Khi có Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học công lập, cô N.M. (Lâm Đồng) thử tự đánh giá bản thân. Cô hy vọng bản thân có thể được xếp hạng II.
“Nhưng để được xếp hạng II không hề dễ. Tôi đáp ứng gần đủ tiêu chuẩn nhưng chưa từng tổ chức báo cáo chuyên đề”, cô M. cho hay.
Tiêu chuẩn cho giáo viên hạng II và hạng I rất khó thực hiện. Ảnh minh họa: Lê Hiếu. |
Nhiều tiêu chuẩn để được nâng hạng
Cô N.M. cho biết chưa nói đến giáo viên hạng I, chỉ ở hạng II, tiêu chuẩn đặt ra cũng đã quá nhiều. Ngoài yêu cầu bên giảng dạy, giáo viên còn phải tham gia các cuộc thi để có được danh hiệu như chiến sĩ thi đua, giáo viên dạy giỏi hoặc giáo viên chủ nhiệm giỏi hay phải nhận bằng khen…
Họ còn cần tham gia các hoạt động chuyên môn khác như kiểm định chất lượng giáo dục, thanh tra, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm từ cấp trường trở lên; tham gia hướng dẫn, đánh giá thực tập sư phạm của sinh viên (nếu có).
Nhưng theo cô M., cái khó nhất là để được xếp hạng II, giáo viên tiểu học cần chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn/chuyên đề ở tổ, khối chuyên môn, tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp trường trở lên.
Gần 8 năm công tác trong ngành, cô chưa từng thực hiện các nhiệm vụ trên vì đó không phải công việc của giáo viên thông thường và trường cũng không có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học để đánh giá, xét duyệt.
Vì thế, dù còn một năm nữa mới đủ thời gian công tác 9 năm theo yêu cầu để xếp hạng II, cô N.M. không mặn mà đi học chứng chỉ, chấp nhận “buông xuôi”, là giáo viên hạng III kể cả khi đứng lớp lâu năm.
Thầy H.P., giáo viên dạy Toán tại một trường THPT ở TP.HCM, nhận định để được xét nâng hạng giáo viên còn khó hơn hoàn thành khóa học thạc sĩ.
“Tôi buồn đến mức không muốn đọc hết thông tư. Để được nâng hạng là vô cùng khó, tôi nhấn mạnh là vô cùng khó. Ở trường tôi, mọi người không đoái hoài nữa, không học chứng chỉ chức danh, cứ để hạng III”, thầy P. chia sẻ.
Thầy nói thêm để đạt hạng I, giáo viên THPT cần “tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương hoặc các tài liệu dạy học khác và tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên”.
Trong khi đó, không phải năm nào cũng có sách giáo khoa mới để tham gia biên soạn, thẩm định hay lựa chọn. Phần “tài liệu giáo dục địa phương hoặc các tài liệu dạy học khác và tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên” cũng không rõ ràng, giáo viên không nắm được.
Yêu cầu là chiến sĩ thi đua hay nhận bằng khen cấp tỉnh cũng không dễ đạt được.
Tương tự, cô T., giáo viên ở TP.HCM, cho biết nếu chỉ xét theo quy định, cô đạt hạng II, dư điều kiện để lên hạng I nhưng “ai cho thăng hạng mà thăng”.
Cô T. cho biết nguyên tắc xét hạng được quy định: “Việc cử giáo viên dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, nhu cầu của các cơ sở giáo dục công lập và tình hình thực tế của địa phương”.
Quy định này khiến giáo viên có thể chịu thiệt thòi vì không phải cứ đủ điều kiện là có thể thăng hạng.
Một số giáo viên muốn tập trung dạy học thay vì đầu tư thời gian để thăng hạng. Ảnh minh họa: Việt Hùng. |
Không học thêm chứng chỉ để tập trung dạy học
Việc xếp hạng giáo viên liên quan đến mức lương giáo viên sẽ nhận được. Do đó, thông tư của Bộ GD&ĐT về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương nhận được sự quan tâm của nhiều giáo viên.
Tuy nhiên, khi đọc hết tiêu chuẩn xếp hạng giáo viên và tự đối chiếu điều kiện bản thân, không ít giáo viên thấy thất vọng.
“Tôi thấy giáo viên, từ mầm non đến THPT, rất tội nghiệp. 5 năm qua, giáo viên bị bủa vây với đủ loại chứng chỉ, không đủ bình yên để tập trung dạy học”, thầy H.P. chia sẻ.
Thầy P. nói thêm theo quy định mới, giáo viên không cần có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Nhưng yêu cầu xếp hạng giáo viên bao gồm cả “có khả năng sử dụng ngoại ngữ” và “có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin”. Như vậy, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học chưa được bỏ triệt để.
Hiện tại, để xếp hạng III, II hay I, giáo viên cần học và thi chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên. Theo thầy P., việc phải học thêm các chứng chỉ khiến giáo viên sao nhãng công việc chuyên môn dạy học.
Thực tế, ngay khi bộ ra thông tư mới, nhiều người phải tranh thủ tìm nơi học để được xếp hạng. Cô N.M. là một trong số đó. Cô M. cho biết cô và một số đồng nghiệp đang nghiên cứu nơi học chứng chỉ này. Nhiều người thậm chí không biết họ có cần học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hay không.
Trong khi đó, cô T. cho hay cô có nghe thông tin đăng ký đi học để thăng hạng nhưng học xong có được xét thăng hạng hay không lại chưa có thông tin.
Vì vậy, cô T. quyết định không quan tâm đến chuyện thăng hạng để tập trung dạy học và giữ niềm vui với nghề.
Tương tự, thầy H.P. cho rằng thay vì làm hồ sơ, học chứng chỉ để được thăng hạng, giáo viên nên chú trọng công tác giảng dạy và học thêm.
“Thời gian đầu tư để được nâng hạng, tôi nghĩ dành để học tiến sĩ còn hơn”, thầy P. nói.
Thầy P. hy vọng các cấp lãnh đạo nghiên cứu lại. Việc thăng hạng giáo viên nên căn cứ vào quá trình lao động. Ví dụ, sau 15 năm công tác, giáo viên là lao động tiên tiến, giảng dạy tốt, không vi phạm được nâng lên hạng II. Tương tự, 25 năm gắn bó với nghề, làm tốt, giáo viên được nâng hạng I.
Ông cho rằng đặt ra cho giáo viên quá trình phấn đấu rõ ràng như vậy sẽ hợp lý hơn việc đề ra hàng loạt yêu cầu khó thực hiện.
Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
Giáo viên hạng III:
a) Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tiểu học theo chương trình do Bộ trưởng GD&ĐT tạo ban hành.
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (đối với giáo viên tiểu học mới được tuyển dụng vào giáo viên tiểu học hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng).
Giáo viên hạng II:
a) Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tiểu học theo chương trình do Bộ trưởng GD&ĐT ban hành.
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II.
Giáo viên hạng I:
a) Có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I.