnh hưởng", chị N. Thu nói.
Theo thạc sĩ Chế Dạ Thảo, giáo viên muốn thưởng hoặc phạt học sinh phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng người học. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Không tôn trọng người học
Theo chuyên gia tâm lý, thạc sĩ Chế Dạ Thảo, Trưởng bộ môn Kỹ năng, ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), giáo viên cần nhìn nhận lại khi phụ huynh và học sinh phản ứng không tốt về hình thức thưởng - phạt trong phương pháp giáo dục của bản thân.
Bà Thảo nhận định thưởng - phạt có ý nghĩa nhất định để thực hiện chức năng giáo dục trẻ tại trường. Tuy nhiên, khi thưởng - phạt, giáo viên phải tuân thủ theo các quy tắc ứng xử nhất định. Trong đó, giáo viên sử dụng hình phạt phải đảm bảo nguyên tắc tôn trọng người học.
"Thầy cô dùng thiết bị di động để chụp hình các em đứng trên bục khi mắc lỗi xin phép các em chưa? Tiếp đó, giáo viên sử dụng hình ảnh của các em vào mục đích gì? Nếu dùng để cung cấp thông tin, kết nối với phụ huynh trong việc giáo dục trẻ, giáo viên phải xử lý khéo léo, đảm bảo tôn trọng người học. Gửi hình ảnh các em bị phạt vào trong nhóm của phụ huynh, khi các em không thoải mái sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của cả học sinh lẫn phụ huynh", bà Thảo nói.
Nữ thạc sĩ cho rằng trong giáo dục, bất kỳ một hành động nào của giáo viên cũng tác động mạnh đến tâm lý trẻ. Việc trẻ bị chụp hình trong hoàn cảnh bản thân đang bị phạt vì mắc lỗi hoặc làm chưa tốt việc gì đó tác động không tốt đến tinh thần.
Giáo viên đưa hình ảnh đó của trẻ lan truyền đến nhiều người không liên quan sẽ khiến trẻ tiếp tục chịu ảnh hưởng một lần nữa. Khi cảm thấy không được trân trọng, trẻ nảy sinh tâm lý bất ổn, học tập kém hiệu quả.
Đối với những phụ huynh đang trong hoàn cảnh này, bà Thảo khuyên bố mẹ phản hồi lại để giáo viên điều chỉnh cách thức phạt học sinh mắc lỗi.
"Phụ huynh không nhất thiết phải làm lớn chuyện, phản ứng một cách thái quá. Bố mẹ có thể lên tiếng thiện chí, nói trực tiếp với thầy cô về rủi ro xảy ra khi học sinh bị phạt như vậy. Trường hợp giáo viên không hợp tác, bố mẹ có thể chọn cách nói chuyện với ban phụ huynh của lớp một cách tế nhị, mang tính chất xây dựng. Đây là việc cần làm để bảo vệ con của mình", bà Thảo nói.